Giới đầu tư chậm lại chờ đợi dữ liệu CPI của Mỹ

Giới đầu tư chậm lại chờ đợi dữ liệu CPI của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Chứng khoán Mỹ gần như ít thay đổi trong phiên thứ Hai (8/4), khi giới đầu tư giao dịch chậm lại trước khi có báo cáo dữ liệu CPI và những ông lớn ngân hàng cũng sắp công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024.

Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ, dự kiến sẽ tăng lên 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 3,2% trong tháng 2.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu và bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Fed để đánh giá về triển vọng lãi suất.

Những bình luận diều hâu từ các quan chức Fed vào tuần trước do các báo cáo việc làm và sản xuất mạnh hơn dự kiến cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng phục hồi, giảm bớt áp lực buộc Fed phải cắt giảm lãi suất nhanh chóng.

"Dữ liệu ủng hộ quan điểm rằng, với lạm phát ổn định và xu hướng tăng trưởng kinh tế tích cực mà chúng ta đã thấy, thì ngày càng ít có nhu cầu phải cắt giảm lãi suất ngay lập tức", Mike Dickson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Horizon Investments, cho biết.

Ngoài ra, đáng chú ý khác là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I chuẩn bị khởi động, với các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase , Citigroup và Wells sẽ có vào cuối tuần.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số Dow Jones giảm 11,24 điểm (-0,03%), xuống 38.892,80 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,95 điểm (-0,03%), xuống 5.202,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,43 điểm (+0,03%), lên 16.253,96 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, dẫn đầu bởi các cổ phiếu chu kỳ, sau khi đón nhận dữ liệu sản xuất công nghiệp mạnh mẽ từ nền kinh tế lớn nhất khu vực Đức, mặc dù sự thận trọng vẫn đeo bám thị trường bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có quyết định chính sách trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 tăng 0,47% lên 508,93 điểm.

Dữ liệu cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức tăng cao hơn dự kiến trong tháng 2, được thúc đẩy bởi ngành xây dựng.

Các lĩnh vực mang tính chu kỳ bao gồm ô tô và hàng hóa và dịch vụ công nghiệp tăng lần lượt 1,3% và 0,8%, với các cổ phiếu tài nguyên cơ bản tăng 2%, được hỗ trợ bởi giá đồng đạt mức cao nhất trong 14 tháng.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức đạt mức cao nhất trong hai tuần rưỡi trước quyết định lãi suất của ECB vào thứ Năm, khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ vào tuần trước đã thúc đẩy đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm nay.

Trong một cuộc một cuộc khảo sát khác hôm nay cho thấy niềm tin nhà đầu tư của khu vực đồng euro được cải thiện trong tháng thứ sáu liên tiếp trong những ngày đầu tháng 4 lên mức cao nhất trong hơn hai năm.

Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 32,31 điểm (+0,41%), lên 7.943,47 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 143,93 điểm (+0,79%), lên 18.318,97 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 57,99 điểm (+0,72%), lên 8.119,30 điểm.

Giá dầu giảm nhờ rủi ro địa chính trị giảm bớt, sau khi Israel giảm quân số ở miền Nam Gaza và bắt đầu vòng đàm phán ngừng bắn mới với Hamas.

Kết thúc phiên 8/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,48 USD/thùng (-0,60%), xuống 86,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD (-0,9%), xuống 90,38 USD/thùng.

Tin bài liên quan