Môi trường kinh tế vĩ mô trong và sau khủng hoảng làm thay đổi đáng kể bài toán dự trữ tài sản của các NĐT có nhiều tiền.

Môi trường kinh tế vĩ mô trong và sau khủng hoảng làm thay đổi đáng kể bài toán dự trữ tài sản của các NĐT có nhiều tiền.

Hệ luỵ từ chiến dịch “rải thảm” tiền tệ

(ĐTCK) Trong thời gian gần đây, bài toán bảo toàn tài sản của các NĐT có nguồn tiền lớn trong khủng hoảng tài chính đang được đặt trong bối cảnh mới, khi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trên phạm vi toàn cầu có thể làm giá trị các ngoại tệ chủ chốt sút giảm và tạo rủi ro lạm phát tăng mạnh khi kinh tế hồi phục.

Các nền kinh tế lớn nằm trong tâm bão khủng hoảng đã vận dụng tất cả những biện pháp từ kinh điển (conventional) đến trái kinh điển (unconventional); đặc biệt là trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trên hiện là những cỗ máy cái tạo nguồn tiếp sức cho sự vận hành của toàn bộ hệ thống tài chính. NHTW mở rộng hoạt động cho vay bao trùm toàn bộ hệ thống NHTM, ngân hàng đầu tư, tổ chức tài chính, bảo hiểm... Đồng thời, các NHTW này mở rộng những công cụ bắt buộc sử dụng làm tài sản đảm bảo với hoạt động cho vay của họ, từ chỉ trái phiếu chính phủ sang thương phiếu các công ty, các công cụ nợ dài hạn của khu vực DN và cả các chứng khoán phái sinh dựa trên các khoản cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng. Đây là bước đi được xem là đột phá và trái kinh điển song bắt buộc phải thực hiện, vì khủng hoảng tài chính đã làm tê liệt hoạt động cho vay thứ cấp dựa trên các công cụ nợ ngắn hạn và dài hạn, bất kể công cụ đó có định mức tín dụng ra sao. Thị trường cho vay thứ cấp (shadow banking system) có quy mô tương đương với thị trường cho vay sơ cấp cũng như có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển, nên các NHTW bắt buộc phải can thiệp để làm tan băng thị trường này, mặc dù phải chấp nhận rủi ro tín dụng cao hơn so với việc chỉ thực hiện cho vay dựa trên tài sản đảm bảo là trái phiếu chính phủ. Sự can thiệp vào thị trường tín dụng thứ cấp cùng với các khoản cứu trợ khẩn cấp cho nhiều tổ chức tài chính lớn đã làm bảng cân đối tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng từ 800 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD vào nửa cuối năm 2008 và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2009.

Tuy nhiên, một biện pháp trái kinh điển gây chấn động hơn là việc các NHTW lớn công bố sẽ tham gia mua sơ cấp các trái phiếu chính phủ phát hành trong thời gian tới. FED dự kiến mua 300 tỷ USD, NHTW Anh dự kiến mua 120 tỷ USD, NHTW Nhật Bản dự kiến mua 50 tỷ USD, NHTW châu Âu dự kiến mua 80 tỷ USD. Về bản chất, đây chính là việc in tiền để tài trợ cho các khoản chi tài khóa kích thích kinh tế. Chính sách này được xem là vô cùng rủi ro trong hoạt động của NHTW, vì hoạt động này ở một quy mô nào đó sẽ là gốc rễ của tình trạng siêu lạm phát, như đã từng diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh trong những năm 1980.

Người ta đã ví von Chủ tịch FED là “Ngài Bernanke trực thăng” để hài hước về hoạt động in tiền tiếp sức cho hệ thống tài chính tư và công đang suy yếu của FED như là rải thảm tiền từ máy bay trực thăng. Mặc dù các NHTW có những công cụ để đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ khi kinh tế hồi phục, song rủi ro USD, EUR, JPY giảm giá cùng với lạm phát tăng mạnh khi kinh tế hồi phục thực sự là nỗi ám ảnh lớn.

Thông thường, các NĐT có nguồn tiền lớn như Trung Quốc, Singapore, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ dự trữ tài sản dưới dạng tiền gửi bằng các đồng tiền chủ chốt và trái phiếu chính phủ của nhiều nước phát triển, để đảm bảo an toàn tài sản mà không cần lợi suất cao. Với bối cảnh mới như trên, bài toán này đang được tính toán lại. Các quốc gia trên đã từng đa dạng hóa dự trữ quốc gia thông qua việc đầu tư vào các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ và Tây Âu, song phần lớn khoản đầu tư này gặp phải rủi ro trong khủng hoảng tài chính.

Do đó, các quốc gia trên có thể sẽ không dám mạo hiểm tiếp tục đa dạng hóa đầu tư như vậy. Họ sẽ tìm một hướng đi mới, đó là đầu tư vào các tài sản thực, các tài nguyên từ dầu mỏ đến kim loại cơ bản. Nguyên do là giá cả tài nguyên đang ở mức khá rẻ do tác động của khủng hoảng tài chính. Đầu năm 2009, giá dầu và rất nhiều nguyên liệu cơ bản bằng với mặt bằng giá của năm 2003, chỉ bằng 30 - 40% so với đỉnh cao vào tháng 7 - 8/2008. Song không chỉ có giá các tài nguyên đang rẻ mà việc đầu tư vào các tập đoàn lớn khai thác tài nguyên cũng đang rất hấp dẫn. Hoạt động mở rộng kinh doanh của các tập đoàn này dựa nhiều vào vốn vay từ thị trường tài chính. Cánh cửa này đã khép lại từ cuối năm 2008 đến nay, nên rất nhiều tập đoàn khai thác tài nguyên đang vật lộn trong gánh nặng nợ nần hoặc không thể huy động vốn để thực hiện các dự án lớn. Glencore AG phải bán cổ phần chi phối cho Russall trong lĩnh vực nhôm; BHP Bilition (Anh) đã phải ngừng tham vọng thôn tính Rio Tinto (Úc); Dow Chemicals (Mỹ) dừng liên doanh hóa lọc dầu với Arabi Saudi... Và đó là cơ hội để Trung Quốc, Singapore thực hiện những bước đi chiến lược của mình trong lĩnh vực tài nguyên.

Trung Quốc đã có chiến lược mở rộng khai thác tài nguyên ra bên ngoài từ 10 năm qua để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng như vũ bão của nền kinh tế. Song chủ yếu trong thời gian đó, nước này đầu tư vào các mỏ có quy mô vừa tại châu Phi, Mỹ Latinh. Giờ đây, ngoài việc tăng cường cho kho dự trữ tài nguyên hiện tại, họ có cơ hội lớn sở hữu cổ phần tại các tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới với những điều kiện rất hấp dẫn. Tập đoàn Chalco (tập đoàn nhôm hàng đầu Trung Quốc) đang theo đuổi việc tăng sở hữu lên 18% cổ phần của Rio Tinto - hãng khai khoáng lớn thứ 3 thế giới với giá trị 19,5 tỷ USD; China Mimetal đang mua hầu hết cổ phần của OZ Minerals - một tập đoàn khai khoáng với nhiều mỏ đồng và vàng lớn…

Môi trường kinh tế vĩ mô trong và sau khủng hoảng đã làm thay đổi đáng kể bài toán dự trữ tài sản của các NĐT có nhiều tiền. Chúng ta có thể sẽ còn chứng kiến những thay đổi quan trọng trong chiến lược phân bổ tài sản trong bối cảnh kinh tế và tài chính đầy biến động tới đây.