Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam kết luận việc mua bán, chuyển nhượng giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không cấu thành hành vi tập trung kinh tế

Hội đồng Cạnh tranh Việt Nam kết luận việc mua bán, chuyển nhượng giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không cấu thành hành vi tập trung kinh tế

“Hồi chuông” cảnh báo tập trung kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Dù giá trị và số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giảm tới 50% trong nửa đầu năm 2023, nhưng thị trường lại chứng kiến làn sóng thâu tóm của nhà đầu tư ngoại, trái ngược với diễn biến năm ngoái. Điều này gióng lên “hồi chuông” cảnh báo về tập trung kinh tế.

Giá trị và số thương vụ M&A giảm mạnh

Khoảng 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn, đã làm “nóng” thị trường M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 năm đại dịch, các tên tuổi trong nước gần như vươn mình trở thành những “tay chơi” chính.

Ông Lê Thanh Sơn, đại diện Ban Giám sát cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - VCC) thừa nhận, các hồ sơ thông báo tập trung kinh tế được gửi đến các cơ quan chức năng ngày càng nhiều. Lý do là, nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài quan tâm vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau mấy năm đại dịch Covid-19, cùng những bất ổn, suy thoái kinh tế trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, M&A là một trong các phương thức tỏ ra hiệu quả hơn cả. Nó giúp doanh nghiệp khó khăn về tài chính có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư; giảm thiểu nguy cơ thua lỗ, phá sản. M&A cũng tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận, chuyển giao kinh nghiệm về quản trị điều hành, quản lý và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.

Thực tế, 4 năm thi hành Luật Cạnh tranh (sửa đổi) mang đến những thay đổi đáng kể trong các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế trong các giao dịch M&A tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày 29/3/2023, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (VCC), cơ quan đầu mối thực thi pháp luật cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công thương) cũng đã chính thức được thành lập.

Theo dữ liệu từ FiinGroup, số lượng và giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2021. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của những khó khăn trên thị trường thế giới cũng như Việt Nam, M&A chứng kiến sự suy giảm cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt gần 2,7 tỷ USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng giao dịch thành công cũng giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Trong năm 2022, giao dịch M&A đến từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Song năm 2023, do khó khăn của các doanh nghiệp trong nước, nên doanh nghiệp nước ngoài vươn lên trong hoạt động M&A.

Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Tư vấn của FiinGroup cho rằng, số lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua do các nhà đầu tư nước ngoài nhận định hiện là thời điểm khó khăn, nhưng lại là cơ hội cho việc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Số lượng giao dịch M&A có giá trị trên 1.000 tỷ đồng không nhiều, vì thông thường, đạt ngưỡng giá trị đó phải thông báo tập trung kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có khoảng 10 giao dịch đạt ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị lên tới 2,3 tỷ USD. Trong đó, hai lĩnh vực “hút” giao dịch M&A lớn nhất tại Việt Nam là bất động sản và ngân hàng.

Các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Thái Lan hoạt động tương đối tích cực trên thị trường. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành thương vụ M&A với giá trị lớn và cần phải xem xét tập trung kinh tế.

Nhận diện tập trung kinh tế

Trong hơn 20 năm qua, ước tính, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A, với giá trị đạt gần 50 tỷ USD.

Riêng năm 2021 và 2022, Bộ Công thương đã tiếp nhận và xem xét tương ứng 130 và 154 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, trong khi năm 2020 chỉ có 62 hồ sơ. Riêng trong quý I/2023, có 76 hồ sơ. Trong đó, các giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện chủ yếu ở khu vực châu Á và tại Việt Nam.

Các giao dịch tập trung kinh tế được thông báo với hình thức “mua lại” chiếm tỷ lệ 70% và tập trung kinh tế theo chiều ngang giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan chiếm tỷ lệ 60%. Đặc biệt, trong năm 2021, tại thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều giao dịch tập trung kinh tế mà chủ thể là các doanh nghiệp cũng như tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, Massan, Kido...

