Niềm tin về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành công đang lớn dần

Niềm tin về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành công đang lớn dần

Hội tụ nhiều kỳ vọng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở thời điểm đặc biệt: phục hồi sau một giai đoạn khó khăn, đồng thời chuẩn bị đón nhiều kỳ vọng lớn sẽ thành hiện thực.

Niềm tin nâng hạng lớn dần

Giám đốc truyền thông của một công ty đầu ngành xây dựng chia sẻ, thời gian gần đây, bộ phận IR của công ty này khi tiếp xúc với các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư thì đều nhận được thông tin đánh giá “nhiều khả năng nâng hạng thị trường thành công”.

Niềm tin về khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thành công đang lớn dần và lan tỏa trong cộng đồng nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân. Niềm tin này xuất phát từ các thông tin rất cụ thể về triển khai thực hiện mục tiêu nâng hạng của cơ quan quản lý được công khai trước thị trường.

Quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán được thể hiện qua chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành. Tại tọa đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 5/3/2024, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, về điều kiện nâng hạng, Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí. Còn hai tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài (pre-funding) và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện. Thứ nhất, với tiêu chí ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định, mà trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhóm này.

Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các ngành nghề, có thể xem xét mở “room” ngoại đối với một số ngành nghề không thiết yếu.

Theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ Vinacapital từng kiến nghị, cần giảm bớt số lượng ngành nghề trong danh sách này, bên cạnh đó, triển khai phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) để tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã kịch “room” ngoại.

Đáng chú ý, Nghị định 155/2020/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) đang được sửa đổi theo hướng yêu cầu công ty đại chúng công bố rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trên trang thông tin của công ty và sở giao dịch chứng khoán; đồng thời, triển khai công bố thông tin bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm được một cách dễ dàng nhất. Nghị định 155/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi theo hướng xác định danh sách công ty đại chúng bắt buộc tuân thủ công bố thông tin bằng tiếng Anh trong ngắn hạn và dài hạn, dựa trên quy mô vốn chủ sở hữu.

Trên thực tế, theo Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp công bố tài liệu đại hội cổ đông bằng tiếng Anh tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng đây vẫn là một khía cạnh mà các doanh nghiệp thiếu sự đầu tư trong năm 2023, đặc biệt là biên bản, nghị quyết đại hội cổ đông bằng tiếng Anh. Hạn chế này gây cản trở các cổ đông nước ngoài trong việc tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời. Hay câu chuyện Thép Pomina không thể bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, vì Luật Chứng khoán giới hạn tỷ lệ sở hữu, mâu thuẫn với Luật Đầu tư (không giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong ngành thép) cho thấy việc tăng sở hữu của nhà đầu tư ngoại ở các doanh nghiệp niêm yết trên thực tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại trong những năm qua.

“Chúng ta đang ở năm bản lề, gần sát cánh cửa nâng hạng, việc thay đổi về chất là nền tảng pháp lý đang chuyển biến rõ nét, đảm bảo đủ tiêu chí của các tổ chức quốc tế”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBankS nhận xét.

Không chỉ phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường, năm 2024 cũng là cột mốc quan trọng ở thời điểm 5 năm triển khai Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành, cần có tổng kết, kiến nghị sửa đổi để hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán.

Các khách mời tham gia tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc" đã chia sẻ nhiều thông tin tích cực về thị trường

Các khách mời tham gia tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc" đã chia sẻ nhiều thông tin tích cực về thị trường

Kỳ vọng KRX trở lại

Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, hệ thống giao dịch KRX lại được kỳ vọng sớm “go-live” khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo thực hiện test thử nghiệm. Sự cố kết nối chập chờn từ một số công ty chứng khoán đến hệ thống giao dịch của HOSE trong tuần qua một lần nữa cho thấy việc vận hành hệ thống công nghệ mới, hiện đại là đòi hỏi vô cùng cấp bách. Hạ tầng công nghệ thông tin của Sở cũng như các công ty chứng khoán cần được nâng cấp, đồng bộ và hoạt động ổn định, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của thị trường.

