Phát triển hạ tầng xanh là xu hướng mà TP.HCM cần hướng tới để giảm ngập lụt.

Phát triển hạ tầng xanh là xu hướng mà TP.HCM cần hướng tới để giảm ngập lụt.

Hạ tầng xanh, hướng đi thích hợp với TP.HCM

(ĐTCK) Tác động của đô thị hóa, thách thức của biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững của đô thị. Chính vì vậy, đầu tư hạ tầng xanh ở các đô thị đang là xu hướng trên thế giới và Việt Nam.

Sự cần thiết của hạ tầng xanh

Theo nhận định của giới chuyên gia, hiện nay, TP.HCM cùng với các thành phố lớn khác trên cả nước như Hà Nội, Huế, Cần Thơ… đang đối mặt với hiện tượng ngập lụt dưới tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Đồng thời với đó là sự tác động của đô thị hóa trong quá trình phát triển đô thị, cũng như các thiên tai và các tác động tự nhiên và xã hội khác.

Trước thực trạng đó, từ nhiều năm nay, các dự án cải tạo môi trường tại TP.HCM đã và đang được thực thi như: Dự án kênh Ba Bò, xây dựng hồ sinh học xử lý nước, dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết hợp cải tạo môi trường nước và cảnh quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án ngăn triều chống ngập thực hiện từ tháng 6/2016 (dự kiến hoán thành tháng 6/2019) xây dựng 6 cống kiểm soát triều, 3 trạm bơm, một tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuận đến sông Kinh…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS.KTS. Nguyễn Cẩm Dương Ly, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cho rằng, đa phần các dự án cải tạo hạ tầng tại TP.HCM đến nay đều sử dụng các biện pháp tác động vào “cảnh quan cứng” với việc xây dựng các bờ kè sông, kênh rạch, các mép bờ kênh rạch, các cống ngăn triều, các tuyến đê bao bê tông…, góp phần to lớn vào việc ứng phó với các tác đông bất lợi của môi trường trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, song song với giải pháp, cần xem xét đến yếu tố sinh thái cảnh quan lâu dài của đô thị. Trong đó, theo nhận định của các chuyên gia, các giải pháp “mềm” sử dụng cây xanh và mảng xanh để phát triển môi trường đô thị mang tính bền vững cần được ưu tiên.

Mặc khác, do điều kiện địa chất và tác động của quá trình đô thị hóa đang làm cho đất nền khu vực TP.HCM mỗi năm bị lún 1 - 2 cm, trong khi đó, nước triều cường hàng năm tăng cao bất thường, đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 63% diện tích có cao trình dưới mức 1,5 m, thậm chí một số khu vực chỉ đạt 0,6 - 0,9 m.

Những con kênh, rạch ô nhiễm đang được TP.HCM cải tạo 

Điều này có nghĩa, trời không mưa, nhưng triều cường chỉ cần dâng cao vượt mức 1,5 m là 60% diện tích TP.HCM đối mặt với vấn đề ngập úng.

Ngoài ra, việc phát triển nhanh quỹ đất xây dựng đô thị khiến cho môi trường đô thị bị ảnh hưởng không nhỏ, đơn cử như quỹ đất phục vụ nông nghiệp, các làng nghề truyền thống, đất cây xanh, đấp ngập nước bị thu hẹp.

Trước thực trạng đó, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PGS.TS.KTS. Lê Văn Thương, Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cho biết, một trong những xu hướng quy hoạch và thiết kế kiến trúc cảnh quan đã và đang được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới là xu hướng hạ tầng xanh (green infrastructure), hay mạng lưới kết nối không gian xanh tự nhiên và nhân tạo.

Xu hướng này nhằm vào các giải pháp môi trường chống ngập lụt, ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học, đảm bảo tính bền vững, tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực, tạo lập các không gian mở cộng đồng có giá trị cảnh quan, giảm thiểu tối đa các tác động của con người đối với môi trường.

Đây là xu hướng xuất hiện đầu tiên tại Mỹ từ những năm 2000. Dù là nước có nguồn tài nguyên đất đai phong phú, nhưng quỹ đất cho đô thị tại Mỹ tăng gấp 4 lần trong 50 năm qua (từ những năm 1950 đến đầu những năm 2000).

Tính ưu Việt của hạ tầng xanh

Theo ông Gery Egon, chuyên gia quy hoạch cảnh quan người Pháp, người đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong các đồ án quy hoạch ở quốc tế và Việt Nam với vai trò tư vấn về cảnh quan, hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố xanh được bảo tồn, tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các hệ lụy tiêu cực của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận “xây dựng cùng thiên nhiên”. Nghĩa là đảm bảo sự hài hòa, không đối kháng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, tăng cường các giá trị của tự nhiên.

Một số thành tố thiên nhiên có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ quan trọng cho con người, như bảo vệ họ khỏi lũ lụt hoặc khí hậu khắc nghiệt, hoặc giúp nâng cao chất lượng không khí, đất và nước. Khi các thành tố thiên nhiên được khai thác bởi con người và được sử dụng một cách hệ thống, được gọi là “hạ tầng xanh”.

