
Những ngày cuối tháng 5, các vùng vải của huyện Thanh Hà, Hải Dương đang bước vào thời điểm chín rộ. Từng chùm vải vào mã ửng đỏ trên cây, sai trĩu cành, báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu. Người dân, doanh nghiệp, chính quyền đều đã sẵn sàng cho hành trình tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều năm 2025.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, năm 2025, Hải Dương có 8.800 ha vải, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh. Trong đó, vải thu hoạch sớm có diện tích khoảng 2.850 ha (chiếm 32,4%); vải thiều thu hoạch chính vụ là 5.850 ha (chiếm 67,6%).
![]() |
Vải thiều Thanh Hà được gắn tem truy nguồn gốc sản phẩm. |
Đáng chú ý, phần lớn diện tích vải của Hải Dương đều được sản xuất theo quy trình an toàn, với 12 vùng đã được chứng nhận GlobalGAP và 56 vùng đạt chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích 721 ha. Hiện, toàn tỉnh đã được cấp 198 mã số vùng trồng vải để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu... Riêng huyện Thanh Hà có 167 mã số, trong đó, khu vực có nhiều diện tích vải được cấp mã số là xã Thanh Quang, Thanh Tân, Thanh Hồng,.. Tổng công suất của các cơ sở đạt khoảng 650 tấn/ngày, công suất cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt khoảng 30 tấn/ngày.
Lịch thu hoạch vải năm 2025 tại Hải Dương năm nay được dự kiến diễn ra tập trung. Vải thu hoạch sớm thu hoạch từ 20/5-10/6, thu hoạch tập trung từ 25/5 - 5/6; trà vải chính vụ cho thu hoạch từ 10/6 đến hết tháng 6, thu hoạch tập trung từ 15/6 - 25/6. Theo thông tin từ các hộ nông dân, nhiều khách hàng quen thuộc đã đặt mua trước với giá 100.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg so với vải thiều chính vụ.
Tổng sản lượng dự kiến của mùa vải thiều năm 2025 đạt khoảng 60.000 tấn. Trong đó, vải sớm khoảng 32.500 tấn; vải chính vụ khoảng 27.500 tấn. Riêng sản lượng vải của huyện Thanh Hà dự kiến đạt khoảng 38.000 tấn (vải sớm 28.000 tấn; vải chính vụ 10.000 tấn).
Ông Đào Văn Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà) cho biết: Nhằm đảm bảo chất lượng vải thiều khi xuất khẩu, chúng tôi đã khuyến cáo người dân thu hoạch vải đúng độ chín để duy trì chất lượng cao nhất. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Vải thiều Hải Dương đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và năm nay sẽ tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
![]() |
Năm 2025, Hải Dương có 8.800 ha vải. Trong đó, vải thu hoạch sớm khoảng 2.850 ha, vải thiều thu hoạch chính vụ là 5.850 ha. |
Để tạo thuận lợi tối đa cho bà con nông dân trong khâu thu hoạch, cũng như chuẩn bị cho công tác tiêu thụ và xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương cho biết, xác định sản xuất vải không những đảm bảo về năng suất, chất lượng mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp đã tăng cường phối hợp với các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn bà con thực hiện, áp dụng theo đúng các quy trình sản xuất an toàn. Đến thời điểm này, vải đã chuẩn bị được thu hoạch, ngành Nông nghiệp tiếp tục cùng với cơ quan chuyên môn ở địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Cùng với sản xuất, việc quảng bá, xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh. Các ban ngành của tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đang tích cực kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu rộng rãi trái vải thiều đến bạn bè trong và ngoài nước.
Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, tỉnh Hải Dương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng sang các thị trường cao cấp như: Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu. Dự kiến có khoảng hơn 2.000 tấn vải thiều Thanh Hà sẽ xuất khẩu sang những thị trường này.
Nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương cũng tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương tổ chức một loạt các sự kiện nổi bật như Lễ mở cửa vườn - chủ đề “Hải Dương mùa vải chín 2025”, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà 2025 và Lễ cắt băng xuất khẩu lô hàng vải thiều đầu tiên.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu vải; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên cung cấp những thông tin về quy định của các nước nhập khẩu vải của Việt Nam; tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ tỉnh Hải Dương trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
![]() |
Các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương tăng cường hướng dẫn và giám sát chặt chẽ công tác chăm sóc, sản xuất vải, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như Mỹ, Australia, Nhật Bản... |
Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp Hải Dương đã phối hợp với các địa phương mở hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Song song, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng cao.
Việc chứng nhận vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ là một yếu tố quan trọng giúp sản phẩm vải thiều Hải Dương chiếm lĩnh được thị trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các quốc gia nhập khẩu. Những nỗ lực này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn góp phần phát triển thương hiệu vải thiều Hải Dương trên thị trường toàn cầu. Và, Hải Dương đang chuẩn bị sẵn sàng cho một mùa vải thiều xuất khẩu thành công.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu, tỉnh Hải Dương kỳ vọng mùa vải thiều năm nay tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Không chỉ là trái ngon vùng nhiệt đới, mà còn là nông sản đặc trưng mang giá trị thương hiệu bền vững.