“Hạ tầng giao dịch mới sẽ giúp nhà đầu tư giao dịch nhanh hơn, nhiều tổ chức có thể giao dịch tự động. Thị trường cũng có thêm nhiều sản phẩm mới, tương lai không chỉ phái sinh ở chỉ số chứng khoán, mà còn có thể phái sinh ở ngay sản phẩm cổ phiếu”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định.

Nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư đều kỳ vọng hệ thống giao dịch mới KRX khi đi vào vận hành sẽ giúp nhà đầu tư giao dịch thông thoáng, thị phần của công ty chứng khoán tăng trưởng.

Hệ thống KRX đang được kiểm thử sẽ là cơ sở về mặt kỹ thuật, hỗ trợ cho cơ chế không cần yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ 100% tiền trong tài khoản trước khi mua chứng khoán. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), trong đó, ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding. KRX vận hành là tiền đề để triển khai CCP cũng như nhiều sản phẩm mới trên thị trường như giao dịch T0, chứng chỉ lưu ký, giao dịch CW chiều bán…

Kỳ vọng KRX bị dồn nén khá lâu sẽ tạo ra hiệu ứng bùng phát trên thị trường, ít nhất về mặt tâm lý nếu hệ thống giao dịch mới này thử nghiệm thành công và đi vào vận hành chính thức.

Tăng trưởng kinh tế hồi phục, động lực cơ bản nhất

Bên cạnh các yếu tố nội tại, thị trường chứng khoán có động lực tăng trưởng từ các thông tin vĩ mô tích cực và sự phục hồi tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là 6 - 6,5%. Ba động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được Chính phủ xác định trong năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Với lĩnh vực đầu tư, bao gồm đầu tư nhà nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, cơ hội trong năm 2024 là khá tốt, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, bán dẫn... Thực tế cũng cho thấy, thu hút FDI của Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Một yếu tố đáng chú ý trong lĩnh vực này đầu tư công đang được đẩy mạnh, kéo theo cơ hội cho nhóm cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng…

Xuất khẩu của Việt Nam cũng đang có tín hiệu khởi sắc, khi hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có hai thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, Trung Quốc và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường.

Về tiêu dùng, sự hồi phục của kinh tế thế giới mang lại cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ tăng trưởng tiệm cận hai con số là tín hiệu khởi sắc cho tiêu dùng Việt Nam.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định: “Bức tranh vĩ mô đang có dấu hiệu của sự phục hồi: xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng 20%, các chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng, FDI vẫn tốt. Đó là những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán, ngoài các vấn đề về lãi suất”.

Chỉ số VN-Index đã tăng trưởng 12% so với đầu năm - mức tăng trưởng khả quan, giúp niềm tin nhà đầu tư được củng cố. Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành và dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán tích cực hơn từ quý III/2023 đến nay, chứng khoán Việt Nam được nhận định đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư. Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, một số doanh nghiệp đầu ngành đã có sự phục hồi từ đáy, ví dụ như thép.

Còn theo bà Phạm Huyền Trang, SSI Research, sự phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ phân hóa theo các nhóm ngành. Các ngành đã tạo đáy, có biên lợi nhuận thấp năm ngoái sẽ có sự tăng trưởng mạnh như vật liệu xây dựng, bán lẻ, một số ngành xuất khẩu, chứng khoán… Sự phục hồi này có thể có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào bức tranh vĩ mô.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS cho rằng, nhóm ngành dẫn sóng thị trường trong thời gian tới là ngân hàng, chứng khoán, xây dựng. Nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn tác động lên chỉ số, có những phiên, tỷ trọng giao dịch của nhóm này chiếm gần 30% tổng thanh khoản thị trường. Nhóm chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư, năm nay được quan tâm hơn bởi câu chuyện nâng hạng thị trường và hệ thống KRX sớm đi vào hoạt động. Với nhóm xây dựng, các cổ phiếu xây dựng hạ tầng được ưa thích, với động lực từ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Ngân hàng, chứng khoán là hai nhóm được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp và cổ phiếu ngành thép, bán lẻ cũng được đánh giá mang lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư. Bất động sản khu công nghiệp đang được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp từ Trung Quốc tìm kiếm bến đỗ mới, trong đó có Việt Nam, cùng dòng vốn FDI vào Việt Nam không ngừng tăng, mở ra dư địa cho mảng cho thuê bất động sản khu công nghiệp. Các tuyến đường cao tốc đang được đẩy mạnh xây dựng cũng hỗ trợ cho khu công nghiệp phát triển thuận lợi.

