Hoạt động khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng: Báo động tình trạng vượt công suất, “né” thuế

0:00 / 0:00
0:00
Dù bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, song không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại Lâm Đồng vẫn khai thác vượt công suất, không lắp đặt trạm cân, camera giám sát với mục đích trốn thuế.
Nhiều doanh nghiệp khoáng sản ở Lâm Đồng khai thác vượt công suất được cấp phép

Nhiều doanh nghiệp khoáng sản ở Lâm Đồng khai thác vượt công suất được cấp phép

Khai thác ngoài ranh giới, vượt công suất được cấp phép

Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt (Công ty Địa ốc Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá phường 7 từ năm 2013, thời hạn theo giấy phép đến 17/9/2038. Tuy nhiên, Văn bản số 7213/UBND-GT ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động khai thác xây dựng trên địa bàn TP. Đà Lạt chỉ cho phép công ty này khai thác đến năm 2025.

Kết luận số 01 (ngày 4/1/2021) của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho thấy, Công ty Địa ốc Đà Lạt đã bóc tầng phủ ngoài ranh giới cấp phép diện tích 500 m2; khai thác không đúng các thông số của hệ thống khai thác theo hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công công trình xây dựng mỏ được thẩm định, phê duyệt; một số vị trí có nguy cơ mất an toàn trong khai thác; chưa lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực khai thác, chế biến... Công ty đang sử dụng 0,93 ha đất để làm mặt bằng sân công nghiệp và công trình phụ trợ, dù đã hết thời hạn thuê đất và chưa được cấp thẩm quyền cấp phép lại.

Đáng chú ý, Công ty không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ hàng năm (từ năm 2014 đến nay) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi theo quy định.

Tháng 10/2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiến hành kiểm tra nhiều doanh nghiệp khai thác cao lanh, đá xây dựng tại xã Lộc Châu (TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và phát hiện nhiều vi phạm.

Tháng 12/2020, Tổng cục đã có yêu cầu xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp có vi phạm, như Công ty cổ phần L.Q Joton Lâm Đồng, Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện Công ty TNHH Anh Kiên, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng…

Sở này còn phát hiện Công ty Địa ốc Đà Lạt đang sử dụng 1.000 m2 (thuê lại) để đặt trạm trộn bê tông và sản xuất, kinh doanh mặt hàng bê tông tươi thương phẩm tại TP. Đà Lạt từ năm 2014 đến nay, nhưng chưa có văn bản chấp hành của cấp thẩm quyền.

Với những hành vi trên, tháng 5/2021, Công ty Địa ốc Đà Lạt bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt 100 triệu đồng.

“Dính” loạt vi phạm về khoáng sản và đất đai, ngày 7/7/2021, Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng bị xử phạt đến 520 triệu đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, công ty này khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt và đổ thải không đúng vị trí xác định theo thiết kế. Liên tục từ năm 2018 - 2020, Công ty khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói, sử dụng 2,2 ha đất nông nghiệp nhưng không làm thủ tục thuê đất.

Bị phạt với số tiền phạt “khủng” nhất là trường hợp của Công ty TNHH Dương Phát (phường 5, TP. Đà Lạt). Công ty này bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt lên đến 800 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép (năm 2018, 2019, khai thác vượt công suất 100% và năm 2020 vượt 48%).

“Né” lắp đặt camera, trạm cân

47 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện lắp đặt trạm cân và 38 tổ chức, cá nhân chưa thực hiện lắp đặt camera giám sát theo quy định. Đó là con số được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa nêu ra sau khi phối hợp khảo sát với Công ty Viễn thông Lâm Đồng và báo cáo của các huyện, thành phố.

Trong danh sách này, có Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc (TP. Bảo Lộc), Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt, Công ty TNHH Tâm Phong (huyện Đạ Huoai), Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đơn Dương, Công ty TNHH Phú Quý (Đà Lạt)...

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, tỉnh đã cấp 90 giấy phép khai thác khoáng sản, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 6 giấy phép. Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, một số đơn vị chưa lắp đặt camera tại trạm cân, trạm cân lắp đặt không đúng vị trí quy định hoặc không hoạt động, khiến cơ quan quản lý, cơ quan thuế khó trích xuất số liệu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra; lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ sổ sách, chứng từ kê khai sản lượng khai thác thực tế; hàng tháng không kê khai nộp đầy đủ cho cơ quan thuế. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do việc kiểm tra, giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt và ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản còn hạn chế, thực hiện mang tính đối phó”, Sở Tài nguyên và Môi trường nêu thực trạng.

Trước đó, ngày 2/8/2021, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường “điểm danh” hàng chục doanh nghiệp khai thác khoáng sản không có giấy phép, khai thác vượt công suất cấp phép, không lắp đặt trạm cân, camera giám sát, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép, không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư, theo thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Ngày 13/8/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân có các hành vi khai thác, kê khai nghĩa vụ tài chính mà không có giấy phép khai thác khoáng sản và có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp theo xác định của Cục Thuế tại văn bản trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sản lượng khoáng sản khai thác của doanh nghiệp từ các nguồn dữ liệu trích trong bộ nhớ camera, sổ sách ghi chép hợp pháp tại trạm cân và giấy phép khai thác khoáng sản là căn cứ để đối chiếu với sản lượng kê khai tại cơ quan thuế, giúp xác định sản lượng khoáng sản tính thuế, phí, ấn định thuế theo quy định pháp luật… Vì thế, việc các doanh nghiệp “né” lắp đặt trạm cân, camera giám sát không gì khác ngoài mục đích trốn thuế.

Tin bài liên quan