Hiệp Hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị cho DOJI, SJC và PNJ nhập 1,5 tấn vàng/năm

Hiệp Hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị cho DOJI, SJC và PNJ nhập 1,5 tấn vàng/năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước sức nóng vàng thế giới đẩy giá vàng SJC trong nước sát mốc 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cũng lên sát ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, giới phân tích cho rằng, cần sớm cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và xóa độc quyền vàng SJC. 

Sớm sửa Nghị định 24

Theo Hiệp Hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), có một số nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động mạnh là do giá vàng thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá vàng trong nước; nhu cầu mua vàng tăng theo tâm lý đám đông; nguồn cung vàng khan hiếm bởi hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép các doanh nghiệp nhập vàng.

Vì thế, VGTA cho rằng, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, bởi Nghị định 24 được ban hành ngày 3/4/2012 đến nay đã 12 năm. Nghị định 24 ra đời là cần thiết đã góp phần ổn định thị trường vàng, nhưng hiện bối cảnh thị trường đã có nhiều thay đổi.

Cụ thể, biến động thị trường vàng không còn tác động trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như tỷ giá của NHNN; không còn tác động xấu đến việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô; tâm lý của người dân đã có sự thay đổi, không tập trung mua vàng để tích trữ như trước đây; các doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang đầu tư sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Tuy nhiên, Nghị định 24 lấy vàng miếng SJC là vàng chuẩn quốc gia và NHNN là cơ quan duy nhất sản xuất và cung ứng vàng miếng SJC cho thị trường, Công ty SJC không được tự sản xuất vàng miếng SJC mà chỉ thực hiện gia công theo ủy quyền và dưới sự giám sát trực tiếp của NHNN.

VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu 1,5 tấn vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ để chế tác vàng nữ trang.

Theo VGTA, về nguyên tắc biến động của giá vàng miếng SJC hàng ngày phản ánh quan hệ cung - cầu, nhưng nguồn cung hạn chế do trong hơn 10 năm qua doanh nghiệp không được nhập vàng nguyên liệu, trong khi nhu cầu mua vàng của người dân tăng, dẫn đến giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi, có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Qua theo dõi của VGTA chưa phát hiện trường hợp nào các doanh nghiệp phối hợp định giá mua bán vàng SJC (bắt tay làm giá). Các doanh nghiệp chỉ có thể tham khảo giá mua- giá bán của doanh nghiệp khác trên cơ sở khả năng nguồn vàng SJC hiện có của mình để ấn định giá mua - giá bán trong từng thời điểm với khách hàng. Khi giá vàng SJC có chênh lệch cao so với giá vàng quốc tế quy đổi, thông thường các doanh nghiệp có giãn cách biên độ giữa giá mua - bán khoảng từ 1 - 3 triệu đồng/lượng để phòng ngừa rủi ro do không làm chủ được nguồn hàng.

Tinh thần Nghị định 24 là quản lý chặt chẽ việc sản xuất kinh doanh mua bán vàng miếng, khuyến khích sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, theo tinh thần đó các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thực hiện nghiêm túc Nghị định 24 là ngưng việc sản xuất vàng miếng, chuyển sang sản xuất kinh doanh vàng trang sức để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này kéo theo nguồn nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cũng tăng lên khá lớn, ước khoảng 20-30 tấn/1 năm. Tuy nhiên, VGTA cho biết, trong hơn 11 năm qua (kể từ khi thực hiện Nghị định 24), doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, mà chỉ thu trên thị trường.

Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Vì họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua vàng trên thị trường. Doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro kể cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu.

VGTA cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung trong nước sẽ giảm, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế, khiến người dân bị thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ. Đặc biệt, trong giá trị hàng trang sức mỹ nghệ xuất khẩu có tới từ 25-30% giá trị lao động.

Cho phép nhập vàng

Với phân tích trên, VGTA đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong phạm vi có kiểm soát cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ để chế tác vàng nữ trang với lượng nhập là 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm).

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch VGTA cho biết, các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng, mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của NHNN.

Theo nhìn nhận của VGTA, việc đưa ra con số 1,5 tấn là không lớn, phù hợp với thị trường, bởi nhu cầu vàng nữ trang trong nước lên tới 20 tấn.

Đại diện VGTA cho biết, nhập khẩu vàng sẽ giúp thị trường phong phú hơn. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ giảm, chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế được rút ngắn lại, thay vì cách quá xa như hiện nay. Như vậy, người dân được hưởng lợi và thị trường vàng sẽ bình ổn.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Khánh, cho đến nay, các kiến nghị của Hiệp hội vẫn chưa được đáp ứng, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trước mắt khi chưa ban hành Nghị định mới thay Nghị định 24, VGTA kiến nghị Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Thống đốc NHNN xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp (Vì Nghị định 24 đã có quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp) để phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, góp phần chống buôn lậu vàng, thị trường vàng phát triển được lành mạnh và các hệ lụy nói trên sẽ được khắc phục đặc biệt về tâm lý của các doanh nghiệp, thị trường vàng sẽ phát triển lành mạnh theo đúng định hướng của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Đáng chú ý, Chính phủ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Tin bài liên quan