Giới đầu tư đang “bỏ rơi” cổ phiếu Mỹ?

Giới đầu tư đang “bỏ rơi” cổ phiếu Mỹ?

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi TTCK Mỹ và đổ xô tới châu Âu và Nhật Bản để tìm kiếm những “thiên đường” tốt hơn cho các khoản đầu cơ cổ phiếu.

TTCK Mỹ đã trải qua giai đoạn tăng điểm (bull) trong suốt hơn 6 năm qua và giới phân tích đánh giá, đã xuất hiện những lo ngại cho rằng, thời điểm điều chỉnh của chứng khoán Mỹ diễn ra quá chậm chạp. 

Nhà phân tích Alina Lamy tại Morningstar cho rằng, các nhà đầu tư đang rút tiền khỏi chứng khoán Mỹ trước một số lo ngại về tương lai. Giai đoạn “xoay vòng” thoát khỏi chứng khoán Mỹ thực tế bắt đầu khoảng một năm trước, song chỉ thực sự nổi bật trong năm 2015. Theo Morningstar, kể từ đầu năm đến nay, giới đầu cơ đã rút tổng cộng khoảng 64 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư Mỹ và chuyển 158 tỷ USD đầu tư mới vào các quỹ chứng khoán quốc tế.

Một lý do khác khiến TTCK nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn là do mặt bằng chung chứng khoán Mỹ không tăng mạnh trong năm nay, trong khi cổ phiếu châu Âu và Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Ước tính chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã tăng khoảng 19%, trong khi DAX của Đức cũng tăng khoảng 17%.

Bên cạnh đó, trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất trong năm nay, Giám đốc Nghiên cứu tại ETF Securities (có trụ sở tại New York, Mỹ), Mike McGlone cho rằng: Dòng tiền đang chảy ra ngoài nước Mỹ, khi Ngân hàng Trung ương đang điều tiết và hướng tới bình thường hóa chính sách lãi suất của mình.

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tích cực song vẫn chưa đạt tới ngưỡng như kỳ vọng. Tuy nhiên, mức tăng này đủ để Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất trong tháng 9 tới. Ngay cả khi tăng lãi suất, Mỹ vẫn dự kiến có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng, nhưng triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này đã giảm xuống.

Trong khi đó, tại một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, xu hướng bơm tiền vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng đang trở nên phổ biến. Điều tương tự đã được Mỹ thực hiện sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, tạo đà tăng giá rất lớn cho thị trường cổ phiếu tại thời điểm đó. Hiện các nhà đầu tư hy vọng về một “cú hích” tương tự tại châu Âu và Nhật Bản, bởi lẽ hai thị trường này có nhiều tiềm năng khi nền kinh tế phụ thuộc đáng kể vào hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giá trị đồng Yen và Euro đã giảm mạnh so với USD trong năm qua và xu thế này sẽ còn tiếp tục nếu Fed tăng lãi suất và đẩy USD tăng giá. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội bùng nổ cho xuất khẩu của Nhật Bản và châu Âu khi các sản phẩm xuất khẩu của họ trở nên rẻ hơn.

Brian Leung, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Bank of America Merrill Lynch nhận định, Nhật Bản vẫn sở hữu nhiều cơ hội và tiềm năng đầu tư. Đánh giá về khả năng dòng tiền liệu có chảy vào các thị trường đang nổi hay không, ông Leung cho rằng, điều này khó xảy ra hơn so với giai đoạn trước, khi các nền kinh tế đang phát triển trở thành điểm thu hút vốn đầu tư lớn. Bản thân các thị trường này đang gặp khó khăn từ đầu năm đến nay và xu hướng trên có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Tin bài liên quan