Theo nhận định của các chuyên gia, hạ tầng xanh xuất hiện ở tất cả các quy mô. Xu hướng phát triển này mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ của cộng đồng dân cư, đồng hành với lợi ích môi sinh thông qua giải quyết tốt hạ tầng xanh trong bối cảnh đô thị hóa.

Sông, suối, ao hồ, rừng đô thị, đất ngập nước, nông nghiệp đô thị, vườn đô thị... có thể tồn tại dưới dạng những đặc trưng tự nhiên trong thành phố, hoặc được thêm vào môi trường đô thị như một phiên bản nhân tạo.

Các phát triển đô thị trên các bờ biển cũng có thể sử dụng các đặc điểm thiên nhiên vốn có như một phần của thiết kế không gian. Ngay cả cảng, bến bãi và các phần mở rộng khác của môi trường đô thị cũng có thể được cấy yếu tố hạ tầng xanh để thu được lợi ích liên quan đến môi trường biển.

Các thành phần chính của cách tiếp cận này bao gồm quản lý nước mưa, thích ứng khí hậu, giảm nhiệt, đa dạng sinh học, sản xuất lương thực, sản xuất năng lượng, chất lượng không khí, nước sạch, đất lành mạnh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng nơi chốn.

Theo nhận định của PGS.TS.KTS. Lê Văn Thương, xu hướng hạ tầng xanh nhằm phục vụ chiến lược phát triển thông minh (smart growth) và bảo tồn thông minh (smart conservation).

Sử dụng phương pháp vẽ bản đồ các hệ thống tự nhiên (khu vực ao hồ, đầm lầy, tuyến sông, kênh rạch, vùng trũng thấp và các khu bảo tồn sinh thái…), giúp cộng đồng xác định các khu vực không nên xây dựng, do đó giảm các thiệt hại về tác động môi trường.

Các hạ tầng xanh đô thị gồm các công viên và vườn công cộng, hành lang xanh (dọc các dòng sông, đường lưu thông chính), đường đô thị, các khu thể dục thể thao, vườn tư nhân, hoặc bán tư nhân, bao gồm các không gian xung quanh các khu căn hộ, sân sau, ban công, vườn mái, vườn trồng trọt cộng đồng, mái và tường xanh, các quảng trường, không gian tự nhiên, gồm các công viên quốc gia, khu bảo tồn, các khu dự trữ tự nhiên, đầm lầy ngập nước, các khu tiện ích (mỏ, cảng, khu sản xuất, đất dự trữ), đất nông nghiệp (trang trại, vườn trồng trọt cộng đồng…).

“Các khu hạ tầng xanh đem lại các giá trị về môi trường, sinh thái (cung cấp diện tích đô thị, cải thiện chất lượng môi trường, vì khí hậu, giảm đảo nhiệt đô thị, bảo vệ đất đai, tăng bề mặt thẩm thấu và giữ nước, chống ngập, giảm tác động môi trường do không sử dụng hóa chất, phục hồi các khu vực ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học), giá trị về sức khỏe cộng đồng (về thể chất, tinh thần, trí óc…), giá trị văn hóa, thẩm mỹ (văn hóa, di sản, cộng đồng…), giá trị kinh tế (thương mại, du lịch, bất động sản, đầu tư xây dựng, dịch vụ sinh thái, không gian xanh, rừng đô thị, không gian mở, kiến trúc - mái xanh…) cho đô thị”, ông Thương cho biết thêm.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Nguyên Minh, đại diện Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ của Úc (CSIRO) cho biết, hạ tầng xanh giúp khắc phục được nhiều vấn đề đang tồn tại trên thực tế của một đô thị ở Việt Nam.

Cụ thể, hạ tầng xanh sẽ tạo ra các giá trị cảnh quan, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo đa dạng sinh học, phát triển kinh tế… Đơn cử, về mặt đa dạng sinh học, đối với một số thành phố như TP.HCM hay Cần Thơ, ngày càng ít chim chóc, trong khi ngày xưa có rất nhiều.

Theo ông Minh, tính toán của CSIRO cho biết, đối với Úc, nếu hạ tầng xanh đẩy mạnh hơn nữa, thì có thể giảm sử dụng năng lượng đến 20% và giảm nhiệt độ 2 - 8 độ C tùy nơi và thời điểm.

Một điểm đặc biệt khác, theo ông Minh, phát triển hạ tầng xanh sẽ giúp tăng giá trị của đô thị như giá nhà cửa, đất đai sẽ tăng; thu hút được đầu tư, du lịch và cả thương mại.

“Ở những nơi có mảng xanh, người dân thích đến đó hơn. Chẳng hạn, ở Úc có một số nghiên cứu cho thấy, người ta sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua sắm ở những nơi có nhiều cây xanh”, ông Minh cho biết thêm.

Ở góc độ khác, ông Trần Văn Giải Phóng, đại diện tổ chức ISET Việt Nam cũng cho rằng, khi nói đến hạ tầng xanh đô thị, thì không chỉ là trồng cây xanh diện tích bao nhiêu, mà phải kết hợp với các giải pháp công trình như thế nào đó để vừa đóng góp giảm áp lực ô nhiễm môi trường nước, vừa giảm áp lực dòng chảy mặt để giảm ngập lụt, vừa chống được sạt lở.

Tin bài liên quan