Giới đầu tư chậm lại chờ đợi các dữ liệu quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall biến động nhẹ trong ngày thứ Ba (11/10), với Dow Jones nhích nhẹ, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm, với việc Ngân hàng Trung ương Anh rằng sẽ chỉ hỗ trợ thị trường trái phiếu trong ba ngày nữa, thêm vào những lo lắng thị trường vào cuối phiên.
Giới đầu tư chậm lại chờ đợi các dữ liệu quan trọng

Giao dịch trên thị trường khá mỏng, do các nhà đầu tư thận trọng trước dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý thứ ba sẽ khởi động vào cuối tuần.

Chỉ số Dow Jones nhích nhẹ, nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Amgen tăng 5,7%, sau khi Morgan Stanley nâng cấp cổ phiếu của nhà sản xuất thuốc lên “tăng tỷ trọng” từ mức "cân bằng" trước đó.

Dù vậy, cả ba chỉ số chính đều đảo chiều đi xuống trong phiên chiều, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey yêu cầu các nhà quản lý quỹ hưu trí hoàn thành việc tái cân bằng vị thế vào thứ Sáu tới để kết thúc chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho thị trường trái phiếu của nước này.

Thêm vào những lo ngại gần đây về nền kinh tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm nay.

Phiên này, nhóm cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng kém hiệu quả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dao động ở mức cao gần 4%, trong bối cảnh lo ngại rằng dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần này sẽ không ngăn được việc Fed tăng lãi suất. Lĩnh vực công nghệ S&P 500 giảm 1,5%.

Hiện tại, giới đầu tư sẽ chờ đợi một số báo cáo quan trọng từ nay đến cuối tuần, với báo cáo giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones tăng 36,31 điểm (+0,12%), lên 29.239,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,55 điểm (-0,65%), xuống 3.588,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 115,91 điểm (-1,10%), xuống 10.426,19 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm phiên thứ năm liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp bị siết chặt bởi lãi suất tăng, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,56% xuống 387,92 điểm. Chỉ số này đã giảm 3,7% trong 5 phiên qua.

Thêm vào những lo lắng về suy thoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, cảnh báo rằng tình hình có thể xấu đi đáng kể trong năm tới.

Cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý là tin tức rằng Thượng Hải và các thành phố khác ở Trung Quốc đã tăng cường xét nghiệm và đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu của Anh đã giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết họ sẽ bắt đầu mua các khoản nợ liên quan đến lạm phát.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974 ở mức 3,5%, làm tăng thêm nỗi lo lạm phát và gây áp lực lên BoE để tiếp tục tăng lãi suất một cách mạnh mẽ.

Hầu hết các ngành STOXX 600 đều chìm trong sắc đỏ, với cổ phiếu tài chính giảm hơn 1,1% và cổ phiếu công nghệ giảm gần 2%, ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số toàn châu Âu.

Kết thúc phiên 11/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 74,08 điểm (-1,06%), xuống 6.885,23 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 52,69 điểm (-0,43%), xuống 12.220,25 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 7,35 điểm (-0,13%), xuống 5.833,20 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm, do lo ngại nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm khi nhiều nền kinh tế lớn được dự báo sớm rơi vào suy thoái.

Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng và cho biết lạm phát vẫn là một vấn đề tiếp diễn.

Kết thúc phiên 11/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,78 USD/thùng (-1,99%), xuống 89,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,90 USD/thùng (-2,02%), xuống 94,29 USD/thùng.

Tin bài liên quan