Hà Nội thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm du lịch OCOP

Từ năm 2022 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các huyện trên địa bàn Thành phố tổ chức 23 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho khoảng 5.250 người.
Từ năm 2022 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các huyện trên địa bàn TP tổ chức 23 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho khoảng 5.250 người.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các huyện trên địa bàn TP tổ chức 23 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho khoảng 5.250 người.

Đây là một trong những hoạt động của Sở Du lịch Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm du lịch OCOP và triển khai hiệu quả Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội.

Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển nhóm sản phẩm du lịch OCOP

Tại Hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Thanh Oai năm 2023, do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức ngày 3/10, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước và được gọi là “Đất trăm nghề”, với 1.350 làng nghề, trong đó có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.

TP. Hà Nội đã công nhận 321 làng nghề (trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và 273 làng được công nhận danh hiệu làng nghề) với 6 nhóm nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 68 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề;

Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.

Cũng theo Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các Quyết định: Số 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP. Hà Nội đến năm 2020; Số 1356/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP. Hà Nội đến năm 2025.

Kết quả, từ năm 2019 đến nay TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 2.167 sản phẩm OCOP (chiếm 19% của cả nước), gồm 6 sản phẩm 5 sao; 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.369 sản phẩm 4 sao; 780 sản phẩm 3 sao.

Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.

Trong đó, từ năm 2022, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao là Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, huyện Gia Lâm và Điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín.

Du lịch cộng đồng, điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được đề cập tới tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là nhóm sản phẩm Hà Nội có tiềm năng lớn.

Bởi trên địa bàn TP có nhiều làng nghề truyền thống, điểm đến hấp dẫn ở khu vực nông thôn, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch. Mỗi điểm đến, làng nghề này lại có những sản phẩm quà tặng đặc trưng, với chất lượng đã được người tiêu dùng biết đến, đánh giá cao.

TP. Hà Nội đã công nhận 318 làng nghề.

TP. Hà Nội đã công nhận 318 làng nghề.

Chú trọng nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho người dân

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND TP. Hà Nội về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội, hoạt động du lịch nông thôn có nhiều khởi sắc, bước đầu ghi được dấu ấn gắn với kết quả trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, TP. Hà Nội đã công nhận 5 điểm du lịch cấp thành phố ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa, các làng nghề, nông sản tiêu biểu..., nhiều địa phương đã khai thác để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả.

Nhiều điểm đến hấp dẫn, thú vị, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất; vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Thọ…; vùng trồng cây ăn quả huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm; vùng trồng hoa tập trung ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín;

Cùng với đó còn có mô hình trồng nho hạ đen kết hợp với du lịch sinh thái, rau hữu cơ, nấm Nghĩa Minh, bưởi tôm vàng huyện Đan Phượng; Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Phúc Thọ… góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình du lịch nông nghiệp, một số huyện, thị trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân đầu tư, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như: huyện Chương Mỹ đã hình thành các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống tại xã Phú Nghĩa, Trường Yên; huyện Đan Phượng xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp gắn kết với xây dựng nông thôn kết hợp với du lịch sinh thái (mô hình HTX rau hữu cơ Cuối Quý, mô hình HTX nấm Nghĩa Minh, mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ VietGAP…).

Huyện Ba Vì thu hút phát triển nhiều điểm du lịch nhà vườn, homestay, du lịch nông nghiệp tại các xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, điển hình như: mô hình du lịch nông nghiệp Trang trại Đồng Quê, Hợp tác xã cổ phần nông trại xanh.

Huyện Quốc Oai hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Đông Xuân xây dựng mô hình Hợp tác xã du lịch…

Hà Nội đang hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái gắn với du lịch, giáo dục, cung cấp các tiện ích: ăn uống, nghỉ dưỡng, khám phá, mua nông sản; cảnh quan, môi trường đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc giúp cho du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống nhà nông, gần gũi với thiên nhiên, các mô hình du lịch nông nghiệp đã đem lại nhiều giá trị tích cực như tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ nghề nông nghiệp truyền thống và sản xuất sản vật có giá trị của địa phương.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nhằm phát huy thế mạnh và tiềm năng, điều kiện của từng vùng, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm mới lạ, độc đáo trên cơ sở tập trung vào thế mạnh của địa phương. Đồng thời, chú trọng khai thác và phát triển nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, làng nghề, nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, giáo dục tại các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Sóc Sơn, Sơn Tây....

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến gắn với sản phẩm làng nghề truyền thống, năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các huyện trên địa bàn TP tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn cho khoảng 2.000 người; năm 2023 đã tổ chức 13 lớp tập huấn cho khoảng 3.250 người.

Sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm du lịch OCOP

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Việc phát huy lợi thế tài nguyên du lịch ở nông thôn để phát triển các sản phẩm chủ lực góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch nông thôn còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao, chưa phát huy tốt lợi thế để phục vụ phát triển du lịch nông thôn; tỷ lệ khách đến các làng nghề so với khách du lịch của cả TP nhỏ; doanh thu chủ yếu vẫn là từ việc bán các sản phẩm thủ công, chi tiêu của khách du lịch rất thấp cho các dịch vụ du lịch; chưa tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội thực sự cạnh tranh…

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng tốc hơn nữa, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì tham mưu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ giải pháp Chương trình, Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và TP. Rà soát và bổ sung nội dung về phát triển du lịch nông thôn vào các quy hoạch đã có như: phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia...

Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP; Nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội phục vụ công tác quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới. Nghiên cứu, xây dựng khung hướng dẫn chung phục vụ cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở chỉ đạo thực hiện, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện các kế hoạch hành động.

Đồng thời, tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…

Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch đã được TP. Hà Nội xác định là một trong những mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp.

Giai đoạn 2023 – 2025, Hà Nội ưu tiên phát triển những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Trong định hướng chung đó, sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được Hà Nội quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Mục tiêu Chương trình OCOP Hà Nội đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp;

TP. Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Tin bài liên quan