Giới đầu tư lấy lại niềm tin, chứng khoán có tuần khởi sắc

Giới đầu tư lấy lại niềm tin, chứng khoán có tuần khởi sắc

(ĐTCK) Sau 2 tuần lao dốc liên tiếp do nỗi lo lạm phát, chứng khoán toàn cầu đã có tuần thăng hoa trở lại. Không chỉ chứng khoán, giá vàng và dầu thô cũng hồi phục mạnh trong tuần qua.

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Sáu cuối tuần trước, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của thị trường này. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số chính của phố Wall bị hãm mạnh, trong đó Nasdaq thậm chí còn quay đầu giảm điểm vào cuối phiên do những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khiến dấy lên lo ngại về sự bất hòa trong hệ thống chính trị Mỹ.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số Dow Jones tăng 19,01 điểm (+0,08%), lên 25.219,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,02 điểm (+0,04%), lên 2.732,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,96 điểm (-0,23%), xuống 7.239,47 điểm.

Dù hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall chứng khiến tuần tăng điểm mạnh nhất 2 năm sau khi có 2 tuần lao dốc mạnh trước đó khi các chỉ số mất tổng cộng trên dưới 9%.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 4.25%, chỉ số S&P 500 tăng 4,30% và chỉ số Nasdaq tăng 5,31%.

Trong khi đó, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua khi đồng euro giảm mạnh so với đồng USD.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 59,89 điểm (+0,83%), lên 7.294,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 105,79 điểm (+0,86%), lên 12.451,96 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 59,07 điểm (+1,13%), lên 5.281,58 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 2,85%, chấm dứt chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp, chỉ số DAX cũng tăng 2,85% sau 3 tuần giảm liên tiếp trước đó và chỉ số CAC 40 cũng tăng 3,98% sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thì chứng khoán Nhật Bản chứng kiến phiên tăng mạnh cuối tuần khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Chính phủ Nhật Bản bổ nhiệm lại ông Haruhiko Kuroda làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) nhiệm kỳ 2, cho thấy sự tin tưởng của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe trong nỗ lực của Thống đốc Kuroda nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Không chỉ thế, Chính phủ Nhật Bản còn bổ nhiệm ông Masazumi Wakatabe, giáo sư Đại học Waseda và là người ủng hộ nới lỏng tiền tệ nới lỏng giữ chức Phó thống đốc. Phó thống đốc thứ 2 là Giám đốc điều hành BOJ Masayoshi Amamiya, một lãnh đạo kỳ cựu của BOJ.

Kết thúc phiên 16/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 255,27 điểm (+1,19%), lên 21.720,25 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 hồi phục 1,58% sau 3 tuần giảm liên tiếp, đặc biệt là tuần lao dốc mạnh 8,13% trước đó. Chỉ số Hang Seng cũng hồi phục 5,45% sau 2 tuần giảm liên tiếp, đặc biệt là mức giảm 9,49% tuần trước đó. Chỉ số Shanghai Composite hồi phục 2,21% sau 2 tuần giảm liên tiếp, đặc biệt là mức giảm 9,62% tuần trước đó.

Đồng USD hồi phục, cùng với đà tăng mạnh trên thị trường chứng khoán khiến giá vàng điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 16/2, giá vàng giao ngay giảm 6,8 USD/ounce (-0,5%), xuống 1.346,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 0,9 USD/ounce (-0,07%), lên 1.356,2 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,34% và giá vàng giao tháng 4 tăng 2,89% sau khi giảm giảm 1,22% và 1,44% tuần trước đó.

Sau khi có dự báo đúng về xu hướng giá vàng tuần qua, cùng với đà giảm của đồng USD, giới đầu tư và phân tích tiếp tục có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 20 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 12 người, chiếm 60% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, cao hơn con số 50% của tuần trước; có 7 người, chiếm 35% dự báo giảm, cao hơn so với mức 30% của tuần trước; và 1 người còn lại, chiếm 5% dự báo giá vàng sẽ không thay đổi.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 450 lượt người tham gia (thấp hơn rất nhiều mức trung bình của các tuần trước đó), trong đó có 284 lượt, chiếm 63% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, cao hơn so với con số 56% của tuần trước đó; có 106 lượt bình chọn, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn mức 30% của tuần trước; 60 lượt, chiếm 13% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà hồi phục sau đà lao dốc mạnh trước đó nhờ đà suy yếu của đồng USD gần đây (trước khi hồi phục trong phiên cuối tuần), cùng với cam kết giữ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.

Kết thúc phiên 16/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,34 USD (+0,55%), lên 61,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,51 USD (+0,79%), lên 64,84 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 4,19% và giá dầu thô Brent tăng 3,26%. Như vậy, giá dầu thô đã hồi phục trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp, đặc biệt là mức giảm tới 9,55% và 8,44% của tuần trước đó.

Tin bài liên quan