Giới đầu tư giao dịch thận trọng, Elon Musk khiến cổ phiếu Twitter và Tesla lao dốc

Giới đầu tư giao dịch thận trọng, Elon Musk khiến cổ phiếu Twitter và Tesla lao dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall chủ yếu giao dịch giằng co trong phiên thứ Hai (16/5) do chịu sự tác động của nhóm cổ phiếu tăng trưởng và giao dịch thận trọng khi đã tăng tốt trong phiên cuối tuần trước.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc hạ nhiệt mạnh trong tháng 4 do việc phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho ngành tiêu dùng, sản xuất công nghiệp và việc làm, làm tăng thêm lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong quý thứ hai.

Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng đã tăng lên từ sự lạc quan rằng, nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể sau những dấu hiệu tích cực cho thấy đại dịch Covid-19 ở nước này đang được kiểm soát ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo đó, chỉ số năng lượng S&P 500 tăng lên mức cao nhất từ năm 2014 và đóng cửa tăng 2,6%, trở thành phân ngành hoạt động tốt nhất trong số 11 chỉ số phụ, với cổ phiếu Occidental Petroleum tăng 5,7%, Marathon Oil nhích 3,6%.

Phiên này, nhiều cổ phiếu tăng trưởng lớn của Phố Wall đều giảm, trong đó Amazon và Alphabet mất hơn 1% và đè nặng lên S&P 500 và Nasdaq.

Đáng chú ý, cổ phiếu Twitter đã giảm hơn 8% sau khi Bloomberg đưa tin Elon Musk có thể đang tìm kiếm một mức giá thấp hơn con số 44 tỷ USD cho thương vụ mua Twitter và nói rằng, số tài khoản giả mạo trên nền tảng này có thể nhiều hơn ít nhất bốn lần so với những gì công ty đã nói.

Cổ phiếu Tesla, do Musk lãnh đạo, đã giảm gần 6%.

Kết thúc phiên 16/5, chỉ số Dow Jones tăng 26,76 điểm (+0,08%), lên 32.223,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,88 điểm (-0,39%), xuống 4.008,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 142,21 điểm (-1,20%), xuống 11.662,79 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, sau dữ liệu kinh tế yếu kém đáng báo động từ Trung Quốc làm dấy lên lo ngại suy thoái toàn cầu.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,03% xuống 433,35 điểm.

Doanh số bán lẻ tháng 4 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với dự báo, trong khi sản lượng công nghiệp giảm 2,9%.

Trong khi đó, khoản cho vay của các ngân hàng mới ở Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm rưỡi vào tháng 4, khi đại dịch làm khuynh đảo nền kinh tế và làm suy yếu nhu cầu tín dụng.

"Nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp phải các vấn đề trong chuỗi cung ứng và rõ ràng Trung Quốc là rất quan trọng... và đó là môi trường khiến châu Âu ​​đối mặt với lạm phát cao hơn. Giá cả tăng sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương xem xét lại các chính sách, với việc tăng lãi suất và điều đó không hữu ích nếu bạn muốn kích thích tăng trưởng kinh tế”, Teeuwe Mevissen, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Rabobank, cho biết.

Phiên này, cổ phiếu các công ty khai thác tăng 1,5%, bù đắp cho sự sụt giảm của chỉ số chính do giá kim loại công nghiệp tăng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu công nghiệp là lực kéo lớn nhất đối với STOXX 600, trong khi các công ty xa xỉ, vốn có một phần nhỏ nhu cầu từ Trung Quốc, đã giảm với LVMH của chủ sở hữu Louis Vuitton giảm 1,1%.

Đáng chú ý, cổ phiếu của Valneva đã giảm tới 19,1% sau khi nhà sản xuất dược phẩm Pháp cho biết thỏa thuận vắc-xin Covid-19 của họ với Ủy ban Châu Âu có khả năng bị hủy bỏ.

Kết thúc phiên 16/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 46,65 điểm (+0,63%), lên 7.464,80 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 63,55 điểm (-0,45%), xuống 13.964,38 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 14,91 điểm (-0,23%), xuống 6.344,77 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã tăng, nhờ sự thúc đẩy từ phiên trước đó trên Phố Wall, mặc dù đà tăng đã bị kìm hãm do dữ liệu kinh tế của Trung Quốc thúc đẩy lo ngại suy thoái.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế của nước này đã hạ nhiệt mạnh trong tháng 4 do những ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa.

Chứng khoán Hồng Kông nhích lên khi nhóm cổ phiếu bất động sản thay thế nhóm công nghệ thúc đẩy thị trường.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng vọt, sau khi chỉ số giá sản xuất tại Mỹ trong tháng Tư tăng tốt hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 16/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 119,40 điểm (+0,45%), lên 26.547,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,54 điểm (-0,34%), xuống 3.073,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 51,44 điểm (+0,26%), lên 19.950,21 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 7,66 điểm (-0,29%), xuống 2.596,58 điểm.

Tin bài liên quan