Trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp.

Gỡ tắc cho trái phiếu riêng lẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo mục tiêu đề ra của Chính phủ, điều mấu chốt là phải lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường này.

Tích cực đàm phán lại

Sau khi Nghị định 08/2023 của Chính phủ được ban hành, ghi nhận từ thị trường, một số tổ chức phát hành không có khả năng trả nợ đúng hạn đã tích cực đàm phán với trái chủ về thay đổi thời hạn của trái phiếu cũng như lãi suất.

Mới đây, Công ty cổ phần Nova Thảo Điền có văn bản xin ý kiến nhà sở hữu trái phiếu điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu và phương toán thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu NTDCH2227001. Theo tìm hiểu, đây là lô trái phiếu có tổng giá trị 2.300 tỷ đồng, được phát hành từ ngày 5/9/2022, có kỳ hạn 5 năm với lãi suất 10,5%/năm.

Ngày 15/3/2023 là ngày đến hạn thanh toán khoản lãi và gốc gần 120 tỷ đồng của lô trái phiếu này, nhưng Công ty không thu xếp được nguồn tiền để chi trả. Theo thỏa thuận tại hợp đồng, nếu vi phạm thời hạn thanh toán, tổ chức phát hành sẽ phải mua lại trước hạn trái phiếu.

Phía Nova Thảo Điền đã đề xuất hai nội dung: Thứ nhất, thay đổi ngày đáo hạn từ 5/9/2027 lên ngày 15/3/2025; thứ hai, thông qua đề xuất của tổ chức phát hành về việc không tuyên bố sự kiện vi phạm và không áp dụng tiền lãi phạt chậm trả của phần tiền lãi trái phiếu chưa được tổ chức phát hành thanh toán.

Nova Thảo Điền cho biết, trong trường hợp người sở hữu trái phiếu đồng ý với đề xuất của tổ chức phát hành thì sẽ có hai sự lựa chọn. Lựa chọn 1, tiếp tục sở hữu trái phiếu với phương án thanh toán gốc lãi trái phiếu là thanh toán 20% tiền lãi trái phiếu mỗi kỳ và 80% tiền lãi còn lại thanh toán một lần vào ngày đáo hạn 15/3/2025.

Với phương án này, lãi suất được cộng 1%/năm so với hợp đồng cũ, mức lãi suất này được áp dụng từ 6/3/2023 đến ngày 15/3/2025. Với phương án kể trên, nếu trái chủ đồng ý, lãi suất sẽ là 11,5%/năm. Lựa chọn 2, tổ chức phát hành đề xuất phương án thanh toán tiền gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản. Người sở hữu trái phiếu sẽ liên hệ trực tiếp với tổ chức phát hành.

Nghị định 08 đã mở ra một lối thoát cho nhà phát hành, nhưng điều quan trọng là hai bên (tổ chức phát hành và người sở hữu trái phiếu) phải đạt được thỏa thuận

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế

Theo đánh giá của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nghị định 08 đã mở ra một lối thoát cho nhà phát hành, nhưng điều quan trọng là hai bên (tổ chức phát hành và người sở hữu trái phiếu) phải đạt được thỏa thuận trên cơ sở khung pháp lý quy định.

Ông Ánh phân tích, việc tổ chức phát hành xin kéo dài, giãn thời gian đáo hạn trái phiếu nhưng không phải cứ đưa ra là trái chủ đồng ý, tất cả đều cần phải đàm phán, thỏa thuận, hai bên cùng ngồi lại xem tổ chức phát hành đưa ra đàm phán cái gì, điều kiện thay đổi trong tương lai ra sao. Nếu mức lãi suất trái phiếu cao khoảng 13 - 15%/năm trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang có xu hướng điều chỉnh giảm như hiện nay bản thân trái chủ sẽ cân nhắc việc lấy lại tiền gốc, lãi đúng hạn hay tiếp tục đầu tư có lợi.

“Vị thế của trái chủ quyết định việc đàm phán với tổ chức phát hành. Nếu nhà đầu tư mua trái phiếu bằng tiền của họ, không thiếu thanh khoản và coi đó là khoản đầu tư có lợi, họ sẽ chấp nhận gia hạn thời gian trả và hưởng lãi suất cao. Còn nếu đầu tư bằng tiền đi vay, họ sẽ tính đến cần phải thu hồi lại gốc và lãi. Quyết định của trái chủ dựa trên phân tích, cân nhắc lợi ích, thiệt hại mà họ chịu khi thay đổi thời gian thanh toán trái phiếu”, ông Ánh nhấn mạnh.

Giải pháp giải tỏa áp lực

Theo Fiin Ratings, hầu hết các doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu đã đưa ra lãi suất cao hơn nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó phản ánh lên mức lãi suất mới cao hơn của toàn thị trường. Tổng giá trị các lô trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận chậm thanh toán đạt 89.300 tỷ đồng, chiếm gần 55% lượng trái phiếu đang lưu hành của các doanh nghiệp trên.

Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ cho các lô trái phiếu này phụ thuộc vào phân kỳ đáo hạn sắp tới, khả năng huy động nguồn vốn khác của doanh nghiệp cũng như kỳ vọng vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Trong hai quý tới, theo ước tính của tổ chức này, dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn lần lượt là 36.300 tỷ đồng và 35.400 tỷ đồng.

Tính trên tổng giá trị trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính đang lưu hành, tỷ lệ nợ xấu từ các lô trái phiếu được Fiin Ratings tính toán ở mức 11,3%. Riêng đối với các tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức 18,7%. Các doanh nghiệp này cũng có dư nợ vay ngân hàng và các nguồn vốn vay khác.

Thống kê cho thấy quy mô trái phiếu mua lại trước đáo hạn trong tháng 2 đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đương 65,9% tháng trước đó và tăng gần 36% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại trái phiếu thường có xu hướng tăng vọt vào thời điểm cuối các kỳ báo cáo bán niên hoặc cuối năm và giảm mạnh vào đầu năm, nhưng cũng phụ thuộc lớn vào mức độ sẵn có nguồn tiền hiện tại, hoặc khả năng thu xếp nguồn vốn khác ngoài tín dụng trái phiếu. Trước bối cảnh kiểm soát tín dụng bất động sản, hoạt động mua lại dự báo gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

“Hiện nay, các tổ chức đang bán hết tài sản có thể bán được và đang đàm phán với các trái chủ gia hạn thời gian trả nợ. Thỏa thuận như thế nào theo tùy từng trường hợp, nhưng hai bên đều có thiện chí cùng ngồi lại với nhau trên cơ sở khung pháp lý là Nghị định 08 đã có”, ông Mai Cường, Phó giám đốc Khối Phát triển kinh doanh Công ty cổ phần Quản lý Quỹ PVI nhìn nhận.

Khi có hành lang pháp lý cũng như thiện chí từ phía trái chủ, áp lực đáo hạn trái phiếu được giải tỏa phần nào, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để phục hồi các hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải bài toán thanh khoản.

Tin bài liên quan