Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/9: Chìm trong sắc đỏ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/9: Chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sắc đỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong đêm hôm qua đã lây lan sang chứng khoán châu Á trong phiên sáng nay và chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài làn “thủy triều đỏ” này.

Lo ngại trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, có thể hơn 75 điểm cơ bản trong cuộc họp kết thúc vào ngày 21/9 theo giờ Mỹ, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt đẩy mạnh bán ra trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, khiến các chỉ số chứng khoán chính của phố Wall và châu Âu đều giảm trên dưới 1%.

Sắc đỏ từ thị trường Âu, Mỹ đã lan rộng sang thị trường chứng khoán châu Á khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay khi hầu hết các thị trường đều giảm, trong đó chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông giảm mạnh nhất.

Không nằm ngoài “cơn thủy triều đỏ” này, chứng khoán Việt Nam cũng quay đầu giảm ngay khi mở cửa phiên sáng nay sau khi có phiên tăng tốt chiều qua. Trên bảng điện tử, sắc đỏ nhiều gấp 3 lần sắc xanh, nhưng VN-Index cũng không giảm quá mạnh, chỉ số này đang nhận được sự hỗ trợ ở ngưỡng 1.210 điểm.

Lực cầu bắt đáy ở một số mã bluechip có lúc kéo VN-Index trở lại gần mức tham chiếu, nhưng sự lo âu vẫn thắng thế, nên lực bán gia tăng trở lại sau đó, trong khi bên nắm giữ tiền mặt sau ít phút thăm dò lực cung đã rụt tay trở lại khiến VN-Index dao xuống và đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 11,43 điểm (-0,94%), xuống 1.207,5 điểm với 89 mã tăng, trong khi có tới 321 mã giảm, trong đó có TGG và KPF giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch chỉ 172,8 triệu đơn vị, giá trị 4.105,2 tỷ đồng, giảm gần 22% về khối lượng và 20,5% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,5 triệu đơn vị, giá trị 724,8 tỷ đồng.

Các mã trong VN30 chỉ còn VNM có sắc xanh nhạt, còn lại chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là KDH giảm 4%, xuống 32.050 đồng, trong khi thanh khoản tốt nhất là VPB và HPG đều hơn 5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, VCG lại lội ngược dòng khá tốt khi tăng 3,1% lên 25.100 đồng, khớp hơn 6,6 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE.

Ngoài VCG, nhóm bất động sản, xây dựng cũng ghi nhận sự tích cực của DXG tăng nhẹ 0,2% lên 25.000 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị; LCG tăng 3,7% lên 11.150 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị… CII cũng tăng tốt 1,7% lên 21.550 đồng sau thông tin được mở van margin trở lại. Ngoài ra, TCH cũng tăng 1,9% lên 10.650 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị.

HNX cũng có diễn biến tương tự khi đóng cửa sát mức thấp nhất phiên với thanh khoản ở mức thấp, sắc đỏ cũng gấp gần 3 lần sắc xanh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,85 điểm (-1,07%), xuống 264,06 điểm với 48 mã tăng và 112 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,9 triệu đơn vị, giá trị 440,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 130 tỷ đồng.

Sàn này sáng nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SHS và TAR, trong đó SHS khớp 1,8 triệu, đóng cửa giảm 1,8% xuống 10.900 đồng, trong khi hưởng lợi từ giá gạo tăng, TAR tăng 1,9% lên 27.200 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như PVS, CEO, IDC, HUT, PVC… đều giảm. Mã cổ phiếu họ Louis là BII cũng giảm sàn xuống 3.700 đồng, còn dư bán sàn lớn.

UPCoM giảm nhẹ nhàng hơn và sắc xanh trên sàn này cũng nhiều hơn sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,32%), xuống 88,23 điểm với 113 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18 triệu đơn vị, giá trị 223 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

UPCoM sáng nay lại giao dịch tích cực hơn HNX khi có tới 7 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ duy nhất BSR giảm nhẹ 0,9% xuống 22.200 đồng, còn lại đều tăng, thậm chí FTM, CDO tăng kịch trần lên 3.100 đồng và 4.300 đồng, đều còn dư mua trần. CDO cũng là một trong 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị cùng với VHG, trong đó VHG cũng tăng tốt 6,1% lên 3.500 đồng.

Tin bài liên quan