Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, cần kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn

0:00 / 0:00
0:00
Những khó khăn về kinh tế - xã hội tích tụ sau hai năm đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.
Phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp.

Phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp.

Theo chương trình phiên họp thứ 26, sáng 13/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội “cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ”. Theo đó, những khó khăn về kinh tế - xã hội tích tụ sau hai năm đại dịch Covid - 19, nhất là về đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận người dân, đã tác động mạnh đến tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố

Nhấn mạnh một số nội dung đáng chú ý, cơ quan thẩm tra nhận xét, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người tăng hơn 20%, cướp tài sản tăng gần 54%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 57%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng hơn 92%, gây rối trật tự công cộng tăng hơn 88%...

“Điều này không chỉ gây bất an trong dư luận Nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực”, Ủy ban Tư pháp nhận xét.

Uỷ ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, trong năm đã xảy ra vụ nhiều đối tượng thực hiện hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe của nhiều cán bộ, người dân, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị địa phương.

Báo cáo thẩm tra dẫn vụ việc xảy ra ngày 11/6/2023, 2 nhóm đối tượng có vũ trang đã đột nhập, tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương. Cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 90 đối tượng về các tội danh: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Không tố giác tội phạm” và “Môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép”.

“Qua vụ việc trên, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, triển khai các giải pháp tổng thể, nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm, phòng ngừa không để xảy ra vụ việc tương tự”, cơ quan thẩm tra nêu ý kiến.

Lợi dụng triệt để lỗ hổng của pháp luật để trục lợi

Vấn đề tiếp theo được cơ quan của Quốc hội đề cập là công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng, đã xử lý 1.537 vụ, 407 đối tượng (tăng 302,36% số vụ, tăng 66,8% số đối tượng).

Vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, như: sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen...; một số đối tượng cũng lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời, cơ quan thẩm tra đánh giá.

Canh đó, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo và sát hạch lái xe; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản; cấp phiếu lý lịch tư pháp... còn nhiều sơ hở.

“Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ”- Uỷ ban Tư pháp nêu, sau đó lưu ý các hành vi vi phạm nói trên đã kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi trên cả nước nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải và các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ; nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An và một số tỉnh, thành phố khác. Các vụ án về “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại các Trung tâm đào tạo đào tạo lái xe tại các địa phương: Lạng Sơn, Hải Phòng, TP.HCM...

Đáng chú ý, Uỷ ban Tư pháp nêu tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%.

Theo cơ quan thẩm tra, điều này cho thấy nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Kết quả nói trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng trên nhiều lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là về: đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công; quản lý đất đai, đấu giá quyền sử dụng đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; mua sắm trang, thiết bị, cơ sở vật chất trong ngành y tế, giáo dục...

“Trong các vụ việc trên, nhiều trường hợp liên quan đến người đứng đầu trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi”, cơ quan của Quốc hội nhận định.

Từ đó, Uỷ ban Tư pháp cho rằng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Ngoài ra, Uỷ ban Tư pháp cũng nêu nghi vấn của nhiều cử tri về việc có hay không sự “bắt tay” giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.

Ngoài ra, còn có tình trạng nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn mua bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm. Hậu quả, hàng nghìn người dân đã có đơn tố cáo, khiếu nại, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm…

Xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận. Có những vụ việc với hàng trăm đối tượng tham gia, số bị hại lên đến hàng triệu người, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố, báo cáo thẩm tra nêu.

Tin bài liên quan