Sóng cổ phiếu địa ốc: “Vui thôi, đừng vui quá”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít cổ phiếu bất động sản vừa có nhịp tăng giá khá mạnh, mang lại mức sinh lời tốt, nhưng nhà đầu tư được cảnh báo, “vui thôi, đừng vui quá”.

Cặp cổ phiếu NVL và PDR tăng giá với thanh khoản cao trong 2 tuần qua được cho là tín hiệu của dòng tiền đầu cơ nhập cuộc mạnh mẽ.

Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tăng giá dù có áp lực bán giải chấp luôn “lơ lửng” nhằm thu tiền cho vay giao dịch ký quỹ (margin) từ các công ty chứng khoán.

Một số thông tin bán giải chấp cổ phiếu NVL gần đây là từ ngày 6 - 13/6/2023, Công ty cổ phần Diamond Properties bị công ty chứng khoán bán ra gần 3 triệu cổ phiếu, giảm lượng sở hữu xuống hơn 194,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 9,95%). Diamond Properties là công ty do ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Ngày 1/6/2023, ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer bị công ty chứng khoán bán giải chấp 16,26 triệu cổ phiếu NVL.

Trong tuần qua, cổ phiếu NVL được giao dịch quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, thay cho ngưỡng 14.000 đồng/cổ phiếu ở tuần trước đó và ngưỡng 13.000 đồng/cổ phiếu trong tuần cuối tháng 5/2023.

Novaland lỗ lớn trong quý đầu năm 2023, nhưng thông tin tích cực là doanh nghiệp đang tái khởi động các dự án, cộng thêm thông tin Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm lãi suất điều hành đã tạo hiệu ứng tâm lý khá tốt với cổ phiếu này.

Còn cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt có diễn biến tăng kể từ cuối tháng 5/2023 đến ngày 15/6/2023, mức tăng không mạnh, khoảng 15%, nhưng cũng đáng quan tâm sau khi chủ tịch hội đồng quản trị công ty này thoái hầu hết vốn và kết quả kinh doanh quý đầu năm 2023 lao dốc.

Một cổ phiếu bất động sản tăng giá “bất chấp” kể từ cuối tháng 5/2023 là QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, tính đến ngày 13/6/2023 tăng hơn gấp đôi, chỉ với thông tin thắng kiện trong vụ việc với Sunny Land, trong khi tình hình kinh doanh chính chưa cho tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, trong 3 phiên gần nhất, cổ phiếu này điều chỉnh, từ hơn 12.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Không ít cổ phiếu bất động sản khác sau khi có nhịp tăng giá đã điều chỉnh nhẹ trong một vài phiên gần đây, nhưng vẫn thu hút dòng tiền là DXG, DXS, CEO, DIG, KDH, NLG...

Trong ngắn hạn, với vùng giá hiện tại, nhóm cổ phiếu bất động sản có rủi ro nhiều hơn cơ hội.

Ghi nhận hoạt động kinh doanh thực tế trong nửa đầu năm 2023 ở một số doanh nghiệp bất động sản cho thấy, tình hình chưa có dấu hiệu khả quan khi lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ: “không có chuyển biến gì, có dự án đâu mà bán”, “tình hình bán hàng rất kém, khách hàng e dè cả lãi suất cao, cũng lo lắng chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ”, “hiu hắt, đang cố gắng tồn tại qua giai đoạn này”…

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán Chứng khoán DSC nhận định, con sóng cổ phiếu bất động sản vừa qua là nhờ dòng tiền đầu cơ, kéo theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của một bộ phận nhà đầu tư, trong khi triển vọng hồi phục còn xa.

Theo ông Huy, có nhiều kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2023, nhưng những tín hiệu hiện tại chưa cho thấy triển vọng khả quan như kỳ vọng. Nếu nền kinh tế phục hồi nhanh trong 2 quý cuối năm thì đó là một điều thần kỳ. “Tôi thì không tin vào điều thần kỳ cho lắm”, ông Huy nói.

Một trong những điều mà ông Huy và nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm có chung quan điểm, đó là ở giai đoạn thị trường trước, nền giá đi ngang và nhiều cổ phiếu cạn cung. Thị trường như vậy rất khó giảm sâu và ai khéo chọn cổ phiếu sẽ có cơ hội thành công, giống như việc đặt nhẹ nhàng một vật nặng lên một tấm ván, tấm ván ít có khả năng bị gãy. Đợt tăng này của thị trường đưa mặt bằng giá lên cao, nếu giảm trở lại, lực cung có thể lớn và các ngưỡng hỗ trợ bên dưới sẽ chống đỡ rất vất vả.

Khi dòng tiền FOMO, rất khó để biết khi nào sẽ kết thúc sóng tăng, nhưng ở vùng giá hiện tại, rủi ro nhiều hơn cơ hội, nhất là khi cao điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đang tới gần. Ông Huy dự báo, một số doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ không trả được nợ trái phiếu trong tháng 6 và 7/2023.

Ông Huy chia sẻ, ông từng có niềm tin về sự hồi phục dần của kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong nửa cuối năm nay, nhưng với tình hình hiện tại, thời gian hồi phục có thể lâu hơn.

Tin bài liên quan