Giới đầu tư thở phào, chứng khoán hồi phục trở lại

Giới đầu tư thở phào, chứng khoán hồi phục trở lại

(ĐTCK) Cho rằng, tuyên bố tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm của ông Trump chỉ là chiến thuật kinh doanh, không làm phát sinh cuộc chiến thương mại, giới đầu tư đã thở phào nhẹ nhõm và trở lại với thị trường chứng khoán, giúp S&P 500 và Nasdaq hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua (2/3).

Sau chuỗi 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, nhất là phiên hôm thứ Năm khi nhà đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại sau tuyên bố tăng thuế thép của lên 25% và nhôm lên 10% của chính quyền Tổng thống Trump, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Trong đó, Dow Jones chỉ còn giảm nhẹ và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp, còn S&P 500 và đặc biệt là Nasdaq hồi phục mạnh.

Phố Wall hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua do tâm lý lo sợ cuộc chiến thương mại toàn cầu vơi dần khi có thông tin cho rằng, tuyên bố tăng thuế trên của ông Trump chỉ là một chiến thuật đàm phán.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Dow Jones giảm 70,92 điểm (-0,29%), xuống 24.538,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,58 điểm (+0,51%), lên 2.691,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 77,31 (+1,08%), lên 7.257,87 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,05%, chỉ số S&P 500 giảm 2,04% và chỉ số Nasdaq giảm 1,08%. Như vậy, dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với 3 phiên lao dốc trước đó, phố Wall đã chính thức quay đầu giảm điểm trong tuần qua sau 2 tuần hồi phục liên tiếp trước đó.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu do kết thúc trước, các chỉ số chính của thị trường này lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất mới trong nhiều tuần sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc áp thuế nhập khẩu thép 25% và nhôm 10% dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong đó, chứng khoán Đức và Pháp giảm mạnh, với chỉ số DAX tại Đức giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng. Không chỉ nhóm cổ phiếu thép, nhôm, mà nhiều cổ phiếu khác cũng bị bán tháo trong phiên cuối tuần trên thị trường chứng khoán châu Âu.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 105,74 điểm (-1,47%), xuống 7.069,90 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 277,23 điểm (-2,27%), xuống 11.913,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 125,97 điểm (-2,39%), xuống 5.136,58 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 2,41%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp, còn chỉ số DAX và CAC 40 đảo chiều giảm mạnh 4,57% và 3,40% sau 2 tuần tăng liên tiếp.

Quyết định tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm của ông Trump cũng khiến chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh nhất khi mất 2,5%, ngoài lo lắng về cuộc chiến thượng mại, nhà đầu tư còn lo lắng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2019 nếu lạm phát đạt mục tiêu như phát biểu của Chủ tịch BOJ Haruhiko Kuroda.

Kết thúc phiên 2/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 542,83 điểm (-2,50%), xuống 21.181,64  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 460,80 điểm (-1,48%), xuống 30.583,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,23 điểm (-0,59%), xuống 3.254,53 điểm.

Trong tuần, các chỉ số chính của chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,25%, chỉ số Hang Seng giảm 2,19% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,05%.

Trên thị trường vàng, sau 2 phiên hồi phục, đồng USD nhanh chóng có 2 phiên sụt giảm mạnh trở lại, giúp giá vàng hồi phục trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 2/3, giá vàng giao ngay tăng 5,60 USD/ounce (+0,43%), lên 1.322,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 18,2 USD/ounce (+1,39%), lên 1.323,8 USD/ounce.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,42% và 0,50%, dù mức giảm này khiêm tốn hơn so với mức giảm của tuần trước (1,36% và 1,90%).

Dù điều chỉnh trong tuần qua, nhưng với đà giảm của đồng USD và khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu, cả giới đầu tư và phân tích đều có cái nhìn tích cực về xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 21 chuyên gia tham gia trả lời, trong đó có 14 người, chiếm 67% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn nhiều con số 37% của tuần trước; có 3 người, chiếm 14% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 27% của tuần trước; và 4 người còn lại, chiếm 19% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 541 lượt người tham gia, trong đó có 272 lượt, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, nhỉnh hơn con số 47% của tuần trước đó; có 189 lượt bình chọn, chiếm 35% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn mức 41% của tuần trước; 80 lượt, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập.

Sau các phiên giảm liên tiếp do lo kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua khi đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ cho các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh.

Kết thúc phiên 2/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD (+0,42%), lên 61,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,54 USD (+0,84%), lên 64,37 USD/thùng.

Tương tự giá vàng, dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô cũng đã quay đầu giảm trong tuần qua sau 2 tuần tăng mạnh liên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 3,62% và giá dầu thô Brent giảm 4,37%.

Một sự kiện đáng chú ý với dầu thô trong tuần này là cuộc họp của các nhà sản xuất lớn tại Houston (Mỹ).

Tin bài liên quan