Habeco (BHN): Nỗ lực đạt kế hoạch năm 2023 ở mức cao nhất

Habeco (BHN): Nỗ lực đạt kế hoạch năm 2023 ở mức cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán BHN: HOSE) đã tập trung quản lý và sử dụng hiệu quả chi phí sản xuất để cải thiện biên lợi nhuận, quản lý tốt dòng tiền giúp duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh.

Kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sụt giảm

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.632 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 376,5 tỷ đồng, giảm 32,7%. Riêng quý III/2023, doanh thu hợp nhất của Habeco đạt 2.298,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 142,4 tỷ đồng, giảm 7,1% về doanh thu và giảm 47,8% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2022.

Sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia - rượu nói chung, Habeco nói riêng tiếp tục phải đối diện với hàng loạt khó khăn suốt từ đầu năm đến nay, từ nhu cầu tiêu dùng thấp do tình hình khó khăn của nền kinh tế, áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt đến các chi phí sản xuất kinh doanh như bao bì, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển... ở mức cao và biến động thất thường.

Cụ thể về tình hình thị trường, mặc dù mặt bằng lãi suất, lạm phát trong nước có xu hướng giảm trở lại từ đầu quý II/2023, nhưng chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước bị suy giảm, nhất là các nhóm ngành hướng về xuất khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng đã tác động tiêu cực đến sức cầu với các mặt hàng tiêu dùng, trong đó, các tiêu dùng không thiết yếu như bia-rượu bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2023, sản lượng bia sản xuất cả nước chỉ đạt 1.198,3 triệu lít, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng năm 2023 đạt 3.411 triệu lít, tăng 0,02%, ghi nhận mức tăng trưởng thấp chỉ sau giai đoạn chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Tại Habeco, sản lượng sản xuất sau 9 tháng đạt 379,5 triệu lít, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức cầu yếu cũng khiến áp lực cạnh tranh trong ngành gay gắt hơn, các đối thủ cạnh tranh lớn liên tục tung ra các chương trình giảm giá bán, khuyến mãi để giải phóng tồn kho và Habeco cũng không thể đứng ngoài xu hướng đó. Dù doanh thu sụt giảm, chi phí bán hàng của Tổng công ty trong quý III/2023 tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu lên đến 17,1%, cao nhất nhiều quý gần đây.

Ở phía đầu vào, giá nhiều loại nguyên vật liệu giá malt, gạo, đường,… duy trì ở mức cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất, như giá đường trong nước và thế giới hiện đang giao dịch ở mức cao nhất 10 năm trở lại đây. Việc nhiều loại nguyên vật liệu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khiến bức tranh sản xuất-kinh doanh thêm phần khó khăn hơn tỷ giá đồng VND so với đồng USD tăng mạnh trong quý III vừa qua.

Nỗ lực cải thiện biên lợi nhuận, quản lý dòng tiền

Giữa bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn, những nỗ lực quản lý và sử dụng hiệu quả chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả mua nguyên vật liệu và quản lý hàng tồn kho đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kết quả kinh doanh của Tổng công ty giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Trong riêng quý III/2023, biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 25,65%, tăng mạnh so với 2 quý đầu năm và ghi nhận mức biên lợi nhuận gộp cao nhất trong 4 quý gần nhất.

Công tác quản lý dòng tiền cũng đạt được những kết quả tích cực với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh duy trì thặng dư 489 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư cho hoạt động sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị duy trì sản xuất mà còn góp phần làm gia tăng số dư tiền tích lũy.

Tính đến 30/09/2023, quy mô tổng tài sản hợp nhất của Habeco đạt 7.559,8 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Trong đó, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn lên đến 3.974,8 tỷ đồng, tăng 490,8 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 52,5% cơ cấu tài sản của Tổng Công ty.

Ở cơ cấu nguồn vốn, Tổng nghĩa vụ nợ phải trả đến 30/09/2023 chỉ 1.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25%. Trong đó, số dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn rất thấp với 27 tỷ đồng, giảm 72% so với đầu năm. Tổng công ty tiếp tục không có các khoản vay dài hạn.

Cấu trúc tài chính lành mạnh, nhiều tiền, ít nợ vay tiếp tục là điểm tựa của Habeco để vượt qua bối cảnh còn có nhiều khó khăn của môi trường kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Tổng công ty với đóng góp chủ yếu từ lãi tiền gửi lên đến 156,8 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 42,9% vào tổng số lợi nhuận trước thuế hợp nhất thu về.

Tin bài liên quan