Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm ngân hàng vẫn hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm ngân hàng hiện có mức P/B dự phóng 2022 trung bình ngành chỉ còn 1,39 lần, và chiết khấu so với mặt bằng định giá trung bình lên tới 40%, do đó tiếp tục ở khu vực giá hấp dẫn phù hợp cho nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn.

Việc thiếu vắng nhóm dẫn dắt cùng với sự thận trọng dâng cao trong phiên đáo hạn phái sinh tháng 8, đã khiến thị trường có phiên đảo chiều mất điểm ở 2 phiên cuối tuần. Dù vậy, thị trường điều chỉnh không gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đã xảy ra ở những phiên trước đó. Điều này có tác động đến xu hướng giao dịch tuần tới không, theo các ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Khi quan sát rộng hơn trên khung đồ thị tuần, VN-Index lần đầu tiên xuất hiện mẫu nến đảo chiều Gravestone Doji (nến bia mộ) ở ngay kháng cự đường trung bình MA20, và khiến cho xu hướng hồi phục tổng thể gặp khó khăn hơn.

Trong tuần tới dự kiến các rung lắc sẽ xảy ra thường xuyên hơn và đẩy chỉ số về lấp khoảng trống 1.260 điểm, nhất là trong bối cảnh dòng tiền hướng về nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao nhưng ít khả năng dẫn dắt như nhóm ngành dầu khí.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Việc thị trường điều chỉnh tại vùng cản 1.280 điểm này cũng không có gì là xấu mà dễ chạy đà để vượt qua trong những ngày sắp tới.

Tuy nhiên, đà phục hồi trong tháng 8 vẫn được xem là xu hướng tích cực ngắn hạn vì trung hạn áp lực lên thị trường vẫn còn lớn và sau 1 tháng "nghỉ ngơi", thì Fed sẽ họp lại vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát Mỹ, châu Âu đều còn cách rất xa so với mục tiêu.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Tôi nghĩ thị trường vẫn vận động trong biên hẹp và chưa tạo ra biến nào đáng chú ý trong tuần tới. Cá nhân tôi phần nào vẫn tin thị trường vẫn nhích lên vùng 1.300 điểm.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại một cách tổng quát có thể nhận thấy VN-Index hồi phục sát đến mốc điểm này rồi và trên kỹ thuật đã chạm đến dải trên đường BB 50 vốn dễ tạo ra cú đảo chiều.

Thứ hai là có không ít cổ phiếu hồi phục tương đối mạnh kể từ đáy, 40% hay 50% là khá nhiều mã có thể coi là bước tăng khá tốt.

Cuối cùng, dòng tiền vẫn không tăng thêm và đang chững lại quanh 15-17 nghìn tỷ thì sẽ rất khó để bứt phá.

Rủi ro sẽ đến với những cổ phiếu có thị giá cao và có mức hồi phục nhiều. Những mã này động lực tăng giá thì ít nhưng nếu gặp thông tin bất lợi rất dễ bị điều chỉnh và biên độ để điều chỉnh thường lớn hơn so với những cổ phiếu có mức hồi phục ít hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình.

Ông Nguyễn Hữu Bình.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Xét về xu hướng ngắn hạn, VN-Index hiện tại vẫn đang trong sóng hồi phục kéo dài 6 tuần qua, với trạng thái bò dần lên nhưng tốc độ đang có dấu hiệu chậm lại.

Trước mắt, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy trạng thái thị trường sẽ thay đổi nên khả năng diễn biến giằng co vẫn là chủ đạo về mặt chỉ số trong tuần sau.

Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực bán chốt lời rõ ràng đang có dấu hiệu gia tăng, do vậy áp lực điều chỉnh sẽ tới ở nhiều cổ phiếu trong tuần tới.

Thanh khoản thị trường cũng phần nào cải thiện và nhiều cổ phiếu đã ghi nhận phục hồi 20-30% kể từ vùng đáy, do vậy, áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra. Điều này có ảnh hưởng như như thế nào đến xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Dòng tiền dù có giảm nhẹ nhưng chủ yếu do gần vùng kháng cự quan trọng 1.280 điểm và muốn thị trường đi xa hơn và dài hơn trong những tháng tới thì dòng tiền cần phải cải thiện nhiều hơn nữa.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Về bản chất thị trường vẫn đang ở trong một sóng hồi ngắn hạn chứ chưa thay đổi trạng thái trung hạn, vì vậy, áp lực chốt lời tới khi nhiều cổ phiếu có sự hồi phục cao so với đáy là điều dễ hiểu.

