Giao dịch chứng khoán sáng 31/7: VIC bốc đầu, thị trường tiếp tục bay cao

Giao dịch chứng khoán sáng 31/7: VIC bốc đầu, thị trường tiếp tục bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên tục đón nhận những tin tốt đã giúp cổ phiếu VIC nhanh chóng "đáp trần" cùng thanh khoản đột biến, đã tiếp sức giúp thị trường tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc sáng đầu tuần ngày 31/7.

Bỏ qua những lo ngại việc tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm sẽ khiến thị trường rung lắc hơn, chỉ số VN-Index đã vọt tăng mạnh trong phiên cuối tuần (ngày 28/7) và vượt cản thành công với thanh khoản sôi động.

Theo xu hướng thị trường, sau khi vượt được mức cản 1.200 điểm, chỉ số sẽ hướng đến mục tiêu tiếp theo là vùng đỉnh 52 tuần. Tuy nhiên, việc liên tục bứt phá trong thời gian qua nhiều khả năng sẽ dẫn đến các nhịp điều chỉnh trong tuần tiếp theo nhằm hấp thụ áp lực chốt lời.

VCBS cho rằng, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần tạo nến xanh tăng điểm, tiến sát đến khu vực 1.210 điểm, tương ứng với thang đo Fibonacci mở rộng 0,786. Xét về cả khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo hướng lên trở lại nhờ lực cầu về cuối phiên giao dịch. Tuy nhiên, hầu hết tất cả các chỉ báo đều đang ở mức cao và thị trường vẫn có thể xuất hiện những điều chỉnh bất ngờ trong các phiên tới.

Quay lại phiên giao dịch sáng 31/7, lực cầu vẫn tham gia tích cực với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, tiếp tục dẫn dắt thị trường lên vùng giá cao.

Chỉ số VN-Index vượt mốc 1.220 điểm ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục nhờ sự tăng tốc của nhóm cổ phiếu Vingroup. Nếu thời gian vừa qua, những ông lớn bất động sản đứng im nhìn các cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng lớn thì trong phiên sáng nay, cổ phiếu VIC đã nhanh chóng kéo trần thành công sau những thông tin tích cực.

Cụ thể, bên cạnh thông tin VinFast đã khởi công giai đoạn 1 nhà máy sản xuất xe điện 2 tỷ USD tại Hoa Kỳ, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của VIC cũng khá ấn tượng với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng tới 128% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng tài sản vượt 600.000 tỷ đồng, đã kích hoạt giúp cổ phiếu này sớm khoe sắc tím.

Sau gần 90 phút giao dịch, cổ phiếu VIC giữ vững đà tăng trần lên mức 55.100 đồng/Cp, đây cũng là mức giá cao nhất của VIC trong khoảng 3,5 tháng qua, từ đầu tháng 4/2023 đến nay.

Đồng thời, giao dịch cổ phiếu VIC cũng bùng nổ khi có 9,38 triệu đơn vị khớp lệnh thành công, ghi nhận con số kỷ lục nhất kể từ đầu năm đến nay, khi các phiên giao dịch chỉ khớp lệnh khoảng 1-2 triệu đơn vị. Hiện cổ phiếu VIC đang dư mua trần chất đống, với hơn 4,1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi còn lại của nhà Vingroup là VHM và VRE cũng đua nhau tăng mạnh. Trong đó, VHM có thời điểm cũng được kéo lên sát trần và hiện đang tăng 3,7%, còn VRE hiện tăng 2,1%.

Với sự dẫn dắt của các cổ phiếu đầu ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đang là nhóm có mức tăng tốt nhất thị trường.

Mặc dù đà tăng chững lại khi áp lực bán gia tăng khiến nhiều mã quay đầu, nhưng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là VIC, đã giúp VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng mạnh.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 248 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 7,19 điểm (+0,6%) lên 1.214,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 626,25 triệu đơn vị, giá trị 12.544,44 tỷ đồng, tăng 21,79% về khối lượng và 26,24% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 28/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,96 triệu đơn vị, giá trị 433,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC vẫn là điểm sáng của thị trường khi giữ vững mức giá trần 55.100 đồng/CP, đồng thời đóng góp tích cực cả về chỉ số chung của thị trường và thanh khoản với khối lượng khớp lệnh khủng, lên tới hơn 10,2 triệu đơn vị, gấp hơn 3 lần mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây và cao nhất kể từ đầu năm. Ngoài ra, khối lượng dư mua trần của VIC vẫn duy trì ở mức lớn, với gần 4,3 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, VHM và VRE cũng đóng góp tích cực cho thị trường, cùng thuộc top 5 cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30. Chốt phiên, VHM tăng 4,1% lên 61.300 đồng/CP và khớp 2,57 triệu đơn vị, còn VRE tăng 2,6% lên 29.550 đồng/CP và khớp hơn 6,75 triệu đơn vị.

Ngoài ra phải kể đến một số mã lớn khác như BVH tăng 3,2%, GAS tăng 2,1%, MSN tăng 1,6%...

Xét về nhóm ngành, bất động sản vẫn dẫn đầu thị trường nhờ sự cầm đầu của VIC. Trong khi đó, nhiều mã vừa và nhỏ đảo chiều giảm như NVL giảm 1,4% xuống 18.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất, đạt hơn 27,5 triệu đơn vị; DIG giảm 1,6% xuống 25.200 đồng/CP và khớp 19,8 triệu đơn vị; DXG giảm 1,6% xuống 18.650 đồng/CP và khớp 11,5 triệu đơn vị; các mã PDR, HDC, NLG, DPG… cũng giảm hơn 1-2%...

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giao dịch phân hóa với cổ phiếu lớn nhất là VCB tiếp tục “cản trở” thị trường khi giảm 1,3%, ngoài ra có VPB, SHB, STB giảm nhẹ trên dưới 0,5%; còn lại đều tăng trong biên độ hẹp. Điểm sáng ngành là cổ phiếu EIB chốt phiên tăng 2,9% lên mức 21.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 12,5 triệu đơn vị; và ACB chốt phiên tăng 2,5% lên 22.750 đồng/CP và khớp 10,97 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục nhẹ sau nhịp điều chỉnh đầu phiên. Trong đó, VND hồi phục tăng 2,2% lên mức 20.750 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21 triệu đơn vị; VIX tăng 1,6% lên 15.450 đồng/CP và khớp gần 16,5 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép đi ngược thị trường chung, với HPG chốt phiên giảm 2,3% xuống mức 27.650 đồng/CP và khớp 25,84 triệu đơn vị, HSG giảm 3,4% xuống mức 18.650 đồng/CP và khớp hơn 14 triệu đơn vị, đáng kể SMC giảm sàn và khớp 1,62 triệu đơn vị cùng dư bán sàn 0,84 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao trong nửa cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 90 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 1,69 điểm (+0,71%) lên 239,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 69,39 triệu đơn vị, giá trị 1.057,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,71 triệu đơn vị, giá trị 28,11 tỷ đồng.

CEO đảo chiều khởi sắc trở lại và chốt phiên tăng 1,6% lên mức 19.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 6,38 triệu đơn vị.

Tâm điểm đáng chú ý là bộ 3 nhà apec gồm APS, API và IDJ chốt phiên đều trong trạng thái dư mua trần khá lớn cùng khối lượng khớp lệnh trên 3-4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngành gạo TAR tiếp tục lấy lại đà tăng mạnh và chốt phiên tăng 6,2% lên 22.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch sôi động, đạt 5,13 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường may mắn giữ được sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,24%) lên 88,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,82 triệu đơn vị, giá trị 651,36 tỷ đồng.

Tin bài liên quan