Các dự án nhiệt điện than không còn nhiều sức hút. Ảnh: Dũng Minh.

Các dự án nhiệt điện than không còn nhiều sức hút. Ảnh: Dũng Minh.

“Hết hứng” với các dự án nhiệt điện than

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp ngành năng lượng trong nước đang có xu hướng giảm đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than, ngược lại tăng tốc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Cơ Điện Lạnh không đầu tư thêm vào nhiệt điện than

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Cơ Điện Lạnh (mã REE) cho biết, danh mục đầu tư nhiệt điện của Công ty hiện chỉ còn sở hữu 24,14% vốn tại Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) và sở hữu 29,44% vốn tại Nhiệt điện Ninh Bình (mã NBP). Công ty có thể tiếp tục duy trì đầu tư tại 2 đơn vị này, nhưng trong thời gian tới sẽ không phát triển hay đầu tư thêm ở mảng này.

Được biết, trong năm 2021, Cơ Điện Lạnh đã bán tới 27 triệu cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) để giảm sở hữu từ 7,69% về còn 1,69% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của đơn vị này.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh nhấn mạnh, năng lượng tái tạo là mảng chiến lược của Công ty trong các năm qua. Việt Nam có nhiều vị trí thuận lợi cho năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Công ty đã xác định sẽ đầu tư thời gian và tài chính cho lĩnh vực này, kỳ vọng tới năm 2025 sẽ tăng gấp đôi công suất phát điện so với năm 2021.

Cũng theo bà Mai Thanh, những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) vào cuối năm 2021 đã thể hiện quyết tâm mang tầm quốc gia về tăng trưởng kinh tế bền vững - gắn sự phát triển kinh tế - xã hội với các công nghệ và sáng kiến xanh.

Theo đó, Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia 2021-2030 (Quy hoạch Điện VIII) tầm nhìn đến 2045 đang trong quá trình lập dự thảo trình Chính phủ xem xét cũng ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu TransitionZero, thế giới sẽ cần phải đóng cửa gần 3.000 nhà máy nhiệt điện than trước năm 2030 để có cơ hội duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thêm nữa, Nikkei Asia cho biết, hiện có một nhóm nhà đầu tư đến từ châu Âu gồm 21 tổ chức quản lý khoảng 5.600 tỷ USD đã thúc giục Mitsubishi và 7 Công ty Nhật Bản khác không tham gia đầu tư và rút vốn khỏi các nhà máy điện than ở Đông Nam Á với nguyên nhân không phù hợp với các mục tiêu và thời hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Cũng theo Nikkei Asia, mặt tích cực là các khoản đầu tư vào than có thể được thay thế an toàn bằng năng lượng tái tạo, đặc biệt là các ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang tăng cường về quy mô và khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đẩy nhanh chiến lược trung hòa carbon và động lực đầu tiên nắm bắt các cơ hội xung quanh năng lượng tái tạo sẽ nhanh chóng giảm thiểu rủi ro trong danh mục đầu tư tổng thể và đảm bảo lợi nhuận ổn định và cao.

SCIC dự kiến thoái vốn 3 doanh nghiệp nhiệt điện than trong năm 2022

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đang có định hướng rút dần các khoản đầu tư ở mảng nhiệt điện. Cụ thể, trong danh sách thoái vốn năm 2022 của SCIC có 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND).

Thực tế, SCIC đã nhiều lần thực hiện thoái vốn cổ phần mà bất thành ở các doanh nghiệp nhiệt điện than. Cụ thể, tại Nhiệt điện Quảng Ninh, năm 2019, SCIC đã thực hiện bán 51,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 11,4% vốn nhưng không thành do không có nhà đầu tư tham gia. Tương tự, tại Nhiệt điện Hải Phòng, SCIC đã từng đăng ký bán 45 triệu cổ phiếu, chiếm 9% vốn điều lệ năm 2017 và tiếp tục đăng ký bán năm 2020 nhưng đều không thành do không có nhà đầu tư tham gia.

