“Hiệu ứng domino” vây nhiều dự án ở Quảng Nam - Bài 2: Hàng chục dự án “cầm đèn chạy trước ô tô”

0:00 / 0:00
0:00
Việc cấp phép dự án ồ ạt, năng lực quản lý yếu kém, mất kiểm soát về đất đai của chính quyền địa phương đã “tạo điều kiện” cho nhiều nhà đầu tư mặc sức làm bừa, làm ẩu...
Dự án Khu đô thị 7B (mở rộng) do Công ty cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư.

Dự án Khu đô thị 7B (mở rộng) do Công ty cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư.

Bài 2: Hàng chục dự án “cầm đèn chạy trước ô tô”

Việc cấp phép dự án ồ ạt, năng lực quản lý yếu kém, mất kiểm soát về đất đai của chính quyền địa phương đã “tạo điều kiện” cho nhiều nhà đầu tư mặc sức làm bừa, làm ẩu...

“Cày bừa” trước, “báo cáo” sau

Điều mà chủ đầu tư các dự án lộng hành nhất tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc là tự ý chi tiền và tổ chức thi công rầm rộ trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Từ đây, công tác lập, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… rơi vào thế “việt vị” và chính quyền địa phương phải mất rất nhiều thời gian, công sức xử lý, tháo gỡ.

Tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư thể hiện, đến tháng 7/2021, tại thị xã Điện Bàn có đến 23 dự án khu dân cư - đô thị mà chủ đầu tư đã chi tiền và tổ chức thi công trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến mất hiện trạng, ảnh hưởng đến công tác thẩm định phương án giải phóng mặt bằng.

UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận, nội dung tổ chức kiểm tra thực tế (nếu cần) trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thị xã Điện Bàn ban hành kèm theo Quyết định số 2256/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của UBND thị xã vẫn chưa được hướng dẫn, quy định cụ thể, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án hiện nay.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, do các chủ đầu tư đã chi ứng trước tiền giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, nên việc mời các hộ lên làm việc và xác minh cũng gặp một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra.

Bên cạnh đó, việc san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng tại các dự án khi chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án là không đảm bảo quy định pháp luật.

Các chủ đầu tư đã triển khai thi công, san lấp mặt bằng, làm mất hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất của các hộ sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê, dẫn đến Hội đồng thẩm định không thể kiểm tra thực tế, nên không thể thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

“Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã, Trung tâm Giải phóng mặt bằng thị xã (trực thuộc UBND thị xã vào ngày 18/9/2017) mặc dù biết khi thẩm định phương án, có thể Hội đồng thẩm định tổ chức kiểm tra thực tế…, nhưng không thông báo, ngăn cản đơn vị chủ đầu tư thi công, san lấp mặt bằng để giữ nguyên hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất của các hộ sử dụng đất. UBND các xã, phường: Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Thắng Trung chưa quản lý để chủ đầu tư các dự án triển khai thi công, san lấp mặt bằng, làm mất hiện trạng trên đất khi chưa có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án”, UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, trước khi cơ quan chức năng thị xã Điện Bàn phát hiện vấn nạn trên, đa số nhân dân trong vùng dự án đã nhận tiền chi ứng trước và đồng ý với thỏa thuận của chủ đầu tư, đã bàn giao mặt bằng và không có ý kiến nào khác. Chính điều này đã phần nào “giúp sức” cho các chủ đầu tư có cơ hội làm bừa, làm ẩu.

Vì đâu nên nỗi?

Theo UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương giải thể Ban Quản lý phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, bàn giao nguyên trạng đô thị mới về UBND thị xã Điện Bàn quản lý (theo Quyết định 2272/QĐ-UBND ngày 23/6/2017) và thống nhất cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc do hiện trạng đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đầu tư theo kiểu “da beo”, hạ tầng kỹ thuật dang dở, chưa điều chỉnh khớp nối, gây ngập úng trong khu vực…

Sau đó, từ cuối năm 2017 đến nay, toàn bộ các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc phải dừng lại để rà soát, cập nhật, điều chỉnh ranh giới quy hoạch và khớp nối hạ tầng khung đô thị theo Quy hoạch phân khu điều chỉnh 1/2000 (được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 26/4/2019) và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục pháp lý dự án.

UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các dự án khu dân cư - đô thị chậm tổ chức triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh quy hoạch nhiều lần cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

UBND thị xã Điện Bàn xác định, việc san lấp mặt bằng, triển khai thi công xây dựng tại các dự án khi chưa có quyết định phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền để thực hiện dự án; làm mất hiện trạng cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trên đất của các hộ sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê, dẫn đến Hội đồng thẩm định không thể kiểm tra thực tế, nên không thể thẩm định phương án bồi thương, hỗ trợ và tái định cư là do các chủ đầu tư nôn nóng, đẩy nhanh xây dựng để đảm bảo tiến độ đã cam kết với UBND tỉnh.

Nguyên nhân thứ hai là việc gián đoạn kế hoạch sử dụng đất do khi tiếp nhận bàn giao đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương để thị xã Điện Bàn tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 tại đô thị mới, đồng thời các chủ đầu tư phải hoàn chỉnh thủ tục pháp lý dự án mới tiếp tục triển khai…

Một nguyên nhân nữa là một số dự án còn có các vướng mắc khác làm chậm trễ công tác giải phóng mặt bằng như: đất sản xuất thực tế thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có kết quả xác định nguồn gốc sử dụng đất (Dự án Khu đô thị Ven sông Dương Hội); hồ sơ đo đạc dự án có sự sai sót, cần phải điều chỉnh (Dự án Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa); đơn giá một số vật kiến trúc, mồ mả không nằm trong quy định theo Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam, nên phải mất thời gian để khảo sát và tổ chức họp lấy ý kiến (Dự án Khu dân cư đô thị Điện Thắng Trung).

“Do quản lý, thực hiện quá nhiều dự án, cũng như việc các chủ đầu tư chi ứng trước trực tiếp tiền cho các hộ dân, không qua đơn vị làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, nên Trung tâm Giải phóng mặt bằng thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn không thể ngăn cản, kiểm tra, giám sát hết việc các chủ đầu tư san lấp mặt bằng. UBND các xã, phường Điện Thắng Trung, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung chưa quản lý tốt hiện trạng đất đai tại địa phương”, UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận.

Tin bài liên quan