Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy hành chính vào tháng 10

Hiện nay, TP. Hà Nội đã sắp xếp xong bộ máy hành chính của 10 Sở, giảm 21 trưởng phòng, 63 phó phòng, sẽ tiếp tục sắp xếp 12 Sở còn lại và ban quản lý dự án để dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2016.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, cải tạo chung cư cũ, khởi nghiệp… là những điểm nổi bật trong 11 vấn đề được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm rõ vào cuối phiên chất vấn chiều 2/8.

Có phương án đồng bộ về an toàn thực phẩm

Liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 6 tháng TP đã làm được 3 việc cơ bản, sắp xếp lại Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, quy việc quản lý về 1 đầu mối và thực hiện giải pháp đồng bộ.

Việc xây dựng đề án có lộ trình đồng bộ về an toàn thực phẩm phải trên tinh thần kiểm soát được toàn bộ xuất xứ của lương thực, thực phẩm khi đưa ra lưu thông trên thị trường, quá trình mua bán, sử dụng; kiểm soát được chất lượng, nâng cao được ý thức, đạo đức của người chăn nuôi, sản xuất…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Phải xây dựng đề án lộ trình đồng bộ thì mới kiểm soát được an toàn thực phẩm, nếu không sẽ chết yểu như những giải pháp đã đưa ra trước đây”.

Trong lộ trình này, thành phố sẽ trang bị hệ thống kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm và triển khai đồng bộ.

Giải bài toán chung cư cũ

Liên quan đến  vấn đề cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, vấn đề này đã được Chính phủ đặt ra 18 năm nay. Hà Nội có tổng cộng 1.697 chung cư cũ, trong đó, hơn 200 chung cư của các bộ, ban, ngành đã được bán cho người dân.

“Tuy nhiên, trong 15 năm, Hà Nội mới cải tạo được 14 tòa chung cư, chiếm chưa tới 1%. Đây là một vấn đề gây bức xúc cho người dân”, ông Nguyễn Đức Chung nhận định.

Hiện UBND TP đang triển khai công tác cải tạo chung cư theo tinh thần hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Để giải bài toán chung cư cũ, TP sẽ kêu gọi các nhà đầu tư lớn, đầu tư cả khu vực một, bên cạnh đó quy hoạch phải theo quy hoạch cả khu nhà chứ không chỉ từng tòa nhà riêng lẻ. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế đặc thù để tính tuổi các khu chung cư.

"Lãnh đạo TP thực sự rất “run” khi người dân ở trong các khu chung cư cũ nát, chẳng may có vấn đề trong trường hợp xảy ra thiên tai, địch họa thì hậu quả rất khó lường”, ông Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Thành phố không lấy tiêu chí mức độ nguy hiểm của tòa nhà mà cần tính tuổi của tòa nhà, tính đến “hạn sử dụng” của chung cư. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến các chuyên gia trong công tác cải tạo các khu chung cư cũ nhằm tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội.

Cụ thể, TP sẽ họp kỹ lưỡng lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhà khoa học, chuyên gia về kinh tế và sẽ tham khảo mô hình cải tạo chung cư cũ trên thế giới để giải bài toán tạo được sự đồng thuận của người dân tốt nhất, tạo ra bộ mặt đô thị mới

Xây dựng mô hình vườn ươm doanh nghiệp

Hà Nội hiện có 120.000 DN đang hoạt động, 76.000 DN không hoạt động. 5 năm tới với mục tiêu xây dựng 200.000 DN thì sẽ phát triển ở đâu?

Thường trực Thành uỷ đang đặt hàng Viện Kinh tế, xây dựng mô hình "vườn ươm doanh nghiệp". UBND TP cũng đang nghiên cứu xây dựng nhiều mô hình trên tinh thần kế thừa những gì tốt đẹp trên thế giới nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tháng 9 tới thành phố sẽ tiến hành hội thảo vườn ươm khởi nghiệp cho doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều trung tâm IT lớn của thế giới, nhiều đơn vị tư vấn tham dự

Muốn như vậy, phải tạo môi trường cho các doanh nghiệp hoạt động, TP đã kết nối tất cả các ngân hàng, thực hiện cam kết hỗ trợ cho DN; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho các ý tưởng mới. Các chương trình thực hiện phải bảo đảm chắc chắn nên thành phố đang nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra mô hình thực sự hiệu quả.

