Hạ trần lãi suất, huy động chưa phản ứng

Hạ trần lãi suất, huy động chưa phản ứng

(ĐTCK) So với những lần trước, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm thêm 1%/năm trần lãi suất huy động trong ngày 1/4, theo nhiều ngân hàng, hầu như không khiến lượng tiền gửi giảm theo, bởi các kênh đầu tư khác vẫn trong giai đoạn lình xình.

Hạ trần lãi suất, huy động chưa phản ứng  ảnh 1

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, cho biết, trần lãi suất huy động liên tục được cắt giảm trong thời gian gần đây và hiện chỉ còn 12%/năm, song hoạt động huy động tiền gửi của DongA Bank vẫn diễn ra bình thường, dù lượng tiền huy động được không tăng nhiều so với trước đây. Trong 3 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng huy động vốn của DongA Bank đạt 4% so với cuối năm trước, trong khi mức tăng trưởng tín dụng là 3%.

Trước đây, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi cũng có chiều hướng giảm theo. Nhưng trong các lần điều chỉnh trần lãi suất huy động gần đây của NHNN, tốc độ huy động vẫn tương đối ổn định. “Điều này cho thấy, tâm lý của người dân đã ổn định hơn trước; thanh khoản của các ngân hàng hiện đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây”, ông Bình nói.

Chia sẻ về việc thực hiện giảm lãi suất huy động, một lãnh đạo của ABBank cho biết, việc NHNN giảm trần lãi suất về mức 12%/năm không bất ngờ, nó nằm trong lộ trình của NHNN nhằm đưa lãi suất về mức hợp lý, đồng thời đưa thị trường về trạng thái ổn định. Tuy lãi suất huy động giảm, nhưng theo nhiều nhà băng, tiền huy động từ dân cư và tổ chức không biến động lớn.

“Điều này có được một phần do các khách hàng của ngân hàng đã nhận ra rằng, hiện tại, ngân hàng vẫn là một nơi vừa an toàn, vừa giúp sinh lời cho khoản tiền nhàn rỗi của họ”, đại diện một ngân hàng nói.

Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Ngọc Đệ, Phó tổng giám đốc VietA Bank. Ông Đệ cho biết thêm, sau hơn 2 tháng triển khai chương trình huy động dự thưởng, VietA Bank đã thu hút được nhiều khách hàng đến gửi tiền, với tổng số tiền huy động được là 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, theo ông Đệ, hoạt động huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn không dễ dàng hơn, lượng tiền huy động được không giảm nhưng cũng không tăng đáng kể.

Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tính đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế tăng 1,44% so với cuối năm trước; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các NHTM trong gần 3 tháng đầu năm nay cũng chỉ tăng 1,56%. Trong khi đó, tín dụng đối với nền kinh tế đã giảm liên tục trong 3 tháng liền. Tính đến ngày 20/3, dư nợ tín dụng đã giảm 2,13% so với cuối năm 2011.

Từ 11/4, các ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, với mức tối đa là 12%/năm. Bên cạnh những ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất tối đa cho các kỳ hạn như Sacombank, Vietcombank, biểu lãi suất tại một số nhà băng đã bắt đầu phân hóa, nhiều khoản tiền huy động đã có lãi suất thấp hơn mức trần.

Chẳng hạn, tại TrustBank, mức lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên chỉ tối đa là 11%/năm. Tại DongA Bank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 13 - 36 tháng chỉ còn 10%/năm. Trong khi đó, ACB áp dụng mức lãi suất tối đa cho kỳ hạn 12 và 13 tháng, từ 1 - 9 tháng là 11,88%/năm. Tương tự, Eximbank trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 11 tháng là 11,95%/năm.

Trần lãi suất huy động được dự báo sẽ tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm trong thời gian tới. Theo nhận định từ các thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tốc độ giảm trần lãi suất ít nhất là 1% mỗi quý. TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, khả năng kiểm soát lạm phát ở mức kỳ vọng 9% trong năm nay của Việt Nam là hoàn toàn có thể. Vì thế, lãi suất sẽ có xu hướng giảm dần trên cơ sở lạm phát được kiểm soát. Theo TS Lịch, lãi suất huy động khả năng chỉ còn 10 – 11%/năm vào cuối năm. Tuy nhiên, với mức này, người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương, vì lạm phát cả năm dự báo là 9%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 tiếp tục giảm bất chấp sự điều chỉnh tăng 10% của giá xăng dầu. CPI tháng 3/2012 cả nước chỉ tăng 0,16% so với tháng 2/2012, rất thấp so với tốc độ tăng của tháng 3/2011 (2,17%) và tháng 3/2010 (0,75%). Điều này cho thấy, các dự báo về xu hướng giảm dần của lãi suất trong thời gian tới là có cơ sở, góp phần giảm áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thùy Vinh