Hiểu thế nào về cơ chế "chọn - bỏ" theo tinh thần Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới?

Hết thời doanh nghiệp phải đi “xin” những cái pháp luật không cấm và đợi được “cho” - một nguyên nhân dẫn đến “nhũng nhiễu” ở nước ta thời gian qua.
Những quy định mới đã mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp

Những quy định mới đã mở ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp

Cách tiếp cận mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp chuyển từ “chọn - cho” sang “chọn - bỏ” có thể coi như là điểm nhấn quan trọng trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo động lực đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Một khi được nhân rộng, tư duy trên sẽ lan tỏa và phủ kín các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và sẽ gỡ bỏ các quy định mang tính chủ quan, hành chính, thiếu rõ ràng… đang hiện hữu tại một số văn bản quản lý nhà nước, ảnh hưởng tới quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Trước hết là quy định của Bộ Tài chính “không được khấu trừ” phần giá trị gia tăng hoặc “không được trừ” khi xác định thu nhập chịu thuế đối với phần trị giá tài sản là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vượt quá 1,6 tỷ đồng ở doanh nghiệp (Thông tư số 219/2013/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC).

Nếu người nộp thuế là doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, thì quy định trên là dễ hiểu, vì liên quan tới thu chi tiêu ngân sách. Nhưng đối với doanh nghiệp 100% vốn tư nhân thì quy định trên có lẽ “lấn” vào quyền tự chủ của doanh nghiệp, vì bản thân các doanh nghiệp biết tự cân nhắc mua và sử dụng xe “xịn” đến mức nào là phù hợp.

Tiếp theo là quy định nhà đầu tư nước ngoài “lập danh mục hàng hóa đề nghị cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo tên nhóm hàng hoặc tên từng mặt hàng kèm theo mã HS tương ứng”… của Bộ Công thương tại Thông tư số 08/2013/TT-BCT. Quy định này đang làm cho nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu thị trường kinh doanh có thay đổi, hoặc khi có sự không nhất quán trong việc xác định mã hàng hóa giữa cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp…, gây lãng phí, làm giảm nguồn thu ngân sách.

Trong khi đó, Chính phủ quy định nội dung giấy phép kinh doanh (Nghị định số 23/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại) gồm: (1) hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa được quyền thực hiện, không yêu cầu ghi mã HS hàng hóa kinh doanh cụ thể; (2) các loại hàng hóa không được kinh doanh đối với từng hoạt động (ví dụ một số hạn chế được công bố tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT của Bộ Công thương); (3) các loại dịch vụ liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa được thực hiện.

Câu chuyện doanh nghiệp xuất khẩu mật ong phải là hội viên của Hội Nuôi ong Việt Nam được quy định tại Thông tư 23/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang là vấn đề “nóng”, cần có sự điều chỉnh thích hợp hơn để mặt hàng này có thể rộng đường thâm nhập thị trường thế giới.

Mới đây nhất, việc “lửng lơ” mục đích khi ban hành danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông (Thông tư số 15/2014/TT-BTTTT) cũng đang gây băn khoăn cho doanh nghiệp và có lẽ ngay cả cơ quan hải quan cũng không biết xử trí ra sao với hàng hóa thuộc danh mục nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 1/1/2015… 

Với cách tiếp cận mới nêu trên, giới công chức phải ý thức việc gỡ bỏ các quy định mang tính “xin - cho” trong công tác quản lý là việc cần làm ngay, nhằm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động quyết định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, thực hiện tốt chủ trương của Đảng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Tin bài liên quan