Giới đầu tư chưa vội tham gia thị trường sau kỳ nghỉ lễ

Giới đầu tư chưa vội tham gia thị trường sau kỳ nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm nhẹ trong phiên ngày thứ Hai (18/4), khi các nhà đầu tư giao dịch thận trọng, chờ đợi các tín hiệu từ kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết.

Thị trường trở lại giao dịch với thanh khoản thấp sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh và tâm lý chờ đợi một loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua, để đánh giá tác động do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, cũng như sự gia tăng lạm phát đối với tình hình tài chính của công ty như Netflix, Tesla, Johnson & Johnson và IBM, khi đều sẽ báo cáo trong tuần này.

Phiên này, cổ phiếu Bank of America với EPS ghi nhận giảm 13% so cùng kỳ năm trước, mặc dù kết quả lợi nhuận quý vừa qua tăng nhẹ so với kỳ vọng và giá cổ phiếu tăng 3,4%, các ngân hàng lớn khác như JPMorgan Chase và Wells Fargo tăng hơn 1%, qua đó, giúp chỉ số ngành ngân hàng thuộc S&P 500 nhích 1,7%.

Trong khi đó, Bank of New York Mellon mất 2,2% sau khi báo cáo lợi nhuận thấp hơn trong quý I/2022.

Nhà đầu tư cũng sẽ chú ý đến các dự báo tương lai, đặc biệt những nhận định về cách các công ty đang xử lý vấn đề chi phí tăng cao, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tháng 3 công bố hồi tuần trước đã tăng 8,5% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981.

Thị trường cũng chịu tác động nhất định từ từ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tiếp tục đứng ở mức cao, quanh 2,86%, và có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 tại 2,884%.

Trong khi đó, số liệu khảo sát của Hiệp hội các nhà xây dựng quốc gia của Mỹ (NAHB) cho thấy tâm lý xây dựng nhà ở Mỹ suy giảm do lãi suất vay thế chấp tăng cao.

Kết thúc phiên 18/4, chỉ số Dow Jones giảm 39,54 điểm (-0,11%), xuống 34.411,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,90 điểm (-0,02%), xuống 4.391,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 18,72 điểm (-0,14%), xuống 13.332,36 điểm.

Chứng khoán châu Âu nghỉ giao dịch.

Tại châu á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do cổ phiếu công nghệ kéo lùi, sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và giao dịch khá thưa thớt do nhiều thị trường vẫn đóng cửa trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi giới đầu tư thất vọng về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thấp hơn dự kiến, và nhiều người cho rằng có thể không đủ để đảo ngược tình trạng suy giảm kinh tế hiện nay.

Chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày lễ Phục Sinh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, do các nhà đầu tư duy trì lập trường thận trọng và áp lực từ dòng tiền nước ngoài tiếp tục rút ra khỏi thị trường.

Kết thúc phiên 18/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 293,48 điểm (-1,08%), xuống 26.799,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,72 điểm (-0,49%), xuống 3.195,52 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 2,85 điểm (-0,11%), xuống 2.693,21 điểm.

Giá vàng thế giới ngày thứ Hai tiếp tục tăng, khi giới đầu tư trú ẩn dòng tiền vào vàng trước khi Mỹ công bố lạm phát tháng 3, dự báo CPI sẽ tăng 8,4% so cùng kỳ.

Kết thúc phiên 18/4, giá vàng giao ngay tăng 7,4 USD lên 1.954,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng gần 12 lên 1.960 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm do nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc yếu đi, do đang phải phong tỏa nhiều nơi để kiềm chế dịch Covid-19, trong khi nguồn cung có dấu hiệu gia tăng, khi các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có kế hoạch giải phóng lượng dầu kỷ lục từ các kho dự trữ chiến lược của mình.

Kết thúc phiên 18/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 3,97 USD (-4,21%), xuống 94,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 4,30 USD (-4,37%), xuống 98,48 USD/thùng.

Tin bài liên quan