Giới đầu tư Phố Wall hoảng sợ trước cuộc khủng hoảng Ukraine - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư Phố Wall hoảng sợ trước cuộc khủng hoảng Ukraine - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, tuồn tiền sang vàng

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên đầu tuần không ngoài lý do nào khác ngoài lo sợ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngày 3/3, Đại sứ của Ukraine tại Liên hợp quốc Yuriy Sergeyev cho biết, Nga đã triển khai khoảng 16.000 quân tới vùng lãnh thổ tự trị Crưm của nước này từ tuần trước. Trong khi đó, trong tuyên bố mới nhất của giới lãnh đạo Mỹ và phương Tây, tuy bác bỏ những thông tin cho rằng Washington thất bại trong việc ngăn cản tầm ảnh hưởng của Putin, nhưng đều thừa nhận, Nga đã hoàn toàn kiểm soát bán đảo Crưm và có thể bắt đầu mở rộng cuộc tiến chiếm.

Thêm một diễn biến khiến giới đầu tư lo lắng là thông tin Nga đưa ra “tối hậu thư” cho các đồn quân đội của Ukraine đang đóng tại Crưm phải buông súng đầu hàng với thời hạn cuối là sáng 4/3. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ thông tin này và cho biết, Nga đưa quân sang Ukraine là theo đề nghị của Tổng thống Yanukovych.

Theo dữ liệu vừa được công bố ngày 3/3, hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 8 tháng trong tháng 2, theo Viện quản lý nguồn cung. Trong khi đó, Bộ Thương mại cho biết, chi tiêu tiêu dùng tăng hơn kỳ vọng trong tháng Giêng. Các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đã lấy lại được sức mạnh sau khi suy thoái gần đây.

Tuy nhiên, những diễn biến tại Ukraine khiến giới đầu tư bỏ qua hết những thông tin tích cực về kinh tế. Các nhà đầu tư Phố Wall, cũng như các thị trường chứng khoán khác trên thế giới thi nhau bán tháo, đẩy chứng khoán lao dốc.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 153,68 điểm (-0,94%), xuống 16.168,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,72 điểm (-0,74%), xuống 1.845,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 30,82 điểm (-0,72%), xuống 4.277,30 điểm.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế thế giới, vốn mới chỉ phục hồi yếu ớt sau cuộc khủng hoảng 2007. Đặc biệt, mối quan hệ xấu đi giữa Nga và phương Tây đã ảnh hưởng mạnh tới cổ phiếu năng lượng và qua đó ảnh hưởng trở lại thị trường chứng khoán.

Dĩ nhiên, chứng khoán châu Âu không nắm ngoài xu hướng giảm mạnh, thậm chí còn lao mạnh hơn khi điểm nóng gần kề bên.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 101,35 điểm (-1,49%), xuống 6.708,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 333,19 điểm (-3,44%), xuống 9.358,89 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 117,21 điểm (-2,66%), xuống 4.290,87 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng lao dốc trong phiên đầu tuần, tuy nhiên, điều ngạc nhiên là chứng khoán tại Thượng Hải (Trung Quốc) lại tăng mạnh, bất chấp cuộc khủng hoảng ở Ukraine và thông tin kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Tuyên bố chung của Cục thống kê quốc gia (NBS) và Hiệp hội mua bán và hậu cần Trung Quốc ngày 1/3 cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đối với ngành sản xuất trong tháng 2 đã giảm xuống 50,2%. Tăng trưởng sản xuất của nước này trong tháng 2 cũng đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp ngành sản xuất của Trung Quốc có mức tăng trưởng chậm.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 188,84 điểm (-1,27%), xuống 14.652,23 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 336,29 điểm (-1,47%), xuống 22.500,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 18,83 điểm (+0,92%), lên 2.075,23 điểm.

Giá vàng tăng vọt khi giới đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán và chuyển hướng đầu tư sang vàng để phòng tránh rủi ro trước khả năng xảy ra chiến tranh tại Ukraine. Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 21,70 USD (+1,63%), lên 1.350,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 28,7 USD (+2,17%), lên 1.350,3 USD/ounce.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Trong phiên đầu tuần mới, giá dầu thô Mỹ tăng 2,33 USD (+2,27%), lên 104,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,13 (+1,95%), lên 111,20 USD/thùng.

Tin bài liên quan