Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Ảnh: Hồng Phong

Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Ảnh: Hồng Phong

Hải Phòng quyết giữ vững vị thế và nâng tầm ảnh hưởng

0:00 / 0:00
0:00
Hải Phòng là một trong 3 thành phố lớn nhất cả nước, sau Hà Nội và TP.HCM. Qua nhiều thăng trầm, do khách quan có, chủ quan cũng nhiều, có lúc Hải Phòng mờ nhạt đi vị thế đó.

Phát triển vượt bậc

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, mở ra một thời kỳ phát triển mới. Đó không chỉ là nhận định của người đứng đầu Thành phố, mà còn là nhận xét của mọi người dân Hải Phòng.

Cụ thể, Thành phố đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm kỳ, có những chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc. Trong 20 chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ, đã có 12/20 hoàn thành vượt mức, 7/12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức mục tiêu giao từ 1-3 năm. Hải Phòng đã tạo dấu ấn trong công tác thu ngân sách, chỉ trong 2 năm đã hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đề ra cho tới năm 2020 và trong 5 năm thu đạt 120.698 tỷ đồng, gấp 2,65 lần giai đoạn 2011-2015. Điều này đã tạo đà cho mọi hoạt động trong sự phát triển của thành phố.

Hải Phòng luôn xác định, giao thông vận tải là ưu thế vượt trội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hệ thống giao thông có vai trò trọng yếu trong phát triển không chỉ của thành phố cảng, mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Đây cũng chính là một trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định trong Nghị quyết Đại hội XI, XII và XIII.

“Thành phố xác định, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không chỉ riêng cho Hải Phòng, mà cần sự kết nối, tạo sự phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong cả vùng và quốc gia”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã từng nói.

Hải Phòng đã và đang có sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như LG, Bridgestone, AEON, Vingroup, Sungroup, Geleximco... với các dự án quy mô lớn tầm cỡ quốc gia và khu vực trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục... LG đã chọn Hải Phòng để đặt tổ hợp sản xuất lớn nhất của mình với số vốn 6 tỷ USD. Đặc biệt, VinFast cũng đã đầu tư 4 tỷ USD vào Hải Phòng để sản xuất ô tô và xe máy, hiện thực hóa giấc mơ công nghiệp ô tô và ghi tên Việt Nam vào bản đồ sản xuất ô tô thế giới, nâng lên một tầm cao mới cho thương hiệu quốc gia.

Hạ tầng giao thông Hải Phòng có bước phát triển đột phá mạnh mẽ, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại và văn minh. Từ năm 2016 trở lại đây, Hải Phòng đã huy động tổng nguồn lực tới gần 44.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gấp hơn 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và gần 50 cây cầu lớn nhỏ đã được xây dựng. Hàng chục bến phà, đò đã được thay thế bằng cầu cứng, hiện đại; 118 tuyến đường nội đô được trải nhựa asphalt phẳng phiu. Các nút giao thông trọng yếu đã được đầu tư cải tạo mở rộng hoặc xây cầu vượt như: nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ, Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh - Võ Nguyên Giáp, Nam Cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ...

Khu vực đô thị trung tâm thành phố đã được chỉnh trang, nâng cấp, chuyển biến nhanh theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng như Vinhomes Imperia của Tập đoàn Vingroup, các khu đô thị của Tập đoàn Hoàng Huy, khu đô thị ven sông Lạch Tray của Tập đoàn Agape, một số khách sạn 5 sao, Trung tâm thương mại AeonMall. Các công trình phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng, xây dựng mới một số bệnh viện, trường học; cải tạo, mở rộng sông Tam Bạc; hoàn thiện chỉnh trang toàn bộ dải trung tâm thành phố và một số công viên cây xanh...

Cùng với giao thông đường bộ, hệ thống cảng biển, đường sông và hàng không cũng không ngừng được hiện đại hóa. Từ tháng 5/2018, hoàn thành hai bến khởi động cảng container quốc tế tại Lạch Huyện, mở ra các tuyến vận tải biển trực tiếp xuyên Thái Bình Dương tới Canada và Bờ Tây nước Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng biển nước khác. Sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế cấp 4E, bảo đảm khai thác được máy bay hiện đại cỡ lớn và đang khai thác nhiều đường bay quốc tế và trong nước.