Theo các chuyên gia, các ngành có mức độ tập trung kinh tế cao như trong lĩnh vực nông nghiệp có phân ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, cây trồng; trong khai thác khoáng sản có phân ngành dầu khí, quặng kim loại; trong lĩnh vực sản xuất - chế biến có sản xuất sữa, thịt, bia, mô tô, xe máy, dệt may, da giày...; lĩnh vực dịch vụ có phân ngành bán buôn, bán lẻ, chuyên doanh, dịch vụ vận tải đường đường sắt, hàng không, bảo hiểm...

Tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, ngân hàng được các chuyên gia nhận định sẽ thu hút tập trung kinh tế trong giai đoạn tới.

Theo ông Lê Thanh Sơn, trong 7 yếu tố tiêu cực có khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường khi thẩm định chính thức, thì 3 yếu tố định lượng đã được đánh giá ở bước thẩm định sơ bộ.

Còn lại 4 nội dung được đánh giá sâu hơn ở bước thẩm định chính thức, gồm: lợi thế cạnh tranh của các hoạt động tập trung kinh tế; đánh giá khả năng tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận; đánh giá khả năng doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế có khả năng loại bỏ hoặc ngăn cản các doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường; các yếu tố đặc thù khác trong ngành…

Đáng chú ý, số lượng thương vụ phải thẩm định chính thức ở Việt Nam rất ít, chỉ dưới 3%. Nhưng qua ví dụ về thương vụ Grab mua lại Uber Đông Nam Á trong năm 2018, có thể thấy rõ điều này.

Khi đó, Ủy ban Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (CCS) mở cuộc điều tra để làm rõ việc sáp nhập Uber - Grab có gây nên tình trạng độc quyền tại quốc gia này hay không.

Theo đó, họ đánh giá trên 4 yếu tố và xác định rằng, giao dịch này có gây ra sự hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. Vì Grab và Uber là hai doanh nghiệp dẫn đầu ngành dịch vụ kết nối lái xe và người đi xe theo lộ trình, nên sau khi giao dịch, Grab sẽ có lợi thế lớn để củng cố vị trí dẫn đầu, thu hút nhiều khách hàng và tài xế hơn. Bên cạnh đó, giao dịch này giúp Grab loại bỏ đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ và trực tiếp nhất, do đó, hãng này có thể tự mình tăng giá dịch vụ.

Grab cũng có khả năng ngăn cản các doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường do hiệu ứng mạng lưới từ nền tảng đặt xe lớn của họ. Ngoài ra, một yếu tố đặc thù trong ngành taxi công nghệ đáng lưu tâm là cần nguồn vốn lớn và thời gian dài xây dựng để có được mạng lưới khách hàng và tài xế đủ lớn.

Từ những phân tích trên, cơ quan quản lý cạnh tranh của Singapore đưa ra những biện pháp yêu cầu Grab và Uber thực hiện các biện pháp nhằm giảm tác động hạn chế cạnh tranh.

Chẳng hạn, cơ quan này yêu cầu Grab phải hủy bỏ những cam kết độc quyền với các tài xế sử dụng nền tảng đặt xe của họ, để tài xế và người sử dụng có nhiều sự lựa chọn hơn, hoặc yêu cầu Uber phải bán mảng kinh doanh về thuê xe cho đối thủ cạnh tranh khác để tăng thêm nhà cung cấp trên thị trường.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cạnh tranh tại Singapore còn có biện pháp xử lý bằng yếu tố tài chính thông qua hình phạt bằng tiền đối với các lỗi vi phạm do giao dịch gây ra hoặc có khả năng gây ra hạn chế cạnh tranh đáng kể.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều quy định liên quan xử lý vi phạm về tập trung kinh tế đã được ban hành. Chẳng hạn, hành vi không thông báo khi tập trung kinh tế bị phạt tiền từ 1% đến 5% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 33, Luật Cạnh tranh.

Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam, ngoài bị phạt tiền như trên, còn chịu hình phạt bổ sung và phải đưa ra biện pháp khắc phục hậu quả...

Đại diện của Ban Giám sát cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) cho rằng, chính sách kiểm soát tập trung kinh tế trong thời gian tới cần được quan tâm một cách đồng bộ, để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo tuân thủ pháp luật về tập trung kinh tế.

Tin bài liên quan