Lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành tính tại thời điểm 31/3/2021 là 3.083,8 tỷ đồng, xấp xỉ bằng vốn điều lệ.

Lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành tính tại thời điểm 31/3/2021 là 3.083,8 tỷ đồng, xấp xỉ bằng vốn điều lệ.

Gỗ Trường Thành (TTF): Thua lỗ lại gồng thêm cổ tức ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thua lỗ triền miên, cam kết trả cổ tức cố định lên tới 12%/năm cho số cổ phần phát hành ưu đãi của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) khiến cổ đông không khỏi lo lắng.

Phát hành gần 100 triệu cổ phần ưu đãi

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Gỗ Trường Thành ngày 27/4/2021, có hai tờ trình đáng chú ý được thông qua. Thứ nhất, Công ty dự kiến phát hành hơn 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi 405,3 tỷ đồng nợ vay của chủ nợ Bùi Hồng Minh, với tỷ lệ hoán đổi là 10.000 đồng nợ vay thì được nhận 1 cổ phiếu ưu đãi với cổ tức cố định 6,5%/năm.

Thứ hai, Công ty sẽ phát hành riêng lẻ 59,47 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức cố định 12%/năm để huy động 594,7 tỷ đồng với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc hoán đổi nợ vay sang vốn chủ sở hữu, về bản chất, là chuyển khoản mục trên bảng cân đối kế toán và không làm phát sinh dòng tiền cho Gỗ Trường Thành. Còn với phương án phát hành riêng lẻ, Gỗ Trường Thành cho biết, toàn bộ số tiền 594,7 tỷ đồng sẽ dùng để tái cơ cấu nợ vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

Kế hoạch phát hành cổ phần với cam kết cổ tức cố định được đưa ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu TTF vẫn nằm cách xa mệnh giá do hoạt động kinh doanh thua lỗ triền miên trong thời gian dài.

Nếu cả hai đợt phát hành tăng vốn sắp tới được triển khai thành công, vốn điều lệ của Gỗ Trường Thành sẽ được nâng từ 3.111,98 tỷ đồng lên 4.111,68 tỷ đồng, giúp Công ty có thêm dòng tiền mới cũng như tránh rủi ro bị huỷ niêm yết trong thời gian tới do mức lỗ luỹ kế tới 31/3/2021 lên tới 3.083,8 tỷ đồng, xấp xỉ bằng vốn điều lệ hiện tại (3.111,98 tỷ đồng).

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc nếu có 3 năm thua lỗ liên tục hoặc lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ.

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành, “việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ sẽ giúp doanh nghiệp xoá nợ xấu tại ngân hàng, từ đó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp hơn”.

Chi phí lãi vay là gánh nặng của Gỗ Trường Thành nhiều năm qua. Năm 2019, Công ty phải chịu chi phí lãi vay 115,2 tỷ đồng; năm 2020 là 118,1 tỷ đồng và quý I/2021 là 23,4 tỷ đồng.

Ông Tín được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành từ tháng 6/2019. Tại thời điểm 30/6/2019, công ty này có vốn điều lệ 3.111,98 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 2.433,5 tỷ đồng.

Năm 2019, Công ty báo lỗ tiếp 1.002,6 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty lãi nhẹ 18,1 tỷ đồng (Nếu không nhờ khoản thu nhập khác gần 68 tỷ đồng, trong đó có 58,7 tỷ đồng các khoản phạt, bồi thường liên quan tới nhóm cổ đông trước đây thì Công ty đã lỗ). Quý đầu năm nay, Công ty lại báo lỗ 39,3 tỷ đồng.

Nợ vay giảm, áp lực chi phí cổ tức lớn

Được biết, tính tới 31/3/2021, Gỗ Trường Thành đang chịu áp lực nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 569,5 tỷ đồng; trong đó, nợ vay ngân hàng chiếm 173,26 tỷ đồng (gồm 123,3 tỷ đồng vay Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, 49,96 tỷ đồng vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

Ngoài ra, Công ty có khoản phải trả 342,4 tỷ đồng liên quan đến việc sử dụng tài sản. Theo đó, nhóm công ty đồng ý sử dụng các tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấn trừ các khoản nợ gốc vay và lãi vay phải trả số tiền lần lượt là 252,59 tỷ đồng và 89,86 tỷ đồng và hiện tại Công ty đang thuê lại toàn bộ tài sản này.

Để được ngân hàng xem xét cho vay mới, Gỗ Trường Thành sẽ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân hàng, cụ thể là trả tiền vay các ngân hàng (173,26 tỷ đồng) và mua lại tài sản lại từ VietA Bank (ít nhất là 342,4 tỷ đồng).

Như vậy, tổng nghĩa vụ nợ sẽ là 515,66 tỷ đồng. Số tiền 594,7 tỷ đồng dự kiến huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ, nếu Gỗ Trường Thành sử dụng để thực hiện hết các nghĩa vụ với các ngân hàng thì chỉ còn 79,04 tỷ đồng.

Tuy vậy, kể cả khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân hàng, Công ty vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng khi lỗ luỹ kế hiện lên tới 3.083,8 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của ông Tín, từ quý II/2021, Công ty sẽ bắt đầu có lãi, nhưng với “di sản” lỗ lũy kế quá lớn, việc bù đắp khoản lỗ này không phải là câu chuyện ngắn hạn.

Trở lại với phương án huy động vốn được đại hội đồng cổ đông Gỗ Trường Thành thông qua mới đây, phương án hoán đổi nợ thành cổ phiếu sẽ giúp Công ty không phải chịu áp lực trả nợ vào thời điểm đáo hạn.

Riêng khoản cổ tức cố định cho gần 100 triệu cổ phần ưu đãi này sẽ “ngốn” của TTF 97,7 tỷ đồng mỗi năm.

Dẫu vậy, Công ty vẫn phải chịu áp lực cổ tức tương tự lãi vay. Ước tính, với 40,5 triệu cổ phiếu hưởng cổ tức cố định 6,5%/năm, mỗi năm, doanh nghiệp phải trả cho ông Bùi Hồng Minh 26,33 tỷ đồng cổ tức.

Trong khi đó, với 59,47 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức 12%/năm, ước tính mỗi năm, Công ty sẽ phải chi 71,36 tỷ đồng trả cổ tức. Chỉ tính riêng khoản cổ tức cố định cho gần 100 triệu cổ phần ưu đãi này đã “ngốn” của Công ty 97,7 tỷ đồng mỗi năm.

Trong năm đầu tiên, Gỗ Trường Thành có thể dùng dòng vốn mới huy động để cân đối dòng tiền, cũng như thực hiện cam kết với cổ đông. Tuy nhiên, bước sang các năm tiếp theo, nếu như hoạt động kinh doanh không cải thiện, việc thu xếp dòng tiền để chi trả cổ tức cố định cho số cổ phần phát hành riêng lẻ là cả một vấn đề lớn.

Như vậy, có thể thấy, kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phần ưu đãi cho nhà đầu tư của Gỗ Trường Thành chưa đem lại lợi ích rõ ràng cho doanh nghiệp, cho các cổ đông hiện hữu.

Còn các nhà đầu tư tham gia đợt phát hành, việc tham gia vào TTF với cam kết cổ tức cố định 6,5%/năm và 12%/năm trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều khó khăn cũng đối mặt với rủi ro không chắc chắn của dòng tiền chi trả cổ tức.

Tin bài liên quan