Hệ quả nào khi Nga bị đẩy khỏi SWIFT?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nước phương Tây và một số đồng minh như Mỹ, Canada nhất trí sử dụng biện pháp trừng phạt được đánh giá là "vũ khí hạt nhân tài chính” đối với Nga: Chặn một số ngân hàng của nước này ra khỏi hệ thống Tổ chức Viễn thông tài chính liên ngân hàng Thế giới (SWIFT).
Việc loại Nga khỏi SWIFT chỉ cản trở hoạt động xuất khẩu của nước này trong ngắn hạn.

Việc loại Nga khỏi SWIFT chỉ cản trở hoạt động xuất khẩu của nước này trong ngắn hạn.

Con dao hai lưỡi

Theo ông Markos Zachariadis, giáo sư về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính thuộc Đại học Manchester, việc loại Nga khỏi SWIFT giống như cắt Internet của một quốc gia.

Nhiều nhà phân tích bình luận, hoạt động xuất khẩu của Nga sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc dừng hẳn trong nhiều ngày bởi việc nước này bị loại khỏi SWIFT.

Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ.

Động thái trừng phạt mới nhất từ phương Tây cũng có thể hạn chế việc Nga sử dụng hơn 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối để đối phó với tác động kinh tế. Quy mô nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm 5% khi bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng Nga, bao gồm Gazprombank - nhà băng phục vụ các giao dịch thanh toán lớn trong lĩnh vực dầu khí, không bị loại hoàn toàn khỏi SWIFT.

“Phương Tây đã cố gắng để các giao dịch năng lượng không bị ảnh hưởng, nhưng việc loại Nga khỏi SWIFT vẫn có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với dòng chảy giao dịch năng lượng trong ngắn hạn, ít nhất cho tới khi bên mua có thể chuyển sang được những phương thức thay thế như telex hay các hệ thống khác”, chuyên gia Amrita Sen của Energy Aspects phát biểu.

Ngoài việc đáp ứng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, Nga còn chiếm 10% sản lượng dầu toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc, phân bón lớn nhất, sản xuất palladium và nickel hàng đầu, xuất khẩu than và thép lớn thứ ba, xuất khẩu gỗ lớn thứ năm thế giới.

Theo Reuters, việc loại khỏi SWIFT nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, đồng thời là nhà cung cấp 1/6 toàn bộ hàng hoá cơ bản trên toàn cầu, là việc chưa từng có tiền lệ trong kỷ nguyên toàn cầu hoá. Trớ trêu thay, việc này lại diễn ra đúng lúc phương Tây đang vật lộn với giá dầu cao chóng mặt và lạm phát leo thang không ngừng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một “con dao hai lưỡi”, không chỉ đối với châu Âu – những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Nga và phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga, mà còn đối với cả thế giới. Mỹ và Đức sẽ chịu thiệt hại nhất khi Nga hứng đòn trừng phạt này, bởi các ngân hàng của hai nước này sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để kết nối với các ngân hàng Nga.

Một số quốc gia khác sẵn sàng ủng hộ quyết định của EU, mặc dù họ thừa nhận rằng điều này sẽ gây hại cho họ. Ví dụ như Nhật Bản, họ ước tính GDP của nước mình sẽ giảm 0,3% vì điều này. Trong khi Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Anh sẵn sàng loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT thì chính phủ Đức lại rất khó khăn để đi tới quyết định này.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lo ngại, việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT sẽ gây "thiệt hại lớn ngoài dự kiến", khi các giao dịch tài chính không chỉ là giao dịch của các nhà tài phiệt, mà còn bao gồm các khoản thanh toán mà Đức rót cho các tổ chức xã hội dân sự ở Nga. Đức và Italy đã miễn cưỡng đưa SWIFT vào các biện pháp trừng phạt Nga.

Nga sẽ tìm được đường vòng?

Có một số “đường vòng” để việc thanh toán vẫn có thể diễn ra cho dù Nga bị loại khỏi SWIFT. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nói rằng, các ngân hàng có thể dùng những hệ thống nhắn tin khác như Telex, cho dù những cách này kém hiệu quả hơn và tốn kém hơn. Nga cũng đã phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình tên SPFS, tương tự SWIFT.

Hiện mới có khoảng 23 ngân hàng nước ngoài kết nối với hệ thống này của Nga, phục vụ khoảng 1/5 số giao dịch thông qua SWIFT và không bao gồm các ngân hàng nước ngoài, ngoại trừ một số ngân hàng châu Á, cụ thể là Azerbaijan,

Kyrgyzstan, Trung Quốc. Giới phân tích dự đoán sẽ có nhiều ngân hàng nữa có thể sẽ tham gia vào hệ thống này một khi các ngân hàng Nga không còn trong SWIFT.

"Việc loại các ngân hàng Nga khỏi SWIFT sẽ có ảnh hưởng lợi tức thì, nhưng Nga sẽ nhanh chóng giảm bớt ảnh hưởng đó thông qua các công cụ tin nhắn ngân hàng khác. Việc này sẽ khiến Nga phải đau đầu, nhưng tôi cũng cho rằng giá trị của lệnh trừng phạt này đã bị thổi phồng hơn những gì nó thực sự tác động lên nền kinh tế Nga", ông Richard Nephew, cựu quan chức cấp cao về trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ phát biểu trên Wall Street Journal.

Tin bài liên quan