Được biết, Nhiệt điện Hải Phòng và Nhiệt điện Quảng Ninh là hai doanh nghiệp có nhà máy mới vận hành, đang trong giai đoạn đẩy mạnh giảm nợ vay và bước vào giai đoạn vận hành ổn định, ước tính trong những năm tới, cả hai doanh nghiệp này sẽ tiếp tục giảm lãi vay và chi phí khấu hao, điều này cải thiện biên lợi nhuận ròng.

Cụ thể, tại Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty đang vận hành 2 tổ máy, tổ máy số 1 phát điện năm 2011 và tổ máy số 2 phát điện năm 2014 với công suất 1.200 MW. Ước tính, tới năm 2023, Công ty sẽ trả hết nợ vay. Nhiệt điện Quảng Ninh cũng bắt đầu trả cổ tức 2% trong năm 2020, năm 2021 dự kiến 10% và sau đó khi hết nợ vay và giảm mạnh khấu hao sẽ đẩy mạnh trả cổ tức cho cổ đông.

Tương tự như vậy, tại Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty có 4 tổ máy. Trong đó, tổ máy 1 và 2 phát điện năm 2011, tổ máy 3 và 4 phát điện năm 2014 với tổng công suất 1.200 MW. Ước tính, tổ máy 1 và 2 bắt đầu giảm khấu hao từ cuối năm 2021 và dự kiến từ năm 2024, Công ty sẽ hết nợ vay. Điều này kỳ vọng sẽ giúp Nhiệt điện Hải Phòng cải thiện biên lợi nhuận ròng và tăng cổ tức cho cổ đông trong tương lai.

Thực tế, nếu như giá than không tăng quá nóng và nhu cầu tiêu thụ điện giảm do đại dịch Covid thì kết quả kinh doanh năm 2021 không giảm mạnh, còn lại giai đoạn 2017-2020, kết quả kinh doanh của hai doanh nghiệp này đã tăng trưởng đều qua các năm.

Bước sang năm 2022, riêng trong quý I/2022, Nhiệt điện Quảng Ninh ghi nhận lợi nhuận tăng 195% lên 345,9 tỷ đồng; Nhiệt điện Hải Phòng có mức lợi nhuận đạt tới 258,1 tỷ đồng từ mức lỗ 11,2 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, bức tranh tình hình kinh doanh nhóm doanh nghiệp nhiệt điện than mới vận hành nhà máy đã và có thể tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh doanh trong những năm tới khi mà các công ty này tiếp tục dùng dòng tiền tạo ra để trả bớt nợ vay, từ đó giảm chi phí tài chính và gia tăng hiệu quả khi vận hành.

Việc thoái vốn không thành công của các cổ đông lớn chủ yếu do định hướng đầu tư của các quỹ và nhà đầu tư lớn thay đổi khi ưa thích nhóm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hơn là các doanh nghiệp nhiệt điện than.

Theo Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong những năm trở lại đây, cơ cấu nguồn điện đang có sự dịch chuyển từ nguồn năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo.

Cụ thể, nguồn năng lượng nhiệt điện than năm 2018 chiếm 44,3% tổng nguồn điện, năm 2019 đạt 50% tổng nguồn điện nhưng bắt đầu giảm tỷ trọng và tới năm 2021 còn 46%. Ngược lại, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo lại có xu hướng tăng lên với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát triển năng lượng tái tạo, tỷ trọng năm 2020 là 4,3% và năm 2021 đã tăng lên 11,5%.

Với định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ trong giai đoạn sắp tới, kỳ vọng cơ cấu năng lượng tái tạo sẽ tăng. Dù trọng số nhiệt điện than vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số điện năng cung cấp, nhưng các dự án nhiệt điện than đầu tư mới sẽ khó huy động nguồn vốn bên ngoài tài trợ cho dự án như các dự án năng lượng tái tạo.

Tin bài liên quan