Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng

Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng trượt dốc đã kéo Phố Wall đi xuống vào thứ Hai (13/3), khi các nhà đầu tư lo lắng về sự lây lan từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).

Việc SVB đột ngột đóng cửa vào thứ Sáu, sau một đợt tăng vốn không thành công, đã gây ra lo ngại về rủi ro đối với các ngân hàng khác do việc Fed tăng lãi suất mạnh trong năm ngoái, nhưng nó cũng thúc đẩy suy đoán về việc liệu Fed có thể làm chậm tốc độ thắt chặt tiền tệ của nó.

Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Mỹ cho biết toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được bảo đảm. Kể cả các khoản không được bảo hiểm theo quy định của FDIC (lớn hơn 250.000 USD). Người gửi sẽ được tiếp cận tiền của mình kể từ ngày 13/3.

Trong một thông báo riêng, Fed cho biết sẽ khởi động chương trình cấp vốn mới, cho phép các ngân hàng trong nước vay hàng nghìn tỷ USD nhằm giúp họ đương đầu rủi ro tài chính gây ra sau khi SVB sụp đổ.

Jay Hatfield, người sáng lập kiêm CEO của Infrastructure Capital Management, cho biết: "Việc ngân hàng tháo chạy là kết quả của chính sách diều hâu quá mức của Fed. Trường hợp lạc quan là điều này cuối cùng sẽ đánh thức họ (Fed) và họ sẽ ngừng tăng lãi suất".

Các cổ phiếu ngân hàng đã trở thành nỗi ác mộng của thị trường, với một số đáng chú ý như First Republic Bank giảm 61,83% do tin tức về nguồn tài chính mới không thể trấn an các nhà đầu tư, trong khi Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp lần lượt giảm 47,06% và 21,05%. Giao dịch các cổ phiếu này đã bị tạm dừng nhiều lần trong phiên.

Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo cũng đều mất điểm. Chỉ số S&P Banking Index giảm 7%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 11/6/2020.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, ghi nhận mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2022 và tiến gần vùng được xem là rủi ro cao, tăng gần 2 điểm lên 26,52 điểm.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones giảm 90,50 điểm (-0,28%), xuống 31.819,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,83 điểm (-0,15%), xuống 3.855,76 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,96 điểm (+0,45%), lên 11.188,84 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm, do các cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục bị bán tháo, ngay cả khi các nhà chức trách can thiệp để hạn chế hậu quả từ sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng SVB.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,42% xuống 442,80 điểm, với cổ phiếu ngân hàng, tài chính và bảo hiểm, cùng với cổ phiếu năng lượng chịu áp lực bán mạnh nhất.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm 5,7%, đánh dấu đợt bán tháo tồi tệ nhất trong hai ngày kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm ngoái.

Susannah Streeter, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và thị trường tại Hargreaves Lansdown, cho biết: “Các nhà đầu tư đã bị chấn động bởi các sự kiện trong vài ngày qua và đang nín thở chờ đợi xem liệu những tác động trong lĩnh vực tài chính có lan rộng và tạo ra nhiều vấn đề mới hay không”.

Các cổ phiếu tài chính như Credit Suisse giảm 9,6% xuống mức thấp kỷ lục mới. Trong khi Commerzbank của Đức giảm 12,7%, Societe Generale của Pháp và Sabadell của Tây Ban Nha lần lượt giảm 6,2% và 11,4%.

Cổ phiếu HSBC giảm 4,1% sau khi ngân hàng Anh mua lại công ty con của SVB tại Anh với giá 1 bảng Anh.

Tuy nhiên, các nhà giám sát ngân hàng khu vực đồng euro nhận thấy những hậu quả hạn chế đối với các ngân hàng trong khu vực từ sự sụp đổ của các tổ chức cho vay Mỹ, trong khi Moody's Investors Service lưu ý rằng, các ngân hàng châu Âu khó có thể bị ảnh hưởng bởi các khoản lỗ trong danh mục đầu tư trái phiếu.

Ngoài ra, các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho rằng, tính thanh khoản cao trong cấu trúc bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu sẽ tránh được bất kỳ việc buộc phải giải phóng hoặc bán danh mục đầu tư trái phiếu nào.

Kết thúc phiên 13/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 199,72 điểm (-2,58%), xuống 7.548,63 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 468,50 điểm (-3,04%), xuống 14.959,47 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 209,17 điểm (-2,90%), xuống 7.011,50 điểm.

Giá dầu tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của SVB làm chao đảo thị trường chứng khoán và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu đã được kìm lại một phần bởi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc.

Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,88 USD/thùng (-2,51%), xuống 74,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,01 USD/thùng (-2,49%), xuống 80,77 USD/thùng.

Tin bài liên quan