Theo ông Hưởng, nhiều vấn đề mới đã và đang phát sinh, có nguy cơ đe dọa đến tính minh bạch và sự ổn định của TTCK Việt Nam - Ảnh: Đức Thanh

Theo ông Hưởng, nhiều vấn đề mới đã và đang phát sinh, có nguy cơ đe dọa đến tính minh bạch và sự ổn định của TTCK Việt Nam - Ảnh: Đức Thanh

Hãy lắng nghe những lời nói thật

(ĐTCK-online) "TTCK Việt Nam - 10 năm nhìn lại" là tên bài viết của TS. Hồ Công Hưởng đăng trên Báo ĐTCK online, đã nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Sự chú ý này có lý do từ việc đã lâu lắm rồi, dư luận mới được tiếp nhận những suy nghĩ thẳng thắn từ tâm của người viết về những vấn đề đang tồn tại trong lòng thị trường từ một người đương chức (Tổng giám đốc CTCK Hoàng Gia) - một người trong số ít lớp người đầu tiên góp sức tạo dựng TTCK Việt Nam.

>> Thị trường chứng khoán Việt Nam -10 năm nhìn lại

>> Chuyên đề 10 thị trường chứng khoán Việt Nam

Như nhìn nhận của ông Hưởng thì bên cạnh những thành tích 10 năm qua, nhiều vấn đề mới đã và đang phát sinh, có nguy cơ đe dọa đến tính minh bạch và sự ổn định của TTCK Việt Nam.

Chẳng hạn, tình trạng làm giá, thao túng giá với các công nghệ "bơm, hút, thả, xả đẩy", với các kỹ thuật phao tin; các kỹ thuật xuất bản các báo cáo phân tích suy diễn vào những thời điểm nhạy cảm, được thực hiện bởi các "đội lái tàu" chuyên nghiệp đang làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư.

Cũng theo ông Hưởng, nhiều nhà đầu tư từng chứng kiến một hiện tượng phổ biến là, trong khi không có thông tin gì đặc biệt, nhiều cổ phiếu phiên hôm trước chất đầy lệnh bán (mua), thì lạ thay, phiên hôm sau lệnh mua (bán) lại chất đống… Trong khi các chuyên viên phân tích chứng khoán, các giảng viên đại học đang căng mắt nhìn trên màn hình để tìm ra các mẫu hình biến động giá, hình dạng của các chỉ số thì ở trong một góc khuất nào đó, các "đội lái tàu" cứ mặc sức múa may, đùa cợt!

Tình trạng tùy tiện trong công bố thông tin, công bố thông tin chậm, thiếu chính xác, không trung thực cũng đang là vấn đề lớn gây bức xúc cho cộng đồng đầu tư và ngày càng đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý.

Theo TS. Hưởng, nếu không giải quyết rốt ráo các vấn đề này, nếu không có biện pháp quản lý để có đủ các các tiêu chuẩn "LET" - viết tắt của ba thuật ngữ: Liquidity (tính lưu động), Efficiency (hiệu quả), Transparency (minh bạch) - của một thị trường phát triển, nguy cơ HOSE và HNX sẽ trở thành "HOSINO" và "HASINO" là nguy cơ có thực.

Vậy làm thế nào để giải quyết những tồn tại trên? TS. Hưởng cho rằng, TTCK cần giải quyết 7 vấn đề chính. Trước hết, thị trường cần một cơ quan quản lý độc lập, trực thuộc Chính phủ, để có đầy đủ các thẩm quyền, điều kiện và khả năng ban hành các văn bản pháp quy, thay vì mô hình một Ủy ban lại trực thuộc Bộ (Bộ Tài chính), phải qua quá nhiều tầng, nấc như hiện nay.

Thứ đến, hơn lúc nào hết, TTCK Việt Nam cần một hệ thống công nghệ giao dịch hiện đại, đủ sức theo dõi, phát hiện và xử lý các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường theo kiểu "một tay che cả bầu trời"…

Và góp ý thứ 7 là trong một thị trường được xem là minh bạch, các thông tin để xác định các điều kiện cung - cầu tiềm tàng của thị trường phải đầy đủ và sẵn có. Những thông tin này sẵn có đối với tất cả thành viên thị trường ở cùng một thời điểm, nghĩa là tất cả các thành viên tham gia giao dịch đều có cơ hội tiếp cận thị trường như nhau. Vì vậy, việc không cung cấp thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (trong phiên giao dịch) tại HOSE hoặc việc thu phí cung cấp thông tin cho gói tin đầy đủ đối với các CTCK thành viên là các bất hợp lý cần phải chấm dứt!

Ở góc nhìn của một chủ thể, tính chuẩn xác của những nhận định và kiến nghị mà TS. Hưởng đưa ra có thể có nhiều điểm còn cần tranh luận, nhưng rõ ràng là những lời nói thẳng luôn là điều không dễ nói và không dễ nghe với cả chủ thể và khách thể, nhất là trên TTCK, một thị trường rất phức tạp về thông tin và mâu thuẫn về lợi ích. Tuy nhiên, cũng chính vì sự không dễ nói và không dễ nghe này mà bài viết có một giá trị riêng, đáng đọc, đáng trân trọng và đáng để suy ngẫm.