Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vẫn còn nhiều game lớn

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Vẫn còn nhiều game lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù áp lực bán đã xuất hiện ở nhóm cổ phiếu tăng nóng nhưng dòng tiền đầu cơ vẫn tìm kiếm cơ hội tại nhiều cổ phiếu và sẽ còn những game lớn bất chấp cú giảm mạnh của thị trường.

Áp lực bán mạnh ở phiên cuối tuần (19/11) khiến sàn HOSE lập tiếp một kỷ lục mọi thời đại cả về giá trị khớp lệnh và khối lượng khớp lệnh với hơn 56.195 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD) giao dịch trên ba sàn chính, phá vỡ kỷ lục 52.000 tỷ đồng đã lập vào 3/11. Chỉ số VN-Index xuyên thẳng ngưỡng hỗ trợ mạnh là đường trung bình giá 20 ngày (MA20) ở vùng 1.450 điểm. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Tôi không dự báo được thị trường tăng hay giảm vào tuần tới sau cú giảm mạnh phiên thứ 6 vừa qua. Tuy nhiên tôi xin nhấn đến một số điểm.

Thứ nhất, trong thời gian vừa qua, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 mang hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Ngay cả trong phiên giảm mạnh vừa qua khi VN-Index tụt quá mạnh thì VN30 chỉ giảm nhẹ. Dòng tiền thời gian qua đã chuyển hướng sang quá nhiều cổ phiếu Midcap và penny trong khi nhóm cơ bản không tăng giá. Nó gần như là công cụ điều tiết cho thị trường luôn ổn định. Khi thị trường chung xấu thì nhóm Ngân hàng lại xuất hiện để đỡ cho thị trường.

Thứ hai, sau cú giảm mạnh trên liệu những cổ phiếu đầu cơ đã khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ chùn tay mà quay về với cổ phiếu cơ bản hay không là dấu hỏi.

Thứ ba, tại phiên 19/11, lực bán mạnh nhưng lực mua không hề kém cạnh. Vì thế tôi nghĩ rằng, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại. Tuy nhiên, rủi ro với những cổ phiếu không nhiều nền tảng sẽ cao hơn và xu hướng dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cơ bản sẽ sớm bắt đầu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có chuỗi tăng kéo dài hơn 2 tháng từ vùng 1.300 điểm đến gần 1.500 điểm. Đặc biệt là thanh khoản chỉ sau 2 tháng đã tăng hơn gấp 2 lần làm thị trường trở nên rất nóng. Dòng tiền đầu cơ với tỷ lệ margin kịch khung đã xoay vòng liên tục trong những ngày qua vì vậy những rung lắc như phiên thứ Sáu vừa qua là điều tất yếu sẽ diễn ra.

Dòng tiền chung của thị trường hiện vẫn rất mạnh và vẫn sẵn sàng bắt đáy khi giá nhiều cổ phiếu hấp dẫn chạm sàn và bằng chứng là phiên thứ Sáu nhiều cổ phiếu chỉ giảm mạnh trong vòng vài phút là lập tức hồi phục trở lại.

Tuần sau, khả năng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc mạnh và những nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao đã tăng mạnh thời gian vừa qua sẽ dần mất động lực và được thay thế bằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Thị trường thiên về khả năng sẽ có 1 nhịp điều chỉnh như giai đoạn cuối tháng 8 hơn là 1 nhịp điều chỉnh tương tự như tháng 1 và tháng 7 khi lực cầu bắt đáy liên tục duy trì cao trong thời gian gần đây khiến khả năng điều chỉnh sâu khó có thể xảy ra.

Ông Võ Thế Vinh

Ông Võ Thế Vinh

Chúng ta nhìn vào lượng tài khoản mở mới liên tục duy trì trên 100.000 tài khoản 1 tháng, lượng tiền gửi của nhà đầu tư theo phương thức CTCK quản lý cũng tăng thêm khoảng 6 - 7 nghìn tỷ đồng trong quý III để đạt mức 90 nghìn tỷ đồng (số liệu này sẽ không bao gồm lượng tiền để tại Ngân hàng lưu ký).