Tôi để ý, hiệu quả lướt sóng trong 1-2 tuần trở lại đây là không cao, do vậy không loại trừ khả năng dòng tiền ngắn hạn có thể suy yếu nếu điều này tiếp tục kéo dài.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Các chỉ số đo lường đang chỉ ra VN-Index đã chạm tới khu vực tăng nóng, sự lan tỏa của dòng tiền cũng khó mở rộng hơn khi số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn nằm trong xu hướng tăng cũng đã nhiều lần chạm mốc 90%.

Trong một bước sóng hồi phục ngắn hạn ở xu hướng giảm dài hạn, đây là các dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh của tâm lý hưng phấn tất yếu sẽ xảy ra.

Ông Trương Thái Đạt.

Ông Trương Thái Đạt.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Tôi nhìn thấy dòng tiền luân chuyển khá nhanh theo nhóm, ngành và không ngành nào tăng quá được 3 phiên. Vì thế, tôi cho rằng cách vận động này vẫn sẽ hiện hữu trong thời gian tới và thị trường cũng vì thế chưa tạo ra cú Break nào cả.

Ở thời điểm hiện tại, nhóm ngành nào đang có nhiều lợi thế hơn, theo các ông/bà?. Nếu được ông/bà có thể gợi ý một số doanh nghiệp, cổ phiếu cụ thể.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Nhóm ngân hàng hiện có mức P/B dự phóng 2022 trung bình ngành chỉ còn 1,39 lần, và chiết khấu so với mặt bằng định giá trung bình lên tới 40%, do đó, tiếp tục ở khu vực giá hấp dẫn phù hợp cho nhà đầu tư mua và nắm giữ dài hạn. Một số ngân hàng có có tỷ lệ an toàn vốn cao và chất lượng tài sản tốt có thể được nới room tín dụng.

Kể từ đầu tháng 8, chưa ghi nhận động thái cụ thể từ phía NHTW, vì vậy, chúng tôi đánh giá điểm rơi về mặt chính sách "nới room" đang gần kề. Một số ngân hàng đáng chú ý có dư địa tăng trên 20% có thể kể tới là ACB, VPB.

Bên cạnh đó, với mức nền thấp do trích lập dự phòng cao cùng kỳ năm ngoái ảnh hưởng bởi dịch Covid, nhóm ngân hàng quốc doanh kỳ vọng tăng trưởng vượt trội, cụ thể như VCB, BID, CTG.

Ngoài ra, một số nhóm ngành vẫn có yếu tố hưởng lợi và nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thăm dò. Ví dụ như hàng không, khi du lịch đang được đẩy mạnh với nhiều chính sách hỗ trợ, chi phí nhiên liệu đang giảm dần, và nhu cầu du lịch dồn nén sau 2 năm dịch bệnh. Các cổ phiếu tích lũy chặt đáng chú ý trong nhiều tháng qua là HVN, ACV.

Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ nhóm ngành Khu Công Nghiệp, khi nhà nước mở rộng thu hút vốn đầu tư ngoại FDI, mở cửa các đường bay quốc tế. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp phía Bắc trong 6 tháng đầu năm duy trì ở mức 80-90%.

Kết quả kinh doanh quý II của 14 doanh nghiệp KCN đều ghi nhận lợi nhuận tổng đạt 16.562 tỷ đồng (+4% YoY). Chúng tôi đánh giá giai đoạn cuối 2022 và đầu năm 2023, nhiều dự án KCN sẽ được bàn giao và bắt đầu hoạt động, dự địa về doanh thu vượt xa dự đoán như KBC, IDC, PHR.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Các cổ phiếu bluechip ở các ngành có lợi thế hơn, đặc biệt nhóm Tài chính, nên VN-Index mới tăng điểm liên tục nhiều tuần qua. Kỳ vọng nhóm này vẫn mạnh hơn tương đối so với thị trường chung. Bên cạnh đó các nhóm Công nghệ, vận tải...cũng là nhóm tiềm năng trong thời gian tới.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Các cổ phiếu vốn hóa lớn hay các cổ phiếu trụ cột trong VN30 được tôi đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ chỉ số thực hiện mục tiêu trên.

