Hành động trong thị trường sideway

Hành động trong thị trường sideway

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đón mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh, thị trường sideway với các phiên giao dịch có biên độ hẹp.

Điều khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy chưa yên tâm là các mã đóng vai trò dẫn dắt chỉ số luân phiên gánh nhiệm vụ của mình, khi thì VCB và nhóm ngân hàng, lúc họ cổ phiếu VHM, VIC, VRE. Dù vậy, chỉ số VN-Index ít dao động, số lượng các cổ phiếu tăng/giảm giá khá cân bằng.

Một điểm dễ thấy là cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý II tốt chỉ tăng mạnh vài phiên sau công bố. Nhiều nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu suốt vài tháng qua, chờ đón tin kết quả kinh doanh ra để “chốt lãi”. Bởi vậy, các phiên VN-Index đỏ không khiến nhà đầu tư bất ngờ, thậm chí còn là mong muốn ở một bộ phận nhà đầu tư để thị trường có thể tăng trưởng bền vững hơn. Từ tháng 4 trở lại đây, thị trường đã liên tục tăng điểm dựa trên các thông tin chính sách vĩ mô mang tính hỗ trợ được ban hành.

Như vậy, sau chưa đầy 1 năm VN-Index đã trở lại vùng giá vào tháng 7/2022 - là vùng giá trước khi xảy ra sự kiện SCB và trái phiếu doanh nghiệp. Kênh chứng khoán tỏ ra vượt trội hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác, thậm chí có nhiều mã tăng bằng lần dù chỉ số chung không tăng phi mã như vậy.

Khi giá trị giao dịch trung bình ở quy mô dưới 20.000 tỷ đồng/phiên, dòng tiền xoay vòng khá nhịp nhàng, nhưng mức độ tăng lớn nhất vẫn chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap. Với khối lượng giao dịch bình quân thấp, chỉ cần một lượng tiền không quá lớn có thể giúp giá cổ phiếu bật tăng.

Khi thị trường có nhịp tăng - giảm đan xen, chiến lược nhiều nhà đầu tư áp dụng là tận dụng các con sóng nhỏ để tích lũy cổ phiếu hoặc trading, tránh sự kỳ vọng và hưng phấn quá mức trong các phiên break để không “bị kẹp”.

Khi chỉ số VN-Index liên tục tăng và tâm lý nhà đầu tư thăng hoa, hàng loạt tổ chức tăng mức giá mục tiêu của chỉ số lên mức 1.300 điểm thậm chí 1.500 điểm, kéo tâm lý nhà đầu tư lên mức lạc quan và bỏ qua những rủi ro ngắn hạn. Xét một cách cơ bản, nền kinh tế vẫn có nhiều khó khăn, các ngành tăng nóng trên TTCK có kết quả kinh doanh quý II được dự phóng không mấy khả quan.

Bởi thế, những nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ là cần thiết. Hoạt động cơ cấu danh mục sẽ được thực hiện trong nhịp giảm này cho giai đoạn lợi nhuận nửa cuối năm 2023. “Những ngành dẫn sóng” cũng là chủ đề Báo Đầu tư Chứng khoán lựa chọn phân tích kỹ trong số báo này với những góc nhìn đa chiều tới độc giả.

Thúc đẩy nền kinh tế trong 6 tháng cuối 2023 đã trở thành mệnh lệnh, động lực với các nhà tạo lập chính sách. Với tính chất phong vũ biểu của nền kinh tế, TTCK do đó sẽ tiếp tục có những đợt sóng tăng - giảm ăn theo chính sách và nền kinh tế chung, tập trung vào tiền tệ, đẩy mạnh tín dụng, thúc đẩy xuất khẩu, tăng giải ngân đầu tư công…Với định hướng về chính sách như trên, cũng mở ra các chủ đề đầu tư có thể sàng lọc cho nửa cuối 2023.

Tin bài liên quan