Hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới trong năm, thị trường đảo chiều ngoạn mục

Hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới trong năm, thị trường đảo chiều ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử, lực cầu sôi động đã tiếp sức giúp nhiều cổ phiếu xác lập vùng đỉnh mới trong năm và chỉ số VN-Index đảo chiều thành công.

Phiên giao dịch sáng diễn ra không mấy thuận lợi khi VN-Index nỗ lực kéo qua vùng giá 1.130 điểm bất thành đã “đổ đèo” và giảm khá mạnh. Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm đã phát huy khá tốt vai trò nâng đỡ thị trường, giúp chỉ số chung dễ dàng bật hồi ngay khi tiệm cận vùng giá này.

Thị trường khép lại phiên giao dịch sáng không quá tiêu cực, dù sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện tử với số mã giảm gấp tới 4-5 lần số mã tăng, nhưng chỉ số VN-Index chỉ giảm hơn 5 điểm với thanh khoản cao nhất so với các phiên giao dịch sáng của nửa đầu năm 2023.

Diễn biến cuối phiên sáng đã phần nào giúp nhà đầu tư tích cực hơn khi bước sang phiên giao dịch chiều. Chỉ số VN-Index dần nhích bước và đã đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công trong ít phút trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và sau đó tiếp tục nới nhẹ đà tăng điểm.

Nhóm cổ phiếu bluechip là nhân tố hỗ trợ chính của thị trường khi đóng cửa, nhóm VN30 có tới 18 mã tăng, gấp hơn 2 lần số mã giảm (8 mã) trong bối cảnh thị trường chung vẫn có tới 258 mã giảm, lớn hơn nhiều so với con số 165 mã tăng.

Trong đó, các mã tăng tốt là MWG tăng 3,4%, GVR tăng 3,2% lên mức giá cao nhất ngày 19.600 đồng/CP, NVL tăng 2,8%... Đáng chú ý vẫn là VNM, dù có thời điểm rung lắc và đảo chiều giảm nhưng cổ phiếu này đã hồi phục thành công và tiếp tục có thêm phiên tăng khá tốt. Đóng cửa, VNM tăng 2,2% và đứng tại vùng giá cao nhất trong ngày 70.600 đồng/CP. Đồng thời, sau phiên kỷ lục cuối tuần trước khi khớp gần 12 triệu đơn vị, cổ phiếu lớn VNM tiếp tục giữ nhiệt sôi động với thanh khoản phiên hôm nay đạt 10,74 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là cùng diễn biến “quay xe” của thị trường chung, nhiều cổ phiếu đã xác lập mức giá cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023. Điển hình là hàng loạt mã trong nhóm bất động sản như KBC, VCG, DIG, GVR…

Cụ thể như DIG tăng 1,3% lên mức giá 23.100 đồng/CP, là mức cao nhất từ thời điểm cuối tháng 10/2022 đến nay, đồng thời thanh khoản cũng thuộc top 5 phiên cao nhất trong nửa đầu năm 2023 khi khớp lệnh gần 36,67 triệu đơn vị.

Hay như KBC, đóng cửa tăng tới 3,4% lên mức giá cao nhất ngày 30.000 đồng/CP, gấp hơn 2 lần so với thời điểm giữa tháng 11/2022 và cũng là mức giá cao nhất trong khoảng 9 tháng qua, từ giữa tháng 9/2022 đến nay.

Các mã khác như PDR, CII, VCG, HHV cũng đều đóng cửa trong sắc xanh với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 10 triệu đơn vị. Cổ phiếu NVL không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng đóng cửa vẫn tăng tốt, đạt 2,8% lên mức 14.900 đồng/CP, cùng thanh khoản lên tới hơn 50 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, một số mã nóng trong nhóm bất động sản vẫn không thoát khỏi áp lực bán mạnh, điển hình là QCG ngắt đà hồi phục và đóng cửa giảm sàn về mức 10.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 0,42 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn thuộc top giảm khá mạnh của thị trường dù biên độ giảm đã thu hẹp. Trong đó, cổ phiếu VIX thoát nằm sàn nhờ lực cầu tăng mạnh trong đợt khớp lệnh ATC và đóng cửa giảm 5,7% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 68,55 triệu đơn vị.