Nếu phải chọn lựa rõ ràng hơn, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu Chứng khoán (SSI, HCM…) có nhiều lợi thế khi vẫn đang ở vùng giá hợp lý và có thông tin hỗ trợ (giao dịch T+2,5 từ ngày 29/8).

Ông Dương Hoàng Linh.

Ông Dương Hoàng Linh.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Thống kê của tôi lại cho thấy nhóm bất động sản hồi phục mạnh nhất, đặc biệt nhóm khu công nghiệp. Chúng ta đều thấy bất động sản đang chịu nhiều sức ép lớn khi tín dụng đang bị kiểm soát chặt hơn vào mảng này.

Trong khi đó nhóm có lợi nhuận tốt quý III như ngân hàng, thủy sản, dệt may lại hồi phục rất ít loanh quanh 10-20%. Có vẻ như nhà đầu tư đang chơi theo chiến lược xấu quá thì chỉ có tốt lên, tức là cổ phiếu đã tạo đáy sau khi giảm quá mạnh. Ngược lại đang tốt sẽ là đỉnh và có nguy cơ chịu áp lực trong 6 tháng cuối năm.

Thị trường đang bước vào “vùng trũng” thông tin, nhà đầu tư nên chọn chiến lược nào hợp lý, theo ông/bà?

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích CTCK DSC

Trong bối cảnh “vùng trũng” thông tin, thị trường thường có xu hướng vận động theo quán tính và ít có các biến động đột ngột, vì vậy, mà đà tăng từ đầu tháng 8 đã diễn ra thuận lợi.

Thế nhưng khi VN-Index đang tạo ra các dấu hiệu suy yếu đầu tiên, khi “quán tính” tăng giá hưng phấn đã chậm lại, thì chiến lược phù hợp là bình tĩnh chờ đợi các nhịp điều chỉnh kiểm chứng hỗ trợ của chỉ số trước khi cân nhắc giải ngân.

Một điểm đáng lưu ý khác là ngày 26/8, chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan điểm của Fed và triển vọng nền kinh tế cùng các chính sách điều hành tới cuối năm.

Ngoài ra, nhà đầu tư Việt Nam cũng đang kỳ vọng vào thông tin về nới room tín dụng ở một số ngân hàng có thể được đưa ra vào giữa tháng 9 với mục tiêu sử dụng hết 5% room tín dụng toàn ngành.

Các sự kiện trên hoàn toàn có thể thay đổi cục diện biến động chỉ số và thị trường chung trong một tháng tới.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng

Với những mã đã tăng nhiều từ vài chục % trở lên, các nhà đầu tư không nên mua mới mà chỉ nên nắm giữ chờ dấu hiệu hoặc chạm các vùng kháng cự mạnh để chốt lời.

Với những nhóm bắt đầu có dấu hiệu dòng tiền và chưa tăng quá 10% trở lên có thể tham gia mới trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng margin trong lúc này. Với những tài khoản có margin và tỷ trọng cổ phiếu lớn thì những thời điểm thị trường phục hồi có thể giảm bớt để giữ trở lại một phần tiền mặt.

Ông Phan Dũng Khánh.
Ông Phan Dũng Khánh.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Thị trường đang ở vùng trũng thông tin, do đó xu hướng sắp tới đây sẽ do cung cầu quyết định (dòng tiền), bên cạnh diễn biến của chứng khoán thế giới cũng có thể là yếu tố tác động nhiều đến thị trường trong nước.

Chiến lược hợp lý lúc này là giữ tỷ trọng vừa phải, nên mua ở các nhịp điều chỉnh (tránh mua đuổi), ưu tiên cổ phiếu trụ cột có tác động tới chỉ số.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Trong ngắn hạn, thị trường đang vận động kiểu Trading nhanh, nhà đầu tư nào “đoán” được xu hướng trên thì thành công.

Nếu có cơ hội có thể Trading vào những cổ phiếu mình am hiểu cách vận động của dòng tiền trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là thời điểm rất khó kiếm tiền nên ưu tiên của cá nhân tôi là kiểm soát dòng vốn, tránh thất thoát và nghiên cứu tìm ra doanh nghiệp có lợi thế. Cá nhân tôi vẫn luôn dành ra một nguồn vốn đủ lớn để chờ cơ hội sẽ đến, có thể phải chờ thêm vài tháng cho đến nửa năm tới.

Tin bài liên quan