Hóa giải thách thức phủ bóng lên nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 4 bộ trưởng đã phân tích rõ hơn về 6 thách thức phủ bóng lên nền kinh tế cũng như giải pháp để thực hiện mục tiêu kép.
Tiêm chủng vắc-xin và thực hiện các biện pháp 5K đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 để duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Tiêm chủng vắc-xin và thực hiện các biện pháp 5K đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 để duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Còn dư địa cho tăng trưởng

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/7, Quốc hội sẽ xem xét tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng. Cụ thể là, con số này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản được Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).

Tuy nhiên, tại phiên họp ngày 24/6 của Ủy ban Kinh tế vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tại Kỳ họp thứ nhất.

“Chính phủ đã họp và chúng tôi kiến nghị thống nhất kiên định mục tiêu tăng trưởng, không điều chỉnh vội. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đúng là chưa đạt kế hoạch đề ra, tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội XIII đã đi vào cuộc sống, nhân sự mới kiện toàn, nhiều khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới, chúng ta đang triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19, dư địa các ngành, các lĩnh vực còn nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao, Bộ trưởng chia sẻ, kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng rõ hơn, quý III và quý IV sẽ làm thế nào, từng ngành, từng lĩnh vực sẽ làm gì và thấy rằng, hoàn toàn có dư địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Song, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cũng nhấn mạnh, phải có quyết tâm cao, có giải pháp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ nay đến cuối năm, vì tình hình phức tạp, khó lường trên cả thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam.

Đợt Covid-19 lần thứ tư đặt ra những tình huống mới

“Hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 còn hạn chế, nhiều chính sách chưa được thực thi tốt” là kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng là nhận xét của Ủy ban Kinh tế.

Đăng đàn tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung không tập trung lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, mà hơn một lần nhấn mạnh, cần thẳng thắn nhìn nhận tác động của đại dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này “có yếu tố phức tạp, nhạy cảm mới và đặt ra những tình huống mới”.

“Từ ngày 27/4 đến nay, có 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó, 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Con số tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh ưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng.

Nhưng, điều quan trọng hơn, theo Bộ trưởng, là đợt dịch lần này bắt đầu chuyển hướng sang cộng đồng mạnh hơn, tác động trực tiếp đến các khu chế xuất, khu công nghiệp. Cụ thể, đã có 60.000 người lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, 40.000 người lao động ở Bắc Ninh và 23.000 người lao động ở TP.HCM, Bình Dương bị ảnh hưởng. Có đến 5.840 công nhân đã trở thành F0; 37.496 công nhân là F1 và 5.900 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ông báo cáo những con số này để các đại biểu thấy tác động của dịch bệnh lần thứ tư rất phức tạp.

Trước tình thế ngặt nghèo này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết toàn bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động trong phòng chống dịch và đề ra chính sách toàn diện hơn. Trước mắt, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất một số chính sách cấp bách để hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động. Các chính sách sẽ tập trung vào 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất, là các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Nhóm thứ hai, là hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền.

Nhóm thứ ba, là hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại hoạt động.

“Cụ thể là chính sách gì, theo nguyên tắc nào, thì ngày mai chúng tôi báo cáo cấp có thẩm quyền, sau đó báo cáo Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, rồi Chính phủ quyết định chính thức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hồi âm sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, vừa qua, có rất nhiều chính sách, đến nay kết quả là gì, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm thế nào, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết. Bộ đang triển khai, sắp tới sẽ có báo cáo đầy đủ với Quốc hội, kể cả mặt được và không được.

Gần đủ tiền để tiêm vắc-xin cho 75 triệu dân

Sau phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận, chiến lược vắc-xin của Việt Nam gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc-xin.

Báo cáo rõ với Quốc hội lộ trình tiêm vắc-xin cho toàn dân cũng là ý kiến được nêu trong quá trình Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân là quyết sách của Bộ Chính trị và Chính phủ đang triển khai quyết liệt. Được sự ủng hộ của Thường vụ Quốc hội, 14.000 tỷ đồng đã được bố trí vào dự toán để tiêm vắc-xin phòng Covid-19, cùng với Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 hiện có khoảng 8.000 tỷ đồng, nghĩa là gần đủ để mua vắc-xin tiêm cho 75 triệu dân, mỗi người 2 mũi.

Vẫn theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chỉ có vắc-xin và các biện pháp 5K mới ngăn chặn được đại dịch Covid-19, duy trì phát triển kinh tế - xã hội, còn “chính sách hỗ trợ chỉ để vượt qua đận này thôi”.

Để vượt qua “đận này”, theo Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, như giảm thuế/giãn, hoãn thuế đến ngày 31/12/2022 rất kịp thời; phụ cấp đặc thù đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc-xin; chính sách về đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 được tính giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm giá điện, tiền ăn cho trẻ em trong khu cách ly; hỗ trợ người lao động; hỗ trợ xét nghiệm Covid-19...

Trình Quốc hội sửa Luật Đất đai vào tháng 6/2022

Hồi âm sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội về giải pháp tháo gỡ những chồng chéo của quy định pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các dự án đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) đang được đẩy nhanh tiến độ. Riêng Luật Đất đai (sửa đổi) - vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ quyết tâm trình Quốc hội khóa XV vào Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022), trong các nội dung xử lý khi sửa đổi có liên quan đến hành lang pháp lý cho condotel, officetel...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, sẽ đề xuất và nếu Quốc hội nhất trí, thì sẽ bổ sung vào Kỳ họp thứ 2 dự án một luật sửa đổi 3 - 4 điều của 3 - 4 luật khác nhau, những điều thật cần thiết nhất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và phòng chống Covid-19.

Ví dụ, dự kiến nới thời gian lưu kho ngoại quan với một số hàng hóa do Covid-19 không chuyển được, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhà đầu tư sản xuất xe điện chạy pin để bảo vệ môi trường, sửa một số điều về thi hành án dân sự để thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi được nhiều tài sản hơn.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu về hạn chế trong thi hành pháp luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, trước đây, Chính phủ đã quyết liệt rồi, hiện nay càng quyết liệt, đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế với tinh thần cầu thị. Tới đây, sẽ quyết tâm hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Khen, phê phải đúng địa chỉ

Sau khi nghe cả 4 Bộ trưởng phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế chủ trì phải khách quan, chính xác, có địa chỉ. Ủy ban đã có văn bản gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị đôn đốc để Ủy ban có thêm thông tin, trước ngày 3/7/2021 có báo cáo để Ủy ban cập nhật thông tin báo cáo 6 tháng.

“Chỗ nào tốt phải khen, chỗ nào không tốt kịp thời phê bình, nhắc nhở, nhưng phải đúng địa chỉ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan