Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Thay đổi đột phá

Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Thay đổi đột phá

(ĐTCK) “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện" là một trong những nội dung tại buổi tọa đàm góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

“Sau gần 8 năm triển khai, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Doanh nghiệp năm 2005 vẫn còn các vướng mắc, bất cập. Vì vậy, việc mở rộng lấy ý kiến sẽ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo bước đột phá mới cho hoạt động kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại buổi tọa đàm góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.

Thay đổi đột phá

Đó là cụm từ được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dùng để bình luận về một nội dung mà ông cho là rất quan trọng trong lần sửa đổi này: “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) không ghi ngành nghề, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp: người thành lập doanh nghiệp tự ghi; mã hóa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, nếu cần”.

Theo ông Cung, quy định trên đã mở rộng quyền tự do hoạt động cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo nên 3 thay đổi lớn: thứ nhất, giảm áp lực, chi phí cho cơ quan đăng ký kinh doanh; thứ hai, giảm rủi ro về mặt pháp lý với doanh nghiệp, khi kinh doanh những ngành nghề không có trong đăng ký; thứ ba, giảm rủi ro thương mại, cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề ngoài đăng ký thì bị coi là phi pháp, nên nếu có tranh chấp, tòa án có quyền tuyên bố là giao dịch vô hiệu.

 “Hiện Ban soạn thảo đã liệt kê được 51 ngành nghề cấm kinh doanh và 334 ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, khi doanh nghiệp muốn hoạt động trong các ngành nghề trên thì phải tuân thủ việc đăng ký kinh doanh theo các quy định của ngành nghề đó”, ông Cung nói.

Đồng tình với quy định mới này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, nên bổ sung cơ chế hậu kiểm để kiểm tra xem doanh nghiệp có thực chất đi vào hoạt động hay không, tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để vi phạm pháp luật.

Ông Tuấn cho biết, theo khảo sát của VCCI mới đây, có đến 50 - 60% thời gian của cán bộ ở bộ phận đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và TP. HCM là làm công việc thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này vừa lãnh phí thời gian, vừa không đạt được hiệu quả trong quản lý.

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Đông lý giải quy định thông thoáng như kể trên là để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động, nhưng đồng thời đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải hoạt động hiệu quả hơn.

“Ban soạn thảo cũng đã soạn thảo song hành dự thảo Nghị định hướng dẫn, trong đó quy định doanh nghiệp sau 1 năm hoạt động phải có báo cáo đến cơ quan thuế hoặc cơ quan đã đăng ký kinh doanh, hai cơ quan này có mạng nối liên thông với nhau nên chúng tôi sẽ biết ngay doanh nghiệp hoạt động như thế nào”, ông Đông nói.

Lấn cấn bảo vệ cổ đông nhỏ

Theo ông Cung, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã thay đổi quy định về tỷ lệ để tổ chức thành công ĐHCĐ tại các doanh nghiệp đại chúng. Theo đó, giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định ĐHCĐ xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt”.

 “Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đại  chúng tổ chức thành công đại hội, tránh tốn kém chi phí tổ chức như trước đây, nhất là đối với các doanh nghiệp có lượng cổ đông lên đến hàng nghìn người”, ông Cung nhận xét.

Ủng hộ quy định này, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá cao Ban soạn thảo khi đưa kèm quy định, các NĐT nhỏ khi có được tỷ lệ cổ phần trên 1% sẽ được quyền khởi kiện các thành viên HĐQT hay Ban lãnh đạo doanh nghiệp ra tòa để đòi quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, các đại biểu lại “giật mình” khi ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban chỉ được tham gia góp ý dự án Luật Doanh nghiệp khi Bộ Tư pháp mời, sau đó mới “tá hỏa” vì có nhiều nội dung liên quan đến các doanh nghiệp đại chúng mà Ủy ban không biết.  Ngay sau khi có văn bản góp ý của Ủy ban, nhiều nội dung đã Ban soạn thảo Luật tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, về quy định giảm tỷ lệ tổ chức đại hội đồng cổ đông xuống 51%, ông Sơn kiến nghị bằng ý kiến cá nhân là nên giữ nguyên như quy định hiện hành.

“Bằng kinh nghiệm thực tế thời gian qua, tôi nhận thấy, tại một số doanh nghiệp có hiện tượng cố tình tổ chức không thành công ĐHCĐ để lần sau giảm tỷ lệ này xuống và đến lần thứ ba thì chỉ còn lại một nhóm cổ đông chiếm quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp”, ông Sơn nói.

Nhiều DN, luật sư kiến nghị Ban soạn thảo quy định rõ việc tách biệt đăng ký thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như: yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Bên cạnh đó, cần hài hòa hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thuế, lao động, bảo hiểm xã hội…    

------------------------------------------          

Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Thay đổi đột phá ảnh 1

Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương

“Cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”

Với tư cách là người đại biểu dân cử, đồng thời là lãnh đạo doanh nghiệp, tôi mong muốn Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này hạn chế tối đa những bất cập để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo ra cú hích cho nền kinh tế. CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương cùng với Báo Đầu tư tổ chức buổi Tọa đàm này nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận của đại diện doanh nghiệp, các tổ chức và các chuyên gia để góp ý cho Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sau buổi Tọa đàm này, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Báo Đầu tư để thực hiện Chuyên mục nội dung góp ý Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trên Báo Đầu tư và Báo Đầu tư điện tử, trong đó chúng tôi dự kiến thực hiện chuyên mục này trên Báo Đầu tư trong khoảng thời gian từ ngày 20/5/2014 đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII.

--------------------------------------

Góp ý Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Thay đổi đột phá ảnh 2

Luật sư Phạm Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội

“Hệ thống hóa các ngành nghề kinh doanh một cách chi tiết, cụ thể, phù hợp”

Tôi đề xuất, kiến nghị với Ban soạn thảo dự án Luật Doanh nghiệp một số vấn đề sau. Thứ nhất, hạn chế tối đa sự khác biệt giữa trình tự, thủ tục thành lập giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với NĐT trong nước và nước ngoài; giảm dần khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, quy định cụ thể cơ chế giám sát và chế tài xử lý đối với việc góp vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Thứ ba, hệ thống hóa các ngành nghề kinh doanh một cách chi tiết, cụ thể và phù hợp hơn với thực tiễn. Ví dụ: người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, còn việc áp mã ngành nghề kinh doanh đã đăng ký theo bảng hệ thống ngành nghề kinh tế là việc làm của cơ quan nhà nước có liên quan, theo yêu cầu quản lý nhà nước của từng cơ quan có thẩm quyền.

------------------------------------------

“Nên quy định, DN trên 50% vốn nước ngoài là NĐT nước ngoài”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI

Cần xóa bỏ phân biệt đối xử về thủ tục giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài tại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, chỉ duy trì các cơ chế đối xử khác biệt liên quan tới quyền kinh doanh được quy định theo các căn cứ hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và thực hiện bởi cơ quan quản lý chuyên ngành trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, xác định rõ khái niệm NĐT nước ngoài theo hướng: mọi chủ thể tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% là NĐT nước ngoài. Theo khái niệm này thì NĐT nước ngoài bao trùm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy, không cần phải xác định khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nữa.

Tin bài liên quan