Các tuyến hành lang đường thủy nối Hải Phòng với các địa phương Hà Nội - Hải Dương - Quảng Ninh - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình đang được cải tạo. Tuyến đường sắt khổ rộng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng đang được nghiên cứu xây dựng. Mạng lưới giao thông giữa Hải Phòng với các tỉnh lân cận đang được hoàn thiện, tạo điều kiện cho liên kết, hợp tác và kết nối vùng phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, hơn 40.000 tỷ đồng từ các nguồn lực khác nhau đã được dùng để xây dựng nông thôn mới (NTM) và toàn bộ 139 xã của Hải Phòng đã về đích NTM trước 1 năm so với mục tiêu. Năm 2020, Thành phố tiếp tục chi 1.000 tỷ đồng để triển khai thí điểm mô hình NTM kiểu mẫu tại 8 xã thuộc 7 huyện. Thành công từ chương trình xây dựng NTM đã tạo nên sự chuyển biến căn bản về hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và điều kiện lao động sản xuất, đời sống của người dân khu vực nông thôn. Năm 2021, Thành phố sẽ chi 2.500 tỷ đồng để xây dựng 14 xã NTM kiểu mẫu để tới năm 2025, Hải Phòng có 100% số xã trên địa bàn đạt NTM kiểu mẫu. Xây dựng các tiêu chí NTM kiểu mẫu tiệm cận với đô thị hiện đại với nguồn lực tới hơn 30.000 tỷ đồng...

Đồng thuận ý Đảng - lòng dân

Chỉ trong khoảng chục năm, diện mạo đô thị, nông thôn của Hải Phòng thay đổi tới chóng mặt, tạo nên hình ảnh thành phố cảng hoàn toàn đổi khác, thực sự bứt phá, gây ngỡ ngàng, cảm phục trong bạn bè bốn phương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá, Hải Phòng đã khẳng định được vị thế thành phố cảng quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Hải Phòng đã định vị được hình ảnh, vai trò và uy tín ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế. Thành phố đã vượt qua giai đoạn “trầm lắng”, lan tỏa không khí mới với những đột phá mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, mang lại dấu ấn về sự năng động phát triển toàn diện của thành phố lớn thứ 3 cả nước.

Nghị quyết 45/2019-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những định hướng phát triển và mục tiêu rõ ràng, đó là cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2025; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước, hướng tới là thành phố hàng đầu châu Á trong tương lai gần.

Những mục tiêu này đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo, chuyển hóa và cụ thể hóa vào Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố. Cùng với 3 trụ cột phát triển mà Hải Phòng đã xác định là công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại.

Để đạt được mục tiêu, Hải Phòng xác định các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều ở mức cao. Trong đó các chỉ tiêu về kinh tế là: Đến năm 2025, tăng trưởng GRDP đạt bình quân 14,5%/năm; tỷ trọng GRDP của Hải Phòng chiếm 6,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đạt 11.800 USD/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35 tỷ USD; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Hải Phòng đạt 300 triệu tấn...

Cụ thể hóa mục tiêu trên, đầu năm 2021, Hải Phòng đã có những chủ trương, quyết sách vô cùng mạnh mẽ và đầy quyết tâm như: xây dựng hơn 100 cây cầu mới với tổng vốn 38.000 tỷ đồng; hoàn thành các tuyến đường vành đai 2, 3; các tuyến đường giao thông kết nối; xây dựng các khu chung cư mới; xây dựng mỗi phường 1 công viên cây xanh; hoàn thành 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021; Hải Phòng phấn đấu xây dựng phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế và Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, sẽ đón và phục vụ 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,7 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2025...

Cùng với hai bến số 3 và 4 đã khởi động, Hải Phòng tập trung định hướng đầu tư xây dựng từ 6 - 8 bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; hoàn thành xây dựng nhà ga số 2 và khu vực logistics hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Xây mới các cầu: Nguyễn Trãi, Vũ Yên, cầu Rào 3; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển; đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương...

Chưa bao giờ TP. Hải Phòng lại hội đủ hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài tới đầu tư như trong giai đoạn vừa qua. Tổng vốn đầu tư 5 năm lên tới 564.295 tỷ đồng, gấp 3 lần nhiệm kỳ trước. Quan trọng hơn, đó là cơ cấu vốn này đã được chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 508.150 tỷ đồng, gấp 3,67 lần so 5 năm trước đó, cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng được cải cách mạnh mẽ và hiệu quả. Vốn FDI đăng ký đạt 9,41 tỷ USD, gấp 1,23 lần nhiệm kỳ trước.

Tin bài liên quan