Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM xuống thành phố biển Phan Thiết. Ảnh: Lê Toàn

Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ TP.HCM xuống thành phố biển Phan Thiết. Ảnh: Lê Toàn

Hạ tầng liên vùng, “sợi chỉ đỏ” kết nối cung cầu bất động sản du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù vẫn trong giai đoạn thấp điểm do tâm lý e ngại dịch bệnh, song nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng cao cùng sự bứt phá mạnh mẽ của hạ tầng liên vùng như là “sợi chỉ đỏ” kết nối cung cầu bất động sản du lịch.

Khởi động guồng quay mới

Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng khu vực phía Nam đã và đang được triển khai mạnh mẽ như sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết, cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết… và sắp tới là loạt công trình khác sẽ được khởi công như cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, tuyến đường biển Vũng Tàu - Bình Thuận - Lagi, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Giầu Dây - Liên Khương… cho thấy, chiến lược tăng tốc đô thị hóa, đặc biệt là các đô thị ven biển của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy nhanh chóng.

Sự phát triển mạnh của hạ tầng giao thông dần mở ra cơ hội mới cho ngành công nghiệp không khói vốn đình đốn hơn 1 năm qua vì đại dịch Covid-19 và có lẽ nhận diện được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chi hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án bất động sản du lịch dọc theo các địa phương có địa lý gắn biển.

Chẳng hạn, cuối tháng 4/2021, Nam Group chính thức cho ra mắt phân khu The Song - là phân khu thành phần trong tổng thể Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Với quy mô 120 ha, được khởi công từ cuối năm 2020, tổ hợp này hiện được tăng tốc đầu tư, hứa hẹn trở thành một trong những dự án góp phần thay đổi diện mạo khu vực này.

Cũng tại Bình Thuận, một dự án nghỉ dưỡng biển khác là Mũi Né Summerland Resort - tổ hợp giải trí theo mô hình Lasvegas, Macau có quy mô 31,5 ha của Hưng Lộc Phát Corp cũng được đẩy mạnh đầu tư, nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là phải kể đến dự án NovaWorld Phan Thiet với quy mô 1.000 ha của NovaGroup, được ví như một đại công trường với hàng ngàn ngôi nhà, công trình tiện ích, nhà hàng, khách sạn, sân golf… đang dần hoàn thiện và từng bước đưa vào vận hành. Theo ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch NovaGroup, với tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD với cả ngàn tiện ích, Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng và thể thao biển NovaWorld Phan Thiet sẽ làm thay đổi diện mạo của vùng đất du lịch nổi tiếng Bình Thuận.

Dự án NovaWorld Phan Thiet thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm. Ảnh: Lê Toàn

Dự án NovaWorld Phan Thiet thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm.

Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ Bình Thuận, nhiều vùng đất dọc theo duyên hải miền Trung cũng đang được các “đại gia” địa ốc bơm vốn nhằm đầu tư những dự án nghỉ dưỡng biến mới cũng như khởi động lại những dự án cũ. Đơn cử, tại phía Bắc bán đảo Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, chừng 5 năm trước hàng loạt dự án còn trùm mền, thì nay đồng loạt khởi động lại với sự có mặt của hầu hết các “ông lớn” như Vingroup, Phát Đạt, Golf Long Thành… Tại Bình Định, Tập đoàn Hưng Thịnh đang đẩy mạnh triển khai Khu đô thị Hải Giang, dự kiến sẽ công bố ra thị trường trong tháng 6 tới, hay Liên doanh Phát Đạt và Danh Khôi đang xây dựng hàng chục block căn hộ tại vùng biển Nhơn Hội…

Đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày một lớn

Chịu sự dồn nén trong suốt hơn một năm qua, bước sang năm 2021, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu nghỉ dưỡng đã gia tăng nhanh chóng. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 năm nay, hầu hết các điểm lưu trú du lịch từ các tỉnh miền Trung đến các tỉnh phía Nam đều “cháy” phòng.

Theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Danh Việt Group, với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đã, đang và chuẩn bị được triển khai, hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng đang trong giai đoạn rực rỡ nhất trong 10 năm qua.

“Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính mạnh tham gia phát triển các dự án nghỉ dưỡng biển quy mô lớn, bài bản cho thấy, cuộc chơi của bất động sản du lịch bây giờ mới thực sự bắt đầu”, ông Hiển nói.

Theo phân tích của giới chuyên gia, nếu như năm 10 năm trước đây, bất động sản nghỉ dưỡng được biết đến như là một loại hình bất động sản xa xỉ, chỉ dành cho giới “lắm tiền nhiều của”, thì nay “khẩu vị” thị trường đã thay đổi, nhu cầu nghỉ dưỡng trở thành món ăn tinh thần không thể thể thiếu của đại đa số người dân.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tỷ lệ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam từ mức 13% dân số vào năm 2016 đã tăng lên 15% vào năm 2020, tương đương gần 15 triệu người, bằng dân số của 2 “con hổ” Đông Á là Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) cộng lại, dự báo tăng lên 25% vào năm 2026 và hơn 50% vào năm 2045, tức tương đương dân số Hàn Quốc.

Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, số lượng triệu phú và tầng lớp siêu giàu cũng tăng cao. Theo báo cáo Wealth-X, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu tăng nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua. Tổ chức Knight Prank (2019) cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng của những cá nhân vô cùng giàu có (UHNWIS) với số tài sản đầu tư ròng ít nhất từ 30 triệu USD trở lên ở Việt Nam có thể đạt 31% trong giai đoạn 2018-2023.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu sẽ là một động lực làm thay đổi cấu trúc nhu cầu, tiêu dùng của xã hội và một trong số những xu hướng chủ đạo là người dân sẽ đi du lịch ngày một nhiều hơn.

“Ở góc độ khác, khi thu nhập tăng lên, nhu cầu sở hữu đa tài sản, đặc biệt là bất động sản, chẳng hạn như căn nhà thứ hai (second home), cũng sẽ tăng lên. Second home thường được lựa chọn ở những khu du lịch trên núi, ven biển, sông, hồ, được người mua dùng để ở, nghỉ dưỡng vào một thời điểm trong năm, cũng có thể là một tài sản tích lũy trong dài hạn khi nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư”, ông Tuấn phân tích.

Tin bài liên quan