Ảnh AFP

Ảnh AFP

Giới đầu tư thận trọng trước nhiều thông tin trái chiều

(ĐTCK) Chứng khoán thế giới có phiên giao dịch lình xình và giảm nhẹ ngày thứ Tư khi giới đầu tư thận trọng trước các thông tin trái chiều.

Phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm nhẹ thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư thận trọng trước các thông tin mới.

Đầu tiên là căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan khi 2 nước tuyên bố bắn hạ tiêm kích của nhau, đẩy khả năng cả 2 lao vào một cuộc xung đột mới.

Trong khi đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết, “còn nhiều việc phải làm” để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận chung.

Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall không lớn khi trong phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ diễn ra hôm thứ Tư, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết, cơ quan này sẽ ngừng thu hẹp danh mục đầu tư trị giá 4.000 tỷ USD/tháng trong năm nay. Fed cũng có cái nhìn mềm mỏng hơn về việc tăng lãi suất.

Giới đầu tư cũng thận trọng chờ đợi kết quả hội nghị thưởng đỉnh Mỹ - Triều đang diễn ra tại Việt Nam.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Dow Jones giảm 72,82 điểm (-0,28%), xuống 25.985,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,52 điểm (-0,05%), xuống 2.792,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 5,21 điểm (+0,07%), lên 7.554,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chính cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư do căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong đó, chứng khoán Anh giảm mạnh do đồng bảng Anh leo lên mức cao nhất 5 tháng.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,92 điểm (-0,61%), xuống 7.107,20 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 53,46 điểm (-0,46%), xuống 11.487,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 13,36 điểm (-0,26%), xuống 5.225,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc đảo chiều tăng điểm khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với phát biểu của Chủ tịch Fed mềm mỏng hơn về việc tăng lãi suất, thì chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu để mất điểm vào cuối phiên do nhà đầu tư thận trọng trước việc Ấn Độ và Pakistan tuyên bố bắn hạ tiêm kích của nhau, tạo nên những lo lắng về xung đột trong khu vực.

Kết thúc phiên 27/2, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 107,12 điểm (+0,50%), lên 21.556,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 12,31 điểm (+0,42%), lên 2.953,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 14,62 điểm (-0,05%), xuống 28.57,44 điểm.

Trên thị trường vàng, bất chấp căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, giá kim loại quý vẫn đồng loạt quay đầu điều chỉnh mạnh trong phiên thứ Tư do áp lực chốt lời gia tăng của giới đầu tư. Ngoài ra, đồng USD vững chắc cũng tạo động tiêu cực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 27/2, giá vàng giao ngay giảm 9 USD (-0,68%), xuống 1.319,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 7,3 USD (-0,55%), xuống 1.321,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tăng mạnh hơn 2% trong phiên thứ Tư sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy hàng tồn kho của Mỹ bất ngờ sụt giảm 8,6 triệu thùng tuần trước, trái ngược với kỳ vọng tăng 2,8 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, Ả Rập Xê út, thành viên lớn nhất của OPEC gạt đi những lời kêu gọi giảm giá dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết thúc phiên 27/2, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,44 USD (+2,62%), lên 56,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,18 USD (+1,80%), lên 66,39 USD/thùng.

Tin bài liên quan