Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hà Nội công khai số đường dây nóng hỗ trợ gói 26.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Để rút gọn thủ tục hành chính trong việc giải ngân gói 26.000 tỷ đồng nhanh chóng và triển khai gói hỗ trợ này của Chính phủ, thành phố Hà Nội công khai số điện thoại đường dây nóng (0243.834.4643).

Đường dây nóng đặc biệt có ý nghĩa khi giải đáp cho cán bộ cấp xã, phường, tổ dân phố về cụ thể từng trường hợp có được nhận hỗ trợ hay không. Đến nay, đường dây nóng tiếp nhận nhiều ý kiến thắc mắc về gói an sinh này, trong đó nhiều nhất là thủ tục hỗ trợ lao động tự do.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, hiện thành phố Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với kinh phí gần 150 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện được hơn 140 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố cho biết, công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vẫn đang được các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.

Để giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân, Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng (0243.834.4643), với nhiều nhánh, mỗi một nhánh sẽ phụ trách một nhóm đối tượng, thời gian làm việc từ 8h sáng đến 18h tối, hoạt động các ngày trong tuần.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, đến nay, đối tượng nhận hỗ trợ là lao động tự do thắc mắc nhiều về việc xác nhận tạm trú/thường trú của công an khu vực, giấy xác nhận không lấy hỗ trợ ở nơi thường trú hoặc ngược lại.

“Nhiều câu hỏi băn khoăn là tại sao phải lấy xác nhận nếu người ở tỉnh khác đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội thì phải có giấy xác nhận của nơi thường trú là không nhận chính sách này ở tại nơi thường trú và xin nhận ở nơi tạm trú? Tức là ở Hà Nội để tránh lợi dụng và trục lợi chính sách. Nhiều người băn khoăn là thủ tục này hơi rườm rà nhưng đây là thủ tục bắt buộc” - ông Dân nêu rõ.

Riêng đối với quy định này của thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng cho rằng, lao động tự do khó xin giấy xác nhận ở địa phương, nhất là trong giai đoạn Hà Nội đang thực hiện giãn cách, đi lại khó khăn. Dẫn chứng về Nghị quyết 42, do thủ tục giấy tờ đòi hỏi người dân phải về quê xin giấy xác nhận nên họ không mặn mà với chính sách này.

Bà Giang chia sẻ: “Đối với người lao động tự do, khó khăn nhất đối với họ là lấy giấy xác nhận ở địa phương, nơi có hộ khẩu thường trú. Thứ hai là việc đi lại trong thời gian giãn cách, bây giờ chính là lúc họ khó khăn nhất. Ở các vùng ven đê, rõ ràng chúng tôi thấy họ không còn tiền. Để sống nhờ những món tiền cứu trợ đấy thì sẽ không được bao nhiêu ngày, khi cách ly, giãn cách như thế này thì họ làm sao lấy được giấy xác nhận. Quan trọng nhất là làm thế nào chính sách đến được đúng người.

Tôi cho rằng có cách làm để chúng ta xem xét như: Nếu họ làm một cam kết với số chứng minh nhân dân của họ và cam kết nếu nhận hỗ trợ 2 lần sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

Để khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này một cách tốt hơn, thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất với UBND thành phố Hà Nội tinh thần là rút gọn thủ tục hành chính nhiều nhất để người lao động hưởng chính sách nhanh nhất. Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội đề xuất thành phố bổ sung hỗ trợ các nhóm đối tượng là người nghèo, người có công, đối tượng chính sách, giáo viên các trường tư thục…

Tin bài liên quan