Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/4: Tiền chảy vào nhóm logistics, nguyên vật liệu

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/4: Tiền chảy vào nhóm logistics, nguyên vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trên thị trường tiếp tục quay vòng và phiên hôm nay đã có chọn lọc ở một số cổ phiếu ở các nhóm như vận tải, logistics, mía đường, thép và bất động sản.

Trong phiên hôm qua, thị trường đã có thời điểm test thành công mốc 1.040 điểm khi VN-Index nhanh chóng bật hồi ngay khi thủng ngưỡng hỗ trợ trên, với tâm điểm hướng tới nhóm ngân hàng.

Đà tăng khá mong manh khiến VN-Index nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc, liên tục chuyển sắc trong phiên chiều. Diễn biến phân hóa ở thị trường chung và nhóm VN30 nói riêng là nguyên nhân chính tạo trạng thái lình xình giằng co trong biên độ hẹp của chỉ số chung cho đến khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/4, thị trường chưa có nhiều biến động đáng kể, dù sắc xanh có phần chiếm ưu thế trên bảng điện tử, nhưng các bluechip phân hóa khiến VN-Index chỉ có được mức tăng nhẹ.

Những cái tên như HAH, CCL, VOS đã sớm tăng trần và số lượng cổ phiếu dưa mua giá trần dần tăng lên, các cổ phiếu nguyên vật liệu như mía đường LSS cũng tăng trần lên 11.500 đồng, SBT nhích 4%, nhóm thép với HSG tăng hơn 3%, NKG vọt 4%, trong khi TLH, HPG cũng tăng hơn 2%.

Một vài cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng có diễn biến tích cực và thu hút lực cầu tốt, điển hình là KHG khi có thời điểm đã chạm giá trần, khối lượng khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn HOSE với hơn 6,2 triệu đơn vị, cổ phiếu HTN giữ giá trần tại 12.150 đồng, HQC tăng hơn 3%, các mã HDC, VPH, HAX, NHA, BCG, SZC, ITC tăng hơn 2%.

Giao dịch chậm lại đáng kể khiến thanh khoản thị trường xuống thấp, trong khi các trụ cột vẫn “đứng hình” và bảng điện tử dần phân hóa khiến VN-Index lùi nhẹ về tham chiếu trước khi nảy nhẹ ở những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 169 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 0,61 điểm (+0,06%), lên 1.041,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 222,4 triệu đơn vị, giá trị 3.748,8 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,4 triệu đơn vị, giá trị 350,1 tỷ đồng.

Không có nhiều điểm đáng chú ý ở nhóm bluechip, khi tiếp tục chia đôi ngả với biên độ giá thay đổi không đáng kể, từ HPG khi khớp lệnh cao nhất nhóm và cũng lớn nhất sàn với hơn 10,4 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng nhẹ 1,9% lên 21.050 đồng.

Ở các mã còn lại, NVL là mã duy nhất tăng hơn 1% lên 14.200 đồng, khớp 5,28 triệu đơn vị, các cổ phiếu MBB, GVR, STB, POW, VPB, VCB chỉ nhích trên dưới 0,4%.

Trái lại, VJC dù là cổ phiếu giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ mất 1,3% xuống 96.100 đồng, BCM -1,1% xuống 78.200 đồng, các mã FPT, VIC, TPB, MWG, CTG, VRE giảm từ 0,5% đến 0,9%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm như vận tải, logistics, dầu khí, mía đường, bất động sản thu hút lực cầu khá tốt.

Cụ thể, VOS, LSS, PSH, HTN, HAH tăng kịch trần, với PSH là điểm nhấn chính khi khớp lệnh tới hơn 7,22 triệu đơn vị, HAH khớp gần 3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như THG +5,6% lên 45.350 đồng, CCL +5,5% lên 6.090 đồng, KHG +5,5% lên 5.160 đồng, SBT +3,6% lên 17.400 đồng.

Nhóm thép hạ nhiệt, ngoài HPG thu hẹp đà tăng thì HSG, NKG, TLH cũng tương tự, với NKG +3,2% lên 14.300 đồng, HSG +2,1% lên 14.900 đồng, TLH +2,2% lên 6.910 đồng,

Còn tăng khác chỉ còn DPG, ITC, BCG, HQC, VPH, NTL, TCD tăng từ 2% đến 3%.

Sắc xanh còn tại các cổ phiếu bất động sản, xây dựng khác như TCH, HPX, VCG, KBC, GEX, SCR, LCG, DIG. Đây cũng là những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn, khớp từ 1 triệu đến hơn 2 triệu đơn vị, riêng DIG khớp hơn 10,1 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,3% lên 16.950 đồng.

Ở chiều ngược lại, cũng như nhiều phiên gần đây, khi các mã giảm phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, với các cổ phiếu ORS, NLG, HHV, AAA, LDG, FTS, LPB nằm trong số những mã khớp lệnh cao, từ 0,8 triệu đến hơn 3,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến phân hóa cũng khiến HNX-Index gần như chỉ dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 59 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,02%), xuống 206,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,6 triệu đơn vị, giá trị 339,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 32,3 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt nhất có SDT và TTH khi đều tăng trần lên 2.900 đồng và 2.000 đồng, khớp 0,14 triệu và 0,3 triệu đơn vị.

Ở các cổ phiếu lớn hơn, nhóm CEO, AMV, NRC, TNG đều tăng hơn 2%, khớp từ 0,95 triệu đến 3,1 triệu đơn vị.

Trái lại, BII giảm sàn -6,3% xuống 1.500 đồng, khớp 0,36 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 4,44 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SHS thanh khoản cao nhất sàn với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ có giá tham chiếu tại 10.200 đồng. Tương tự là TAR, TVC, MBG, KVC, TIG khi cũng đứng giá.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp tăng khá ngay khi mở cửa, nhưng áp lực bán dần mạnh lên cũng đã khiến chỉ số này yếu dần và lùi về sát tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,08%), lên 77,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,35 triệu đơn vị, giá trị 123,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 37,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSR tiếp tục là điểm sáng, khi có thời điểm tăng trần, trước khi lùi nhẹ về còn +11,3% lên 14.800 đồng, khớp hơn 0,57 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu khác biến động nhẹ, trong đó, LMH là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất với 1,26 triệu đơn vị, tăng 3,4% lên 3.000 đồng, theo ngay sau là BSR với 1,02 triệu đơn vị, tăng 1,3% lên 15.900 đồng.

Tin bài liên quan