Rõ ràng với lượng tiền mới tham gia thị trường rất dồi dào đã hấp thụ áp lực bán lớn xuất hiện gần đây. Dòng tiền bắt đáy đã tìm đến nhóm trụ ngân hàng trong phiên cuối tuần và điều này đã giúp tạo sự hỗ trợ cho thị trường chung.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi cho rằng, phiên điều chỉnh mạnh vào cuối tuần qua chưa phải là dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy VN-Index gãy trend ngắn hạn. VN- Index đã tích luỹ gần 10 phiên liên tiếp dưới vùng kháng cự 1475 - 1480 điểm và cho thấy dấu hiệu hụt hơi trước mốc cản quan trọng này, do đó một nhịp điều chỉnh sâu sẽ là cơ hội để “thay máu” dòng tiền và thu hút lực cầu tham gia bắt đáy.

Mặc dù có thời điểm chỉ số đã đánh mất mốc hỗ trợ MA20, tuy nhiên VN-Index vẫn hồi phục tốt vào cuối phiên và tạo thành mẫu hình nến rút chân, điều này cho thấy lực cầu đứng ngoài vẫn rất dồi dào và sẵn sàng tham gia khi xuất hiện các cơ hội giải ngân giá rẻ.

Trước mắt, áp lực bán có thể sẽ duy trì trong một vài phiên đầu tuần tới, tuy nhiên thị trường cũng sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục xen kẽ. Nhìn chung, tôi đánh giá trạng thái tích luỹ hiện tại của chỉ số là điều khá cần thiết để tạo đà vượt qua vùng 1.500 điểm vào tháng 12 tới.

Phiên cuối tuần qua cũng đã phát tín hiệu cảnh báo dành cho các nhà đầu tư ưa thích các mã đầu cơ tăng nóng. Tuy nhiên, chừng nào lợi nhuận ở nhóm đầu cơ còn đủ hấp dẫn trên diện rộng thì dòng tiền vẫn ở đây và con sóng đầu cơ vẫn còn tiếp tục và luân chuyển vào/ra nhanh giữa các nhóm cổ phiếu có “game”. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động dòng tiền ở thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Những nhà đầu tư mới và kể cả rất nhiều nhà đầu tư kỳ cựu cũng không thoát khỏi cám dỗ giàu nhanh. Việc mua xong giá trị tài khoản tăng nhanh như tên lửa thì mọi yếu tố giá trị đều bị gác qua một bên.

Khi một xu hướng đã trở thành trào lưu bởi có phiên đến hàng trăm mã tăng trần thì dòng tiền chảy quá mạnh. Tuy nhiên, cái gì nó cũng có giới hạn của nó bởi nó đã biến thành trò chơi zero sum rồi.

Không có lý do nào đủ để thuyết phục nhà đầu tư giữ hàng khi cơn thoái trào đến, nhưng với nhiều nhà đầu tư thì lại đang tin rằng điều đó là trong thì tương lai.

Tôi tin là vẫn còn những “game” kiểu này bất chấp cú giảm mạnh vừa rồi. Nhưng điều tôi nghĩ đến là phiên 19/11 như tiếng chuông cảnh báo, và hệ quả sẽ đến trong thời gian tới. Dòng tiền này sẽ sớm dịch chuyển sang những cổ phiếu cơ bản, có nền tảng và đang giảm giá mạnh như thép, vật liệu xây dựng...

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền vào thị trường hiện vẫn rất dồi dào và đang ở trạng thái thăng hoa nhất kể từ giai đoạn 2007. Có khác là hiện tại số cổ phiếu niêm yết nhiều hơn và độ lớn thị trường cũng rất khác cách đây 10 năm.

Có thể thấy, không những nhà đầu tư mà còn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng chọn kênh chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận bù lại hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn trong năm vừa qua. Xem diễn biến giao dịch trong những tháng gần đây có thể thấy dòng tiền xoay vòng rất nhanh và với tỷ lệ margin cực cao đã đổ vào các nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và hàng loạt nhóm cổ phiếu penny.

