Hội nghị trực tuyến về đầu tư công sẽ được tổ chức vào cuối tháng Tư

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nội dung này vào cuối tháng 4/2020. Đây cũng là một trong những động thái nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh ứng phó dịch COVID-19.
Hội nghị trực tuyến về đầu tư công sẽ được tổ chức vào cuối tháng Tư

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư về việc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4/2020.

Trước đó, trong Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị này.

Để tổ chức Hội nghị kịp thời và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương khẩn trương báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tập trung đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm ngành giao thông, ngành nông nghiệp…

Theo yêu cầu của Thủ tướng, trong báo cáo, phải nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (chủ quan và khách quan), kiến nghị giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/4/2020 để tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao chuẩn bị báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2020 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020).

Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020; tổng hợp các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị từ các bộ ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2020.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc thúc tiến độ các dự án trọng điểm và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ rất coi trọng.

Trong Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA).

Số vốn đầu tư công dự kiến phải giải ngân theo kế hoạch năm 2020 là khoảng 620.000 tỷ đồng, bao gồm cả phần chuyển nguồn từ năm 2019.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần tập trung triển khai, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Hiện, để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất, và Thường trực Chính phủ cũng đã nhất trí sẽ trình Quốc hội quyết định đưa 3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức PPP vào danh mục đầu tư công để khởi công trong tháng 8/2020.

Đó là các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) đến quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 64km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.918 tỷ đồng; đoạn từ quốc lộ 45 đến Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.333 tỷ đồng; đoạn từ Phan Thiết (Bình Thuận) đến Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km, tổng mức đầu tư dự kiến 14.359 tỷ đồng.

Ngoài các dự án này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020..., không được để chậm trễ như vừa qua.

Tin bài liên quan