Hoàng Tuấn Anh, CEO Công ty PHG Lock: Muốn làm việc lớn, phải huy động sức mạnh cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
Sau dịch, Hoàng Tuấn Anh - cha đẻ của mô hình “ATM gạo”, “ATM ô xy” tiếp tục ấp ủ một dự án cộng đồng mới. Anh chia sẻ, để đi từ ý tưởng đến hiện thực, cần có sự chung tay của cộng đồng, như cách mà các mô hình “ATM” đã lan tỏa.
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, người đang ấp ủ những dự án cộng đồng mang sức lan tỏa lớn.

Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, người đang ấp ủ những dự án cộng đồng mang sức lan tỏa lớn.

Trở lại đường đua

Gặp lại Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHG Lock) sau hơn một năm kể từ khi TP.HCM chính thức gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội. Vẫn là một chàng doanh nhân trẻ cởi mở, tự tin của ngày nào, nhưng sự khác biệt dễ nhận thấy ở anh trong lần gặp này là những trăn trở về một dự án cộng đồng, nhưng lần này đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Khởi đầu cuộc trò chuyện, Tuấn Anh cho biết, hoạt động kinh doanh khóa điện tử của Công ty đã phục hồi mạnh mẽ sau những tháng ngày cùng cả nước chống dịch. “Nhờ khẳng định thương hiệu trong nhiều năm liền, nên sau khi bắt tay vào việc tái khởi động, doanh số của công ty bắt đầu tăng trưởng trở lại, về mức 100 tỷ đồng như thời điểm năm 2020”, Tuấn Anh hồ hởi nói.

Anh cho biết, lĩnh vực khóa điện tử cạnh tranh gay gắt trong những năm gần đây, nhưng PHG Lock lâu nay không làm marketing, mà dồn nguồn lực đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Tất cả sản phẩm công ty đang phân phối đều do anh nghiên cứu, phát triển và thuê doanh nghiệp nước ngoài gia công. Sau quá trình nghiên cứu, cải tiến liên tục, sản phẩm đã đạt mức hoàn thiện với tỷ lệ hư hao chỉ còn 1 - 2%, thời gian chống cháy lên đến 120 phút.

Không chỉ ở thị trường Việt Nam, PHG Lock bắt đầu lấn sang một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Malaysia. Tất nhiên, việc mang quân ra nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng. Tại Campuchia, bên cạnh những rào cản về ngôn ngữ, phong cách làm việc, nguồn nhân lực, Tuấn Anh thừa nhận, chưa có sự tăng trưởng tốt vì phải mất gần 2 năm phát triển thị trường do không trực tiếp mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, mà thông qua đại lý.

“Từ thực tế này, tôi muốn phát triển ra nước ngoài bằng chính nguồn lực của mình và địa điểm đầu tiên tôi chọn là quê hương của vợ tôi - Malaysia. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam đã mất 5 năm lỗ ban đầu, khi ra một thị trường khác lại mất thêm 5 năm lỗ nữa, nếu như vậy nhiều khi doanh nghiệp của mình cũng không tồn tại được. Ai đi ra ngoài cũng sẽ thấy rất cần sự hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đường khi chân ướt chân ráo đến một vùng đất, khai phá một thị trường mới”, Tuấn Anh nói.

Do đó, làm sao để có thể kết hợp được với nhiều doanh nghiệp Việt khác cùng khai phá thị trường mới là điều mà anh trăn trở.

Kỳ vọng vào Vietnam Town

Trên diện tích đất rộng hơn 6.000 m2 tại trung tâm TP. Johor Bahru - nơi được gọi là thiên đường mới nổi của Malaysia, đây là khu đất hiếm hoi có view biển, hướng sang Singapore và cách cửa khẩu qua Woodland (Singapore) chỉ 1 km, Hoàng Tuấn Anh đang ấp ủ thực hiện dự án mang tên Vietnam Town, nhằm tạo địa điểm để cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam đến Malaysia và thậm chí là Singapore có được một nơi ổn định để kinh doanh.

Với Tuấn Anh, Vietnam Town không chỉ đơn thuần là một dự án thương mại. Điều thôi thúc anh thực hiện dự án này là trong lúc qua Malaysia để tìm hiểu và khảo sát thị trường, anh thấy lực lượng lao động người Việt rất nhiều, nhất là trong các ngành xây dựng và dịch vụ. Dù thu nhập tốt, nhưng cuộc sống của họ lại rất bấp bênh, không được hỗ trợ nhiều về các vấn đề pháp lý. Do đó, anh tâm niệm, khi càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam qua đó thì cộng đồng người Việt sẽ có cuộc sống và công việc tốt hơn, ít ra họ sẽ không cảm thấy lạc lõng trên đất khách.