Ngành thép được hưởng lợi từ đầu tư công, xuất khẩu và triển vọng giá thép tăng trong năm nay giúp cải thiện biên lợi nhuận. Bán lẻ đang có đà phục hồi tốt và hưởng lợi từ câu chuyện dân số vàng, tăng trưởng bán lẻ đang tiệm cận hai con số. Dù ngắn hạn còn nhiều thử thách nhưng với câu chuyện dân số vàng, trong dài hạn, đây vẫn là ngành có tăng trưởng tốt.

Mặc dù thận trọng nhưng chuyên gia SSI Research cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng, dẫn đến tiềm năng tăng giá của cổ phiếu. Nhà đầu tư nên dựa trên cơ sở hiểu về doanh nghiệp, chọn các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư.

Lạc quan hơn, ông Trần Hoàng Sơn nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới (uptrend), sẽ có một vài phiên điều chỉnh nhưng sau đó sẽ tiếp tục đi lên. Thị trường đang hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực mang đến cơ hội bứt phá cho nhà đầu tư. Đà phục hồi của doanh nghiệp và động lực chính sách là hai yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Hệ thống KRX đang được thử nghiệm mang lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam còn đang vướng ở khâu kỹ thuật như xem xét của các quỹ chỉ số, xem xét về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu nhà đầu tư có thể mua bán được, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài…

Nếu những nút thắt này được tháo gỡ, thị trường được nâng hạng thành công, kỳ vọng thanh khoản của thị trường, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tích cực hơn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.

Cùng với việc nâng hạng, hệ thống KRX mới đang được thử nghiệm cũng mang lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống KRX không phải cây đũa thần giúp nâng hạng thị trường nhưng khi hệ thống này vận hành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về giao dịch quy mô lớn, gia tăng sản phẩm phái sinh, từ đó hỗ trợ quá trình nâng hạng, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân khi giao dịch, tránh tình trạng nghẽn lệnh như trong quá khứ.

Kịch bản cơ sở, VN-Index dao động trong khoảng 1.200 -1.3xx điểm

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng có thể đón nhận thêm từ 8 - 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Điều này có thể giúp ích rất lớn đối với thị trường trong thời gian tới.

Với dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường vào khoảng 15 - 18%, P/E trung vị khoảng hơn 14 lần, kịch bản cơ sở VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.200 - 1.3xx điểm. Trong điều kiện thị trường phù hợp, thị trường được nâng hạng, kỳ vọng VN-Index vượt 1.300 điểm.

Hiện trên thị trường số lượng doanh nghiệp vốn hóa lớn chưa nhiều, cần có giải pháp giúp doanh nghiệp vốn hóa vừa phát triển. Trong những năm gần đây, ít thấy xuất hiện doanh nghiệp vốn hóa lớn xuất phát từ doanh nghiệp tư nhân. Để xây nền vững chắc, phải xây đội ngũ doanh nghiệp, tạo trụ cột, vừa hỗ trợ vốn vừa hỗ trợ công nghệ, chính sách, đảm bảo xuyên suốt, lộ trình thúc đẩy. Để có doanh nghiệp vốn hóa lớn, cần lộ trình đồng hành với doanh nghiệp trong 10 - 20 năm tới, có lớp doanh nghiệp mới vững vàng, phát triển.

Tin bài liên quan