Hiện thành phố có 130.000 hộ kinh doanh cá thể và 3.000 hợp tác xã. Nếu họ được hỗ trợ về dịch vụ, đào tạo, về vốn, kỹ thuật và điều kiện kinh doanh thì sẽ trở thành các DN. Chỉ cần 50% trong số này thành công thì Hà Nội sẽ có 70.000 DN.

Thực hiện đồng bộ cải cách hành chính

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để CCHC, trong đó, lấy công nghệ thông tin là công cụ chính để thực hiện, chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ công chức, viên chức và rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, trên cơ sở đo đê giảm bớt các thủ tục hành chính.

Đến nay, thành phố đã sắp xếp được 10 sở, giảm 21 các phòng, 24 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 21 trưởng phòng, 63 phó phòng. Tiếp theo sẽ sắp xếp 12 sở còn lại và 70 ban quản lý dự án của UBND TP.

Đến tháng 10/2016, khi toàn bộ việc sắp xếp hoàn thành sẽ giảm 37 phòng, trong đó giảm 18 trưởng phòng, 83 phó trưởng phòng ở 34 đơn vị sự nghiệp và 35 ban quản lý dự án. Quá trình sắp xếp phải làm thận trọng, tỉ mỉ, hài hoà giữa lợi ích nhà nước, lợi ích người lao động và tính chất công việc để không gây xáo trộn.

Thành phố đã có 19 nội dung công việc được tiến hành hoàn toàn trên môi trường mạng. Mới đây nhất, thành phố tiến hành toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại quận Nam Từ Liêm và Long Biên. Vào ngày 10/8 tới sẽ triển khai tại 144 phường còn lại của các quận và ngày 1/10 triển khai tất cả các phường còn lại. TP Hà Nội đưa ra 3 lộ trình để phù hợp với việc đào tạo lại cán bộ công chức các phường và tích hợp phần mềm của thành phố với các bộ, ban ngành Trung ương, bảo đảm liên thông về mặt thủ tục và cơ sở dữ liệu.

Đẩy nhanh cung cấp nước sạch nông thôn

Liên quan đến cung cấp nước sạch nông thôn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, dự án 40.000 bể nước lọc cho người dân nông thôn trong những năm qua chưa hiệu quả, trước tiên đây là trách nhiệm của UBND Thành phố.

Hiện nay, Thành phố đang hợp tác với đối tác nước ngoài và tiến hành thí điểm tại các hộ gia đình ở Phú Xuyên. Chỉ trong một ngày đã lắp đặt công nghệ Nano cho 60 hộ, nước sạch có thể uống ngay tại vòi. Tất cả các mẫu nước đã được gửi phân tích. Cuối tháng 8, Thành phố sẽ triển khai đại trà mô hình này.

Tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai, với công nghệ mới của Đức, chỉ cần 6-7 triệu đồng/hộ là đã có nước sạch. Còn các dự án của ADB trong những năm qua thì tốn tới 46 triệu đồng/hộ, nhưng với dự án này thì chi phí rất thấp, đảm bảo nước sạch.

Thành phố đang quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới cấp nước cho người dân, lắp đặt mạch vòng và mạch song song để tránh tình trạng vỡ đường ống và đảm bảo cấp nước cho người dân trong mọi tình huống.

Trước mắt thực hiện 3 mô hình tại khu vực nông thôn: Tận dụng giếng nước người dân đang dùng, tận dụng mô hình cấp nước cho nhóm hộ và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch. Về nguồn nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ không sử dụng nước giếng khoan mà dùng nước mặt sông Đà.

Riêng tại Sóc Sơn, Thành phố đã gặp 15 doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư. Hà Nội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt công nghệ, đảm bảo cung cấp nguồn vốn cho doanh nghiệp qua ngân hàng, kết nối với công ty nhựa Tiền Phong để lắp đường ống, mạng lưới phân phối nước. Thành phố sẽ hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án, sẵn sàng tạo điều kiện cho các DN theo cơ chế vừa thiết kế vừa thi công.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cam kết đến quý 4/2016 sẽ cung cấp 100.000 m3 nước/ngày đêm cho các địa phương như: Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phú Xuyên...

Tin bài liên quan