Đi đi, về về giữa Việt Nam và Malaysia liên tục mấy tháng liền, đến nay dự án đã có những đường nét đầu tiên. Hiện trụ sở chính của dự án đang được xây dựng với diện tích khoảng 2.000 m2. Đây sẽ được dùng làm nơi lưu trú và đặt văn phòng của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thị trường ở Malaysia.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục xây 3 tòa nhà để phục vụ nhu cầu thuê văn phòng. Trước mắt, khu nhà hàng và khách sạn đang dần hoàn thành và có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh. Nơi đây sẽ là trạm dừng chân cho du khách đi tour Singapore - Malaysia, bên cạnh các hoạt động giới thiệu món ăn, sản phẩm Việt Nam”, Tuấn Anh thông tin thêm.

Tuấn Anh cho rằng, thế giới có China Town, Hongkong Town, Korea Town..., nhưng hiếm có Vietnam Town. Do đó, việc xây dựng Vietnam Town tại Malaysia với anh như một niềm tự hào của người Việt và kết nối 60.000 người Việt đang sinh sống tại TP. Johor Bahru với đất nước bạn.

“Vietnam Town sẽ trở thành ngôi nhà mang quê hương xứ sở đến với những người con xa quê để họ có chút điểm tựa. Khi đi vào hoạt động, nơi đây còn trở thành trụ sở để các doanh nghiệp Việt có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp Malaysia hay cả Singapore, thậm chí là các quốc gia lân cận khác. Dự án còn giúp hình ảnh Việt Nam đến gần hơn bạn bè quốc tế”, Hoàng Tuấn Anh bộc bạch.

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 20 triệu USD, Tuấn Anh thừa nhận, nếu chỉ một mình anh thực hiện thì rất khó để hoàn thành. “Chắc chắn là vậy, nên mình cũng muốn có thêm các nhà đầu tư góp sức, có thể thông qua hình thức liên kết hay độc lập và quan trọng hơn là có cùng định hướng”, Tuấn Anh nói.

Cũng như các mô hình “ATM gạo” hay “ATM ô xy” mà anh là người khởi xướng trong hai năm dịch bệnh hoành hành. Khi TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội, mặt hàng khóa điện tử không thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu nên không làm ăn được gì, nhưng thay vì ngồi nhà theo dõi thời sự, đếm số ca bệnh rồi suy nghĩ dịch sẽ đưa mình đến đâu, anh nghĩ tới việc làm gì đó giúp những người yếu thế trong lúc khó khăn. “ATM gạo”, “ATM ô xy” đã ra đời như vậy.

Nhưng nếu chỉ có một Hoàng Tuấn Anh thì có lẽ, những mô hình “ATM” nói trên sẽ không lan tỏa được trên cả nước và được các hãng thông tấn CNN, Reuters giới thiệu như giải pháp giúp người khó khăn trong đại dịch Covid-19. Nói như Hoàng Tuấn Anh, “ATM gạo” hay “ATM ô xy” sẽ không tạo ra được kỳ tích nếu không có sự chung tay, góp sức hỗ trợ cộng đồng.

“Việt Nam mình rất đặc biệt trong mùa dịch, nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng làm được những điều lớn lao khiến thế giới phải ngỡ ngàng. Điều này được xây dựng trên tinh thần đoàn kết của người Việt mình”, Tuấn Anh chia sẻ, mình không phải là chủ dự án này, mà chỉ là thành viên để kết nối cho mọi người cùng làm với nhau.

Thông qua các chương trình cộng đồng ấy đã giúp anh trưởng thành hơn khi biết yêu thương con người, có trách nhiệm đất nước, với cộng đồng và quan trọng hơn cả, là “tuy mình nhỏ nhưng mình không chịu khuất phục, mình phải đoàn kết lại để làm việc lớn”.

Cũng như dự án Vietnam Town, khi khởi xướng dự án này, anh đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước sở tại. “Tôi tin rằng, dự án sẽ thành công, vì mình không đi một mình, mà còn có sự chung sức của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp khác”.

Với doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, việc dùng hai tiếng “Việt Nam” để đặt tên của một dự án ở nước ngoài là một áp lực rất lớn, vì nó không chỉ liên quan đến thành bại của một doanh nghiệp, mà còn là thương hiệu của một quốc gia. Nhưng anh tin, dù không phải là doanh nghiệp lớn, nhưng muốn lớn thì phải đi cùng nhau. Khi đó, Vietnam Town không còn là một dự án kinh doanh đơn thuần, mà đó là hành trình cộng đồng được lan tỏa từ trí tuệ và tấm lòng của một người đến trái tim của mọi người.

Tin bài liên quan