Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư lại có một ven hú vía

(ĐTCK) Không chỉ chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thế giới cũng trải qua một ven hú vía trong phiên giao dịch thứ Ba, ngày 23/10.

Sau phiên giảm điểm đầu tuần, chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch thứ Ba trong bối cảnh chứng khoán châu Á và chứng khoán châu Âu lao dốc. Điều này cùng với nỗi lo ngại về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp không khả quan đã kích hoạt lệnh bán tháo ngay khi phố Wall bước vào phiên giao dịch thứ Ba, khiến các chỉ số chính phố Wall mất hơn 2% trong đầu phiên.

Những lo ngại về tác động của chi phí đi vay, tiền lương và thuế quan đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp khiến nhóm cổ phiếu công nghiệp mất 1,2%. Trong đó, đáng chú ý cổ phiếu của nhà sản xuất thiết bị nặng Caterpillar giảm 7,6% sau khi dự báo lợi nhuận không tăng như dự báo 2 quý trước.

Cổ phiếu 3M Co cũng giảm 4,4% sau khi cắt giảm triển vọng lợi nhuận cả năm do những thách thức liên quan đến ngoại tệ.

Tương tự, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giảm mạnh theo đà giảm của giá dầu sau khi Ả Rập Xê út cho biết sẽ tăng sản lượng lên mức kỷ lục để bù đắp khoản thiếu hụt do lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Tuy nhiên, về cuối phiên, lực cầu bắt đáy và sự hỗ trợ của một số cổ phiếu như MacDonald’s và Verizon nhờ kết quả kinh doanh khả quan, đã giúp phố Wall hồi phục và chỉ còn giảm ở mức khiêm tốn như phiên đầu tuần.

Với phiên giảm này, S&P 500 đã có phiên giảm thứ 5 liên tiếp và đã mất 6,5% so với mức đỉnh thiết lập ngày 20/9.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones giảm 125,98 điểm (-0,50%), xuống 25.191,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,19 điểm (-0,55%), xuống 2.740,69 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 31,09 điểm (-0,42%), xuống 7.437,54 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ảnh hưởng từ sự lao dốc của chứng khoán châu Á và kết quả kinh doanh thất vọng của một số doanh nghiệp vừa công bố, các chỉ số chính của châu Âu đã đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba. Bên cạnh đó, lo ngại về rủi ro địa chính trị do mâu thuẫn giữa Italia và EU cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 87,59 điểm (-1,24%), xuống 6.955,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 250,06 điểm (-2,17%), xuống 11.274,28 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 85,62 điểm (-1,69%), xuống 4.967,69 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt quay đầu lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba sau phiên bùng nổ trước đó. Chứng khoán châu Á giảm do những lo ngại về xung đột địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông, cũng như những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 604,04 điểm (-2,67%), xuống 22.010,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 60,05 điểm (-2,26%), xuống 2.594,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 806,60 điểm (-3,08%), xuống 25.346,55  điểm.

Đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đã tạo động lực để giá vàng tăng mạnh trong phiên thứ Ba, lên mức cao nhất gần 3 tháng.

Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay tăng 8,2 USD (+0,67%), lên 1.229,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 12,2 USD/ounce (+1,00%), lên 1.236,8 USD/ounce.

Trong khi đó, sau khi cầm cự được trong phiên đầu tuần, giá dầu thô đã quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Ba sau thông tin Ả Rập Xê út cho biết, sẽ tăng sản lượng khai thác lên 11 triệu thùng/ngày trong thời gian ngắn tới, thậm chí có thể lên mức cao lịch sử 12 triệu thùng/ngày để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ có hiệu lực trong 2 tuần tới.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô Mỹ giảm 2,62 USD (-3,79%), xuống 66,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 3,20 USD (-4,01%), xuống 76,63 USD/thùng.

Tin bài liên quan