Hà Nội mở thêm hàng loạt điểm bán, “chắp cánh’ cho sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
Để “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã và đang mở thêm hàng loạt điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại quận Hai Bà Trưng.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại quận Hai Bà Trưng.

Phát triển thêm 15 - 20 điểm bán sản phẩm OCOP

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm), trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Để các sản phẩm OCOP nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, theo kế hoạch trong năm 2022, Hà Nội sẽ phát triển 15 - 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, diễn ra trong 5 ngày, từ 7/10 - 11/10, tại Trung tâm thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (Khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội nhằm tích cực hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước.

Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã và đang rốt ráo phối hợp với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố mở thêm các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Gần đây nhất, ngày 15/10, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai và UBND huyện Thường Tín tổ chức khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn hai huyện.

Ngày 10/10, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Thanh Oai được khai trương tại cửa hàng số 545 Quốc lộ 21B (thôn Thanh Lương, xã Bích Hòa) trưng bày sản phẩm OCOP của huyện như: Bánh cuốn Thanh Lương, Gạo Tam Hưng, giò, chả, rau củ… và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thanh Oai quảng bá đến người tiêu dùng.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP huyện Thường Tín được khai trương tại HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân) với gần 100 sản phẩm OCOP của 13 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất với các sản phẩm rau củ quả, thịt lợn, sản phẩm qua sơ chế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc nhằm giới thiệu quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng, du khách đến với du lịch xã Hồng Vân. Đây cũng là điểm OCOP thứ 2 trên địa bàn huyện Thường Tín.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, hiện, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã xây dựng, phát triển 57 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng công tác phát triển sản phẩm, phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng như các chương trình xúc tiến thương mại, qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tương tự, Phó Chủ tịch huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, Thường Tín là một trong những địa phương đi đầu Thành phố về số lượng sản phẩm, với 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng….

“Trong thời gian tới, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về Điểm giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, sẽ phát triển thêm các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện qua đó tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, thu hút khách du lịch”, ông Bùi Công Thản chia sẻ.

Trước đó, ngày 4/10, Sở Công Thương Hà Nội đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thứba trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

UBND quận Hai Bà Trưng đã hỗ trợ các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP khai thác trên 100 sản phẩm OCOP của 50 doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, qua đó góp phần đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn nữa với người tiêu dùng Thủ đô.

Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa những sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho hay, hiện sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức khi khái niệm về OCOP còn mới lạ với người dân. Để người dân tin tưởng sản phẩm để sử dụng cần có sự chung tay của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất truyền thông sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, với trên 1.649 sản phẩm của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Trong đó, sản phẩm OCOP ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, chiếm 65%, là những sản phẩm chất lượng, giá cả phù hợp đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã phát triển 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, du khách đến với Thủ đô.

Trước đó, ngày 1/10, Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với UBND quận Đống Đa khai trương 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Việc ngành Công Thương Hà Nội liên tiếp mở rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản, sản phẩm OCOP, thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Tin bài liên quan