Khi dòng tiền đã lên đến đỉnh điểm sẽ có lúc phải bùng nổ và hạ nhiệt. Tôi cho rằng, đây chưa phải là đỉnh cao nhất trong năm nay nhưng cũng là lúc nhà đầu tư cần cẩn trọng và tránh đẩy margin lên quá cao trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Nhiều cổ phiếu tăng nóng gần đây đều thuộc nhóm penny và smallcap và đây đã là xu hướng chủ yếu của nhịp tăng từ cuối tháng 7 tới hiện tại. Chỉ số VNSmallcap đã tăng 66% trong khi VNMidcap tăng 36% khi VN-Index chỉ tăng 16,3% và đặc biệt VN30 chỉ tăng 7,3% trong cùng thời kỳ.

Dòng tiền đầu cơ vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại nhiều cổ phiếu rủi ro nhưng sau nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ có thể phân bổ lại vào nhiều nhóm ngành cơ bản tại mức định giá hấp dẫn hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Nhiều cổ phiếu penny thực tế đã tăng quá nóng trong giai đoạn vừa rồi và ở tình trạng rất rủi ro nếu tâm lý đảo chiều. Mặc dù đã có một số tín hiệu vào phiên cuối tuần, tuy nhiên theo tôi cần quan sát thêm phiên đầu tuần để xác nhận.

Trường hợp thị trường tiếp tục xuất hiện các nhịp điều chỉnh thì khả năng cao áp lực bán chốt lời sẽ tập trung tại các nhóm cổ phiếu này. Đồng thời, dòng tiền sau khi thoát vị thế khỏi các mã này thì khả năng sẽ tìm đến các cổ phiếu trụ cột để tìm đến sự bền vững hơn, đây cũng là nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng hơn trong giai đoạn cuối năm.

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đã ghi nhận tăng rất mạnh kể từ đầu năm, đặc biệt sôi động hơn kể từ đầu tháng 11 đến nay, dựa trên những kỳ vọng tích cực từ thị trường. Dù đã có những rung lắc ở phiên cuối tuần nhưng giới đầu tư vẫn đặt nhiều mối quan tâm đến nhóm này. Liệu còn dư địa đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán trong giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

TTCK tăng mạnh, giá trị giao dịch luôn ở mức kỷ lục là cơ hội vàng với CTCK. Vì thế, việc các cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền là điều đương nhiên. Tuy nhiên, với góc nhìn của tôi, giá của nhiều cổ phiếu ngành này đang vượt xa kỳ vọng. Nhìn cổ phiếu VND, SSI tăng trần sau tin tăng vốn cho thấy nhà đầu tư hiện nay chỉ quan tâm tới tin tức hơn là giá trị.

Nó khá giống với thời điểm năm 2007, tôi nhớ khi đó cứ công ty nào tăng vốn là giá cổ phiếu tăng tít mù. Cuối cùng giá trị nhà đầu tư nhận lại là gì, câu trả lời là không có gì.

Với Kế hoạch tăng vốn của VND, SSI lên đến 12 ngàn tỷ đồng, lớn hơn cả nhiều Ngân hàng. Nếu thành công, họ sẽ có lợi thế về lâu dài trong TTCK còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, giá trị của CTCK thường phụ thuộc nhiều vào sức hấp dẫn của thị trường để kiếm lợi nhuận. Khi thị trường ảm đạm thì mức vốn lớn như vậy là áp lưc rất lớn với giá cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường chứng khoán năm nay gia tăng thanh khoản cực mạnh và tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước vì vậy nhóm công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn. Ngoài ra, dòng tiền về dài hạn sẽ ngày càng đổ vào thị trường nhiều hơn sẽ tạo bức tranh khả quan về mặt dài hạn với ngành chứng khoán và dĩ nhiên lợi nhuận công ty chứng khoán sẽ ngày càng tăng nhanh hơn.

Cổ phiếu chứng khoán dao động rất nhạy cảm theo biến động lên xuống của thị trường vì vậy không ngạc nhiên khi thị trường điều chỉnh thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sẽ nằm trong những nhóm ngành giảm mạnh nhất.

