Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư hụt hẫng với thông tin về vắc-xin Covid-19

(ĐTCK) Đang có tâm trạng vui vẻ với gói kích thích mới nhất trị giá gần 500 tỷ USD vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, giới đầu tư đã bị hụt hẫng cuối phiên với thông tin về thử nghiệm thất bại của thuộc chống Covid-19.

Tiếp nối phiên hồi phục tốt trước đó theo giá dầu thô, phố Wall tiếp tục mở cửa trong sắc xanh trong phiên giao dịch thứ Năm (23/4) bất chấp báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tuần trước có thêm 4,4 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, nâng tổng số người thất nghiệp trong 5 tuần lên 26,4 triệu người.

Phố Wall tăng điểm và sau đó nới rộng dần đà tăng nhờ giá dầu thô tiếp tục hồi phục mạnh, cùng với việc Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế mới trị giá 500 tỷ USD sau ít ngày được Thượng viện thông qua. Gói cứu trợ này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nâng tổng gói cứu trợ lên gần 3.000 tỷ USD.

Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ mới, Tổng thống Trump cho biết sẽ ký dự luật này và sẽ bàn tiếp về gói cứu trợ tiếp theo (giai đoạn 3) để hỗ trợ các tiểu bang bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, về cuối phiên, khi thông tin từ tờ FT cho biết, một thử nghiệm của Trung Quốc cho thấy remdesivir của Gilead Science không cải thiện tình trạng của bệnh nhân hoặc làm giảm sự hiện diện của mầm bệnh trong máu khiến giới đầu tư hụt hẫng.

Các chỉ số chính của phố Wall từ mức tăng hơn 1% đã quay đầu đi xuống và chỉ có Dow Jones may mắn giữ được sắc xanh nhạt, còn S&P và Nasdaq xuống dưới tham chiếu, nhưng mức giảm rất khiêm tốn.

Trước đó, loại thuốc này được thông báo thử nghiệm cho hiệu quả tích cực trong việc trị virus SARS-nCoV-2, từng giúp chứng khoán bùng nổi hôm thứ Sáu tuần trước.

Gilead cho rằng, kết quả thử nghiệm của Trung Quốc là không thuyết phục vì nó kết thúc sớm.

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số Dow Jones tăng 39,44 điểm (+0,17%), lên 23.515,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,51 điểm (-0,05%), xuống 2.797,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,63 điểm (-0,01%), xuống 8.494,75 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau cả phiên sáng và nửa đầu phiên chiều lình xình dưới tham chiếu, các chỉ số chính của khu vực đã bật tăng trở lại trong nửa cuối phiên và có phiên tăng điểm tốt thứ 2 liên tiếp nhờ sự phục hồi của giá dầu thô và hỗ trợ của nhóm ngân hàng với kỳ vọng các gói kích thích kinh tế lớn hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Kết thúc phiên 23/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,98 điểm (+0,97%), lên 5.826,61 điểm. Chỉ số DAX tăng 98,76 điểm (+0,95%), lên 10.513,79 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 39,20 điểm (+0,89%), lên 4.451,00 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh nhẹ, các thị trường khác đều tăng điểm nhờ phản ứng tích cực với phiên tăng tốt của phố Wall phiên trước đó và sự phục hồi của giá dầu thô.

Kết thúc phiên 23/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 291,49 điểm (+1,52%), lên 19.429,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,48 điểm (-0,19%), xuống 2.838,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 83,96 điểm (+0,35%), lên 23.977,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 18,58 điểm (+0,98%), lên 1.914,73 điểm.

Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt trong phiên thứ Năm nhờ sự phục hồi thêm nữa của giá dầu thô. Dầu thô được xem là loại hàng hóa dẫn dắt giá các loại hàng ngành thô bao gồm kim loại quý, nên các loại hàng hóa này thường có diễn biến cùng chiều nhau.

Kết thúc phiên 23/4, giá vàng giao tăng 18,5 USD (+1,08%), lên 1.732,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7,1 USD (+0,41%), lên 1.745,4 USD/ounce.

Sau 2 phiên sụp đổ đầu tuần giá dầu thô tiếp tục có phiên hồi phục tích cực hôm thứ Năm, tương đương với phiên tăng trước đó.

Kết thúc phiên 23/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 2,72 USD (+16,48%), lên 16,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,96 USD (+4,50%), lên 21,33USD/thùng.

Tin bài liên quan