Hội thảo C2C của HSC: "Masan câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Buổi hội thảo C2C chủ đề "Masan: Từ tiêu dùng truyền thống đến đế chế tiêu dùng – công nghệ" do Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) tổ chức ngày thứ Ba (30/8) vừa qua đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ về chiến lược và cách thức thực hiện chiến lược của MSN - một cổ phiếu đang giao dịch thấp hơn 45% so với định giá của HSC.
Hội thảo C2C của HSC: "Masan câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam"

Bóng dáng Walmart ở Việt Nam

Theo các chuyên gia của HSC, kể từ 2010 cho đến nay, ngành bán lẻ đã chuyển hướng sang một mô hình có thể nói là toàn diện nhất – mô hình Online-to-Offline (O2O), trong đó các DN sẽ kết hợp cả 2 phương thức mua hàng trực tuyến và mua hàng trực tiếp tại cửa hàng nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng. Khách hàng có thể xem trước các sản phẩm trên mạng, so sánh giá cả, rồi ra cửa hàng mua hàng, hoặc ngược lại, họ cũng có thể tới cửa hàng để thử và trải nghiệm sản phẩm, rồi sau đó mới thực hiện đặt hàng trực tuyến và hàng hóa sẽ được ship thẳng về nhà.

Trong tương lai, sẽ còn nhiều mô hình hiện đại hơn, số hóa nhiều hơn và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ khó có thể tồn tại nếu “dậm chân tại chỗ” với mô hình truyền thống khi phải cạnh tranh với các ông vua Thương mại điện tử như eBay, Amazon.

Tại Mỹ, tính đến cuối năm 2021, trong Top 10 công ty bán lẻ hàng đầu thế giới, nhà bán lẻ Walmart còn bỏ xa cả đối thủ cạnh tranh lớn là Amazon với mức doanh thu bình quân là 538,15 tỷ USD, trong khi đó con số của Amazon chỉ là 330,2 tỷ USD. Walmart chiếm thị phần lớn nhất trong số các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Mỹ.

Nguyên nhân là nhà bán lẻ này đã xây dựng mô hình kinh doanh hiểu đơn giản là Online-to-Offline, nhưng đã tiến xa hơn các đối thủ bằng cách thiết lập một “Hệ sinh thái” được mở rộng và phát triển thông qua M&A và hợp tác chiến lược.

“Hệ sinh thái” của Walmart nhìn qua thì vô cùng phức tạp, với hàng trăm nhánh nhỏ và các công ty con. Tuy nhiên để hiểu đơn giản thì Walmart xây dựng hệ sinh thái này nhằm phục vụ cùng một lúc các nhu cầu khác nhau của khách hàng tại một điểm dừng chân: Từ hàng tiêu dùng thiết yếu (Walmart, Walmart Superstore, Sam’s Club), Thuốc & các sản phẩm sức khỏe (Walmart Pharmacy, Walmart Vision Centre), các sản phẩm phong cách sống, cho đến các dịch vụ tài chính (Walmart Pay, Mobile Express).

Cũng chính nhờ “Hệ sinh thái” này mà Walmart không chỉ giữ vững vị thế của mình trong ngành hàng bán lẻ, mà còn góp phần chuyển biến doanh nghiệp và đẩy mạnh thị phần E-commerce tại Mỹ (mặc dù vẫn khó có thể so sánh với các “ông trùm” thương mại điện tử như Amazon).

Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng nhanh chóng học hỏi và bắt kịp với xu hướng tiêu dùng trên thế giới, nhất là xu hướng “số hóa”. Mặc dù kênh mua sắm truyền thống vẫn là một kênh được người tiêu dùng lựa chọn và tin tưởng, nhưng kênh mua sắm online được dự báo sẽ tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ trong giai đoạn những năm sắp tới, với tăng trưởng kép (CAGR) được dự báo ở mức 31%/năm.

Điều này cho thấy rằng, để các doanh nghiệp tiêu dùng – bán lẻ có thể thành công tại Việt Nam thì cần phải biết cách kết hợp hài hòa giữa xây dựng một nền tảng mua sắm online tiện lợi, phát triển và xây dựng một mạng lưới các cửa hàng vật lý rộng khắp nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc áp dụng mô hình Offline-to-Online tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại là phù hợp, và doanh nghiệp với tiềm năng này không ai khác chính là Masan với chuỗi cửa hàng rộng khắp, đồng thời là tiềm lực đủ lớn để có thể triển khai thành công mô hình của Walmart tại Việt Nam.