Tuy nhiên như tôi đã nói, ngành chứng khoán vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng mạnh, vì vậy các nhịp rung lắc vẫn là cơ hội tốt nhất để nắm giữ cổ phiếu ngành này.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Nhìn vào thanh khoản thị trường, lượng nhà đầu tư mở mới liên tục tăng cao sẽ tác động tích cực tới hoạt động môi giới. Kết quả tăng vốn thành công giúp nhiều công ty mở rộng quy mô cho vay margin. Thị trường liên tục lập đỉnh mới tạo lợi nhuận cho hoạt động tự doanh. Nhu cầu phát hành trái phiếu huy động vốn cũng như thực hiện ipo và niêm yết cũng tăng cao.

Chúng ta có thể thấy dư địa tăng trưởng của các công ty chứng khoán còn khá rộng, các nhịp điều chỉnh – tích luỹ là cơ hội gia tăng tỷ trọng tại những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn như chứng khoán.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục trong thời gian gần đây kết hợp với việc VN- Index nhìn chung về ở xu thế tăng điểm đã giúp triển vọng lợi nhuận đối với các công ty chứng khoán giai đoạn tới là rất sáng sủa.

Cá nhân tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu này vẫn còn dư địa để tăng giá trong giai đoạn tới, đặc biệt khi nhiều công ty chứng khoán cũng đang phát hành tăng vốn và là “câu chuyện” thịnh hành để giá cổ phiếu tăng điểm trong năm nay.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời có thể diễn ra và tiềm ẩn nhiều rủi ro đảo chiều trong ngắn hạn do mặt bằng giá hiện tại không phải là rẻ. Do vậy, bản thân tại nhóm này cũng sẽ phân hóa, nhà đầu tư cần thận trọng khi thực hiện giải ngân, nên tập trung vào những cổ phiếu của các CTCK đầu ngành, tránh việc đua lệnh ở các cổ phiếu nhỏ đã tăng nóng có thể dẫn đến việc “chôn vốn” hoặc phải cắt lỗ.

Thế còn cơ hội đối với cổ phiếu ngân hàng, nhóm được kỳ vọng “trợ lực” chính cho thị trường, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Cổ phiếu Ngân hàng kể từ tháng 6, 7 đến nay dường như bị nhà đầu tư bỏ quên. Nó đi ngang khá lâu và có thể sẽ là động lực cho thị trường trong nhịp tăng mới. Thị trường để có thể bứt lên vùng cao hơn nữa thì bank không thể thiếu trong cuộc chơi này. Tuy nhiên, lo ngại về rủi ro nợ xấu vẫn đeo bám nhà đầu tư nên giá cổ phiếu này khó tăng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn tạo sóng lớn đầu năm và hàng loạt ngân hàng tăng vốn thành công đã đi ngang thời gian khá lâu và gần như đứng ngoài thị trường trong giai đoạn tăng nóng vừa qua.

Thị giá chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã điều chỉnh 15% so với đỉnh cao. Với định giá trung bình P/Bv khoảng 1,8 như hiện tại thì nhiều ngân hàng vẫn còn khá hấp dẫn.

Sau giai đoạn tăng nóng của nhóm cổ phiếu đầu cơ và bất động sản, xây dựng thì sắp tới cổ phiếu ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nhịp thị trường. Sóng cổ phiếu ngân hàng có thể chưa trở lại sớm nhưng hiện đã có nhiều cổ phiếu ngân hàng đang trở nên hấp dẫn trở lại.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Hiện xu hướng đi ngang tích luỹ là chủ đạo trong nhóm Ngân hàng trừ một số cổ phiếu NHTM cổ phần tiềm năng, nhất là một số ngân hàng cỡ trung có hiệu suất sinh lời cao. Thị trường vẫn đang lo ngại về áp lực nợ xấu do Covid có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của Ngân hàng sau dịch. Chiến lược chính của nhóm này vẫn nên là canh mua tích luỹ tại vùng giá thấp cho việc nắm giữ trung dài hạn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Nhóm ngân hàng với mức vốn hoá lớn nhất thị trường đã đóng vai trò là một bệ đỡ quan trọng trong phiên cuối tuần và giúp chỉ số không giảm quá sâu. Tôi vẫn duy trì kỳ vọng các cổ phiếu ngành này sẽ quay trở lại dẫn dắt thị trường trong giai đoạn cuối năm. Nhóm cổ phiếu này cơ bản chưa tăng giá nhiều trong 3 tháng qua và áp lực chốt lời sẽ không lớn, tạo điểm tựa an toàn khi giải ngân.

