Các hãng hàng không đang tăng cường chuyến bay cả trong và ngoài nước.

Các hãng hàng không đang tăng cường chuyến bay cả trong và ngoài nước.

Hàng không, du lịch vào mùa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu hàng không và du lịch gần đây thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi mùa vụ kinh doanh cuối năm đang tới gần, đặc biệt là triển vọng từ thị trường trọng điểm Trung Quốc.

Hàng không tăng chuyến bay

Nhu cầu đi lại dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nên hàng loạt hãng hàng không mới đây công bố tăng thêm chuyến bay nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển bằng máy bay của người dân.

Trong đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) tăng thêm 224.000 chỗ (tương ứng tăng thêm hơn 1.500 chuyến bay) trong dịp cao điểm Tết từ 6/1/2023 đến 5/2/2023.

Vietravel Airlines thì tăng tần suất chặng bay chính TP.HCM - Hà Nội lên 3 chuyến khứ hồi/ngày (tăng 200%), tạo thêm sự lựa chọn cho hành khách về khung giờ bay và giá vé. Hãng đang làm việc với các cơ quan chức năng để tăng tần suất khai thác các chặng bay khác.

Vietravel Airlines cho biết, với các đường bay nội địa, đặc biệt từ TP.HCM đi các địa phương trong giai đoạn Tết Nguyên đán 2023, doanh nghiệp đã bán hết 100% số chỗ được mở cho chặng bay TP.HCM - Hà Nội và TP.HCM - Quy Nhơn, các chặng bay chính còn lại bán được 60%.

Ngoài yếu tố mùa vụ của thị trường trong nước, ngành hàng không cũng đang ghi nhận những tín hiệu lạc quan từ các đường bay quốc tế. Đặc biệt, Trung Quốc vừa nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên Vietnam Airlines mở lại một số đường bay giữa Việt Nam với thị trường trọng điểm này. Chuyến bay VN 502 khởi hành từ TP.HCM đi Quảng Châu ngày 9/12 vừa qua đánh dấu chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần 3 năm tạm dừng vì đại dịch. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sự hứng khởi của nhà đầu tư đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, giúp giá tăng trần trong 2 phiên giao dịch ngày 9 và 12/12, rồi tăng thêm 4 phiên sau đó, đến ngày 16/12 tăng tổng cộng 43%.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines nối lại 3 đường bay đến Trung Quốc: TP.HCM và Quảng Châu, Hà Nội và Thượng Hải, TP.HCM và Thượng Hải, với tần suất 1 - 2 chuyến/tuần.

Với việc nối lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết các điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch.

Trước đó, ngày 6/12, Bamboo Airways thực hiện 2 chuyến bay thẳng đầu tiên từ Hà Nội đi Thiên Tân (Trung Quốc). Theo ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc cấp cao khối thương mại Bamboo Airways, đây sẽ là bước tạo đà quan trọng để hãng tiến tới khai thác các đường bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.

Các hãng hàng không cũng nỗ lực mở rộng thị trường như Vietravel Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Bangkok kể từ ngày 16/12, khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân giữa Việt Nam và Thái Lan gia tăng.

Dòng tiền dần quay lại

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Vì thế, khi Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng chống dịch, khách du lịch từ thị trường này đến Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phục hồi cho cả ngành hàng không và du lịch, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn.

Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng chống dịch, khách du lịch từ thị trường này đến Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phục hồi cho ngành hàng không và du lịch.

Các địa danh mà khách du lịch Trung Quốc thường yêu thích và lui tới nhiều nhất khi đến Việt Nam là Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng…

Lộ trình mở cửa và phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn là một biến số, nhưng việc mở cửa trở lại đường bay tới một số thành phố của Trung Quốc được đánh giá sẽ là cú huých cho ngành du lịch Việt Nam.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2021, người Trung Quốc chiếm đến 29,5% tổng lượng khách du lịch sang Việt Nam hàng năm. Trong đó, năm 2020 - 2021, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm lần lượt 34,1% và 43,5%. Điều này cho thấy, khách du lịch Trung Quốc đóng góp phần lớn vào hoạt động kinh doanh du lịch, ăn uống ở Việt Nam.

Riêng 9 tháng đầu năm 2022, khi Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid, đóng cửa biên giới, số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sụt giảm, chỉ chiếm 3% trong tổng lượng khách du lịch (tỷ lệ này trong giai đoạn 2015 - 2021 đạt trung bình 29,9%).

Với sự trở lại của dòng tiền từ khách du lịch quốc tế, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn được kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2023.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng 14% trong năm 2023. Trong đó, ngành hàng không sẽ ghi nhận lợi nhuận nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế.

Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 của Vietnam Airlines đang là con số âm, một phần do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Lợi nhuận của Vietravel

Airlines và Bamboo Airways cũng trong tình trạng tương tự. Kết quả kinh doanh của VietJet Air khả quan hơn khi lợi nhuận là con số dương.

Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát từ 3/11/2021 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2021 là số âm. Trong báo cáo đầu tháng 11/2022 về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền để phê duyệt.

Theo đề án, năm 2022, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất. Hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và Vietnam Airlines đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực du lịch, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel) có lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm âm 107,5 tỷ đồng, do ghi nhận lỗ gần 162 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết (nhất là Vietravel Airlines).

Tuy nhiên, ngày 12/12/2022, Vietravel thông báo, Công ty đã chi 500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn. Đó là mã trái phiếu VTRH2123001, trị giá 500 tỷ đồng, phát hành ngày 21/12/2021, kỳ hạn 24 tháng.

Trước đó, Vietravel chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, do đây là đơn vị lữ hành có quy mô và phạm vi hoạt động rộng, có mặt hầu hết tại các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch. Do vậy, cuối tháng 12/2021, Vietravel đã huy động 500 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn lực tài chính, chuẩn bị khôi phục hoạt động kinh doanh.

Sau khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ 15/3/2022, hoạt động kinh doanh du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, tour giá trị cao được khách hàng ưu tiên lựa chọn và du khách có xu hướng đặt tour từ rất sớm trước ngày khởi hành đã tạo ra nguồn thu đáng kể cho Vietravel, giúp Công ty chủ động điều phối dòng tiền, qua đó gia tăng khả năng thanh toán cho các khoản vay, bao gồm trái phiếu.

Vietravel chia sẻ, doanh nghiệp tự tin bước vào năm 2023 với kế hoạch kinh doanh đề ra ngang bằng hoặc cao hơn kết quả đạt được năm 2019.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, sau quãng thời gian thua lỗ nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, các hãng hàng không trên thế giới sẽ có lãi trở lại từ năm 2023.

Cụ thể, các hãng hàng không có thể thu về 4,7 tỷ USD lợi nhuận ròng trong năm 2023, đánh dấu năm có lãi đầu tiên kể từ năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Lưu lượng hành khách được dự báo sẽ đạt 4,2 tỷ lượt, bằng 85,5% năm 2019.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ngành hàng không vẫn đang phải đối mặt rủi ro biến động giá nhiên liệu, tỷ giá và lãi suất tăng. Hiện nay, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng là 10%/năm đối với kỳ hạn dài, đẩy lãi suất cho vay tăng lên 14 - 15%/năm. Bên cạnh đó, kinh tế suy thoái ở một số nước, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, việc chi cho tiêu dùng, du lịch hạn chế hơn.

Một cựu giám đốc hãng hàng không British Airway cảnh báo, không ít hãng hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm tới, do các quy định mới về xuất nhập cảnh, chi phí gia tăng, chính sách của các chính phủ không nhất quán, thuế, phí cơ sở hạ tầng có thể tăng…

Tin bài liên quan