Masan: Phát triển offline - Bùng nổ online

Chia sẻ của đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) tại hội thảo cho thấy, sự phát triển bài bản hệ thống bán hàng đa kênh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đạt hiệu quả kinh doanh và tập trung vào khách hàng đã và sẽ là lợi thế khác biệt, thậm chí là duy nhất của Masan tại thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tại hội thảo, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc Chiến lược và Phát triển MSN chia sẻ: “Hiện nay, Masan đã xây dựng hệ thống điểm bán ở cả offline là các cửa hàng, ở trên online qua web, qua app và chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống logistic để đưa hàng hóa đến khách hàng nên tôi nghĩ rằng cơ đồ tăng trưởng của Tập đoàn Masan là rất lớn, khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng giàu, nhu cầu tiêu thụ khác đi và có nhu cầu mua sắm ở rất nhiều kênh khác nhau để đáp ứng nhu cầu đó. Nên câu chuyện của Masan là câu chuyện tăng trưởng của người tiêu dùng Việt Nam trong các năm tới”.

Với mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn và thường xuyên của người tiêu dùng Việt Nam, Masan đã xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ cung ứng các sản phẩm dịch vụ phục vụ 80% nhu cầu người tiêu dùng tại các điểm bán O2O gồm các thương hiệu có vị trí số 1 trong lĩnh vực của mình (xem hình)

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc WinCommerce, CTCP Tập đoàn Masan nhấn mạnh, WinCommerce là hệ thống bán lẻ có quy mô và độ phủ trên toàn quốc, đã có được mô hình mô hình thành công và tăng trưởng lợi nhuận trong 2 năm qua. Với kế hoạch quản trị danh mục hàng hóa và biên lợi nhuận tốt, trong 6 tháng đầu năm đã mở mới hơn 200 cửa hàng mini mart đạt lợi nhuận dương và mở thêm 6 siêu thị. Đến cuối năm, WinCommerce sẽ phát triển hệ thống cửa hàng siêu thị mạnh mẽ hơn sau khi quý 2 đã thành công trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm, đánh giá địa điểm và xác định danh mục hàng hóa phù hợp, cũng như ra mắt thành công mô hình nhượng quyền.

“Với thế mạnh như vậy, chúng tôi tự tin sẽ phát triển vượt bậc, WinCommerce sẽ giữ vững vai trò dẫn đầu ở thị trường bán lẻ Việt Nam”, bà Phương nói.

Tới đây, Masan sẽ phát triển mô hình Mini mall tích hợp các sản phẩm dịch vụ của hệ sinh thái Masan, đáp ứng hầu hết nhu cầu của người tiêu dùng tại một điểm dừng chân tại Hà Nội và TP.HCM, sau đó phát triển các tỉnh thành khác. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp Masan tăng hiệu quả hoạt động trên quy mô lớn, phục vụ người tiêu dùng, không chỉ lựa chọn địa điểm mở cửa hàng, tối ưu hóa danh mục hàng hóa, mà còn tạo ra sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng diện rộng, nền tảng khách hàng thân thiết hấp dẫn và cá nhân hóa, nền tảng bán nhu yếu phẩm trực tuyến được cá nhân hóa mạnh mẽ.

Chia sẻ thêm tại hội thảo, ông Nam Anh cho biết, Công ty Meat Deli có kế hoạch tăng doanh thu, đưa giá bán gần giá chợ hơn và có chính sách bán hợp lý khi ra chuỗi Mini mall.

Còn chuỗi nhà thuốc DrWin sẽ phát triển thế mạnh là đội ngũ các bác sỹ chuyên gia tư vấn, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho cộng đồng dân cư. Định vị mô hình DrWin rất khác biệt với mỗi cửa hàng Winstore được mở ra thì có một DrWin đi cùng nên dự kiến có 500-1.000 cửa hàng DrWin.

Bà Phương nhấn mạnh thêm, online là thị trường tiềm năng để phát triển nhưng để có lợi nhuận không dễ dàng. Masan không đốt tiền xây dựng kênh tạo quy mô lớn mà không tạo ra lợi nhuận.

“Chúng tôi quan sát nhu cầu của khách hàng. Với hạ tầng gần 3.200 điểm bán trên toàn quốc, hệ thống logictic, việc kết nối từ offline sang online rất dễ dàng. Khi xây dựng xong nền tảng hỗ trợ thì mảng online của Masan sẽ bùng nổ đảm bảo cho nhà đầu tư và Masan có lợi nhuận”, bà Phương bật mí.

Bà Bùi Nguyễn Cẩm Giang, chuyên gia phân tích cao cấp Ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ HSC định giá cổ phiếu MSN là 165.000 đồng/cổ phiếu so với giá hiện nay cao hơn 45%. Dù lạm phát ảnh hưởng đến tiêu dùng và doanh số bán lẻ, nhưng bà Giang đánh giá cao khả năng tăng trưởng mảng hoạt động kinh doanh chính của Masan.

Tin bài liên quan