Mặc dù vậy, cần lưu ý, đặc thù nhóm này để bứt phát thì sẽ cần một sự đồng thuận của thị trường đi kèm dòng tiền lớn tham gia, và tôi kỳ vọng các thông tin vĩ mô, chính sách sắp tới sẽ là chất xúc tác cần thiết.

Một số khuyến nghị cho rằng, đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể xem xét bán chốt lời một phần danh mục tại các phiên tăng điểm của thị trường. Vậy tỷ trọng danh mục ở mức bao nhiêu % cổ phiếu được xem là hợp lý trong giai đoạn này, theo các ông bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Ông Nguyễn Hữu Bình

Ông Nguyễn Hữu Bình

Tôi nghĩ mỗi người sẽ có kế hoạch, tham vọng riêng biệt để tự phân bổ. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất là nhiều nhà đầu tư tự phá vỡ kế hoạch, nguyên tắc của bản thân khi thị trường có diễn biến mới. Nhưng rủi ro nhất là nhiều nhà đầu tư mua thêm bằng margin, gia tăng tỷ lệ đòn bẩy lên mức rủi ro cao.

Khi thị trường sụt giảm, có những diễn biến không đoán trước nhà đầu tư lại bắt đáy và tự mình đưa vào mức rủi ro lớn. Vì thế, khi giảm thêm vài nhịp nữa họ bị áp lực cực lớn và bán hết. Điều hối tiếc là họ lại không đủ bản lĩnh để đón nhận nhịp hồi phục xuất hiện sau đó.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền nóng hiện vẫn còn ở lại thị trường và chưa sớm rút ra trong ngắn hạn. Sẽ còn vài đợt sóng xoay chuyển giữa các nhóm ngành vì vậy nhà đầu tư sẽ còn nhiều cơ hội. Dĩ nhiên, ở vùng giá hiện tại thị trường đã không rẻ khi PE trung bình thị trường đã vượt qua 22.

Việc giữ tỷ lệ margin ở mức an toàn là điều cần thiết hiện tại và tranh thủ chốt lãi một phần những danh mục đạt mục tiêu là điều nên làm. Nhà đầu tư nên giữ trạng thái cổ phiếu ở tỷ lệ cân bằng với tiền mặt để có thể hạn chế rủi ro và cũng là có cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ khi thị trường điều chỉnh.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Mức % hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro của nhà đầu tư. Như chúng tôi có nói, khả năng tăng trong dài hạn của thị trường vẫn cao và vì vậy nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để gia tăng tỷ trọng tại nhiều cổ phiếu tiềm năng.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu midcap có cơ bản tốt, tiềm năng tăng trường trong thời gian gần đây cũng đã tăng rất mạnh và có thể có biến động mạnh (điều chỉnh sâu trước khi hồi phục và quay trở lại xu hướng tăng trước đó).

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Như đã nhận định, áp lực bán chốt lời có thể sẽ tiếp diễn đối với các cổ phiếu có tính chất đầu cơ do đã tăng nóng trong giai đoạn trước, trước mắt đối với nhóm này thì nhà đầu tư có thể hạ dần tỷ trọng để bảo toàn thành quả cũng như hạn chế rủi ro đảo chiều mạnh.

Ngược lại, dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại nhóm bluechip cơ bản, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh, trong đó ưu tiên tại các ngành có câu chuyện tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư công, hóa chất, ngân hàng…

Tỷ trọng danh mục phù hợp sẽ khác nhau đối với khẩu vị rủi ro của từng người, bản thân tôi sẽ duy trì tỷ trọng 70% cổ phiếu – 30% tiền mặt trong giai đoạn này để tận dụng các nhịp trading phù hợp.

Tin bài liên quan