Các mã khác như VND giảm 1,8% và khớp 33,58 triệu đơn vị, SSI chỉ còn giảm nhẹ 0,8% với khối lượng khớp hơn 17,38 triệu đơn vị… Ngoại trừ bộ đôi AGR và CTS ngược dòng thành công, đóng cửa lần lượt tăng 0,33% và 3,69%.

Xét về nhóm ngành, có thể nói dòng bank là điểm tựa chính giúp thị trường quay xe thành công với sự hồi phục nhẹ của anh cả VCB, cùng các mã khác lấy lại đà tăng như ACB và TCB cùng tăng hơn 1%, VPB, HDB, OCB tăng nhẹ, các mã CTG, MBB, VIB, BID lấy lại mốc tham chiếu.

Trong đó, ACB tăng tốt nhất ngành với biên độ tăng 1,6% lên mức giá 22.250 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong nửa đầu năm 2023 (theo giá đã điều chỉnh). Đồng thời, thanh khoản cũng sôi động với hơn 11,78 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Chốt phiên, sàn HOSE có 165 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index tăng 2,65 điểm (+0,23%), lên 1.132,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,04 tỷ đơn vị, giá trị 20.376 tỷ đồng, tăng 14,75% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 23/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 85,38 triệu đơn vị, giá trị 2.069,1 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp đà giảm nhờ sự hồi phục của nhiều cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 59 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,23%) xuống 231,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 114,65 triệu đơn vị, giá trị 1.920 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,4 triệu đơn vị, giá trị 151,6 tỷ đồng.

Một số mã trong nhóm HNX30 giao dịch khởi sắc hơn cùng thanh khoản sôi động như TAR tăng 3,1% lên mức 16.600 đồng/CP và khớp lệnh 3,25 triệu đơn vị, PVS tăng 2,5% lên mức 32.600 đồng/CP và khớp 6,52 triệu đơn vị, IDC tăng 2,1% lên 44.100 đồng/CP và khớp 5,27 triệu đơn vị, cùng các mã NTP, VCS, BCC tăng nhẹ.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu đáng chú ý là C69 có phiên bùng nổ khi có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 6,5% lên mức 9.800 đồng/CP với thanh khoản sôi động đạt 1,17 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX vẫn không thoát khỏi đà giảm chung, với SHS giảm nhẹ 0,7% xuống 13.700 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 33,19 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS giảm 1%, VIG giảm 4,8%, BVS giảm 0,8%...

Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu họ apec là IDJ, API và APS vẫn trong trạng thái dư bán sàn chất đống.

Trên UPCoM, thị trường cũng chưa tìm lại được sắc xanh dù đà giảm đã được thu hẹp.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,13%) xuống 85,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,65 triệu đơn vị, giá trị 806,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,13 triệu đơn vị, giá trị 266,26 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 8,86 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên đứng giá tham chiếu 17.500 đồng/CP.

Các cổ phiếu giao dịch sôi động tiếp theo đó là SBS, QTP, C4G, VHG, LMH, AAS đều giảm hoặc đứng giá tham chiếu, với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Cổ phiếu VGI vẫn duy trì đà tăng tốt khi đóng cửa tăng 4,7% lên mức giá 24.600 đồng/CP và thanh khoản đạt 1,93 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2307 tăng 3,9 điểm, tương đương +0,3% xuống 1.123 điểm, khớp lệnh đạt gần 217.310 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 50.150 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CSTB2225 vẫn khớp lệnh cao nhất, đạt 2,65triệu đơn vị và kết phiên giảm 1,5% xuống 5.280 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2302 với 1,65 triệu đơn vị và tăng 6,7% lên 320 đồng/cq.

Tin bài liên quan