Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh đòi hỏi các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh đòi hỏi các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn

Hàng tỷ cổ phiếu nhà băng sắp tung ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với các kế hoạch tăng vốn lớn ồ ạt triển khai, sàn chứng khoán chuẩn bị đón thêm hàng tỷ cổ phiếu sắp được niêm yết bổ sung.

Nhiều hình thức phát hành cổ phiếu

SHB (mã chứng khoán SHB) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022.

Theo đó, Ngân hàng sẽ chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách có quyền mua 20 cổ phiếu mới). Giá chào bán dự kiến là 12.500 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán là 6.667 tỷ đồng, SHB sẽ sử dụng 6.257 tỷ đồng để mở rộng quy mô cho vay doanh nghiệp và dùng 410 tỷ đồng để cho vay cá nhân, dự kiến giải ngân từ quý IV/2022 đến quý II/2023.

Bên cạnh đó, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 15%.

Ngoài ra, SHB sẽ phát hành 45,12 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt chào bán cho người lao động dự kiến là 451,2 tỷ đồng sẽ dùng để mở rộng quy mô cho vay của Ngân hàng, chủ yếu cho vay doanh nghiệp.

Sau khi thực hiện 3 phương án trên, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng.

Tương tự, OCB (mã chứng khoán OCB) vừa công bố việc triển khai tăng vốn điều lệ từ hơn 13.698 tỷ đồng lên hơn 17.808 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành 30% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hội đồng quản trị OCB kỳ vọng, việc này sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng quy mô và năng lực cạnh tranh của Ngân hàng.

Trong khi đó, ABBank (mã chứng khoán ABB) chuẩn bị tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, sau khi đã sử dụng một phần để phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% vào ngày 11/2/2022.

Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ABBank dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP trong quý IV/2022. Số vốn tăng thêm sẽ được bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng như cho vay, đầu tư công nghệ…

Đối với MSB (mã chứng khoán MSB), ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30%. Ngân hàng sẽ phát hành 458,25 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị theo mệnh giá là 4.582,5 tỷ đồng, qua đó nâng vốn điều lệ từ 12.275 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là 10/10/2022, ngày đăng ký cuối cùng là 11/10/2022.

MSB cho biết, việc tăng vốn sẽ giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và đáp ứng kế hoạch tăng trưởng.

Eximbank (mã chứng khoán EIB) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 12.355 tỷ đồng lên hơn 14.814 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

Tăng vốn điều lệ là cần thiết

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (không gồm 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối) đạt 416.900 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 7.488.200 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 5.513.400 tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.686.600 tỷ đồng.

Với khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn cho Agribank; đã đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về phương án tăng vốn BIDV (mã chứng khoán BID), VietinBank (mã chứng khoán CTG) và Vietcombank (mã chứng khoán VCB).

BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên 61.208 tỷ đồng; Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng; VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm Big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) là 180.300 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 7.060.300 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 5.618.200 tỷ đồng, dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.151.400 tỷ đồng.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, giúp củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm. Tăng vốn cũng là nhiệm vụ thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Theo đề án, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu là 15.000 tỷ đồng.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cho rằng, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn.

“Cả hệ thống sẽ cần bổ sung vốn lên tới 10,7 tỷ USD (tương đương 2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho khoản vay có vấn đề và duy trì hệ số CAR ở mức 10%”, Fitch Ratings nhận định.

Áp lực lên giá cổ phiếu

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng, kế hoạch tăng vốn lớn sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu ngân hàng và mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp tục được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh sẽ tạo áp lực lên sức cầu, nhất là khi thị trường chứng khoán có diễn biến giảm điểm. So với mức đỉnh năm 2022, chỉ số VN-Index hiện giảm 27%, trong khi giá nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm 30 - 40% như TCB, MSB, HDB, VPB, TPB, VIB, KLB..., thậm chí giảm 50% như SHB, OCB, CTG, STB, ABB... Một số mã giảm xuống dưới mệnh giá như VBB, ABB, VAB.

Bên cạnh áp lực nguồn cung gia tăng, giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc do nhiều nhà đầu tư e ngại nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng, khả năng biên lãi ròng thu hẹp do phải tăng lãi suất huy động, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bị cơ quan quản lý kiểm soát chặt hơn...

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, người sáng lập Công ty cổ phần FIDT, ngành ngân hàng đang có mức định giá P/B quanh 1 lần, tức thị giá cổ phiếu tương đương giá trị sổ sách. Thị giá hiện nay đã chiết khấu phần lớn rủi ro về nợ xấu, lãi suất tăng và dấu hiệu suy giảm tăng trưởng lợi nhuận. Vùng giá hiện tại có thể coi là vùng đáy, song nhà đầu tư vẫn cần lựa chọn kỹ cổ phiếu ngân hàng và đòi hỏi phải có tầm nhìn dài hạn